Hồi ký của một người tù (copy Hiếu gió)

Tuổi Hai Mươi- Phần 1.

...............................

Năm ấy tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà, tôi ở với bố tôi căn nhà bên sông Hồng, ở bãi Phúc Tân. Đó là một căn nhà cấp 4, mái ngói đỏ, kiểu nhà phổ biến ở các vùng quê. Có một khoảng vườn đằng trước, một vạt sân và một khoảnh vườn đằng sau, một chái bếp vách nứa, mái rạ. Có cái chum đựng nước mưa. Tuy rằng nó chỉ cách nhà Phất Lộc tầm 800 mét, nhưng cảnh vật y như quê.

Tôi xin đi làm được ở một chỗ làm ép cao su, người ta gọi văn hoa là lưu hoá. Công việc là ép má phanh, ép lốp, dây cua roa và cả dép cao su.

Ông chủ cơ sở nghiện thuốc phiệ.n, chỉ có hai người thợ làm là tôi và anh Thảo, ông chủ chỉ về lấy hàng mang đi đổ hay mang vật liệu về, dặn chúng tôi làm gì rồi ông đi. Nói là ông chủ nhưng chỉ hơn tôi vài tuổi. Có lúc về thì ông chủ mắt lim dim, mơ màng ngồi một chỗ.

Thuốc phiệ.n ngày ấy rẻ, 3 bi thuốc phiện bằng một bao thuốc lá. Nhưng ông chủ lại thêm món xóc đĩa, chẳng mấy chốc hết vốn và phá sản.

Xóc đĩa và thuốc phiệ.n là hai thú chơi phổi biến của lứa thanh niên vào những năm 85 đến 95.

Bố tôi bảo tôi về quê Đình Bảng học nghề thịt lợn , học thêm cả nghề mộc bên làng Đồng Kỵ. Câu chuyện này tôi đã viết nên chỉ kể sơ qua.

Lúc tôi ở quê thì bố tôi mất. Tôi về lại căn nhà ở ven sông, ở một mình.

Năm ấy tôi sắp tròn 21 tuổi.

Tôi tìm gặp anh Thảo, người làm cao su trước kia với mình để xem có việc gì làm, anh dẫn tôi đến bàn đèn của anh Tiến Lợn chỗ bãi Long Biên gặp mấy anh em làm bến bãi. Dạo đó dân giang hồ thường làm bến bãi. Bất cứ ở đâu cũng thành bến, thi tiền bốc vác bảo kê. Mấy anh em kia tên Huy, Chính M làm ở phố Lãn Ông. Hàng ngày các xe xích lô chở thuốc đến hay đi đều thu tiền theo bao.

Các anh nói ở chỗ các anh thừa người, không nhận thêm được.

Anh Tiến Lợn than dạo này hàng mua khó ( hàng tức thuốc p.hiện). Tôi chợt nhớ ở đơn vị mình có thằng Khoa người Nghệ An, lúc nào nó cũng có tiền tiêu pha thuộc loại khá giả nhất đơn vị, Khoa nói với tôi nhà nó buôn thuốc phi.ện, tôi nhớ có lần nó về phép rủ thằng Tiến ở Hàng Thiếc về cùng. Tôi nói anh Tiến Lợn có thể có nguồn mua.

Tôi đến nhà thằng Tiến, hỏi địa chỉ nhà thằng Khoa, nó vẽ đường cho tôi.

Tôi về nhà hỏi mẹ bố có để lại ít tiền nào để tôi làm vốn không. Mẹ tôi lắc đầu bảo không. Thôi con đến vay dì xem sao.

Dì tôi cho tôi mượn 2 chỉ vàng. Tôi bán đi được hơn 1 triệu. Nhảy xe vào Nghệ An, tìm đến nhà thằng Khoa.

Khoa gặp tôi nó mừng, thết đãi người bạn cùng quân ngũ cũng đâu ra đó, khi tôi ngỏ chuyện muốn mua hàng. Nó bảo nhà nó giờ đã chuyển sang buôn gỗ, nhưng nó cũng giới thiệu cho tôi nhà người quen. Tôi mua được 8 lạng thuốc phiệ.n giá 1 triệu, dắt vào người rồi nhảy xe về Hà Nội.

Tiến Lợn xem hàng rất kỹ, sau này tôi mới biết anh ta chẳng kinh nghiệm mẹ gì trong việc mua hàng sống, anh ta chỉ hút xong mới biết hàng tốt hay không, lúc đó anh ta ra vẻ xem để dìm hàng tôi. Xem xong anh ta trút luôn 8 lạng của tôi vào nồi và nấu. Chẳng nói gì đến chuyện trả tiền.

Một ngày anh nấu xong, hút thử hai chục điếu, nói hàng này cũng thường.

Khách đến hút, anh ta đổ những viên thuốc ph.iện nhỏ ra đánh cho họ hút. Khách khen hàng đợt này được. Anh ta cũng chẳng nói đến chuyện trả tôi tiền, buộc lòng tôi phải ở nhà anh ta chờ tiền. Khoảng một tuần anh ta trả tôi 1, 5 triệu.

Hoá ra Tiến Lợn chẳng có tiền vốn gì cả, khách người ta mua thuốc phiệ.n đóng túi nylon ở Đào Duy Từ đến chỗ anh ta hút, trả công tiền chỗ bằng bằng tỷ lệ 3 và 7. Họ hút 7 điếu cho anh ấy 3. Nhờ có 8 lạng thuốc phiện của tôi mà anh ta có số vốn nhanh chóng trong vòng nửa tháng.

Tiến Lợn là thương binh chống Mỹ, anh ta ỷ thế thương binh bị bệnh tật, hút thuốc phiệ.n giảm đau. Công an cũng chẳng làm gì gay gắt, họ biết nhưng chỉ nhắc nhở và chẳng làm khó gì anh ta mấy.

Mỗi tháng anh ta lấy 1 lần, 1 lần chỉ 1 cân, tôi được lãi 500 nghìn. Tôi thấy cần làm gì thêm, nên nấu thuốc phiện và cắt thành từng viên nhỏ, đóng túi nylon loại 20,30,50 giao cho ông Cường Qùe bán ở gốc cây bàng ngã ba Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ.

Cái gốc cây bàng ấy nổi tiếng đến nỗi nó thành một địa danh của dân nghiện, cứ nói đến Gốc Cây Bàng là lẽ ra phải viết hoa, quanh gốc cây bàng ấy là nhà tiêm chích, nhà bàn đèn, nhà bán mang về như một trung tâm phục vụ con nghiện ở đất Hà Nội. Dân nghiện gọi đó làm Tam Giác Vàng vào đầu những năm 90.

Dân nghiện bàn đèn có nhiều loại, nhưng họ thường khá giả hơn dân hút. Trong đám dân nghiện hút có những người làm cán bộ, là chủ cơ sở sản xuất, là chủ cửa hàng, có cả nhà văn hay nhà báo hoặc những tay giang hồ anh chị có số má như Đội Tường, Phúc Phật, Cương Lùn..và có cả công tử con một như thằng Hiệp bên Ba Lan bây giờ, thằng Hiệp mà năm 2016 cầm của tôi số đồng hồ trị giá 50 nghìn euro đưa cho ông Thích Minh Hiền trụ trì ở chùa Hương, giờ vẫn chưa đòi được ông ấy tiền.

Tôi không phải người buôn lớn, tôi làm đủ sống và dư dật chút, có nhiều thời gian. Tôi mua sách đọc, tôi ham đọc sách từ nhỏ, bẵng đi vài năm đi quân đội không đọc. Lúc đó có thời gian, tôi đọc rất nhiều, sách mua về phải đóng mấy giá đựng. Trong căn nhà cấp 4 ở ven sông ấy, chẳng có gì giá trị, tôi nấu ăn bằng bếp dầu, có mấy cái nồi nhôm đen đúa và mấy cái bát và một cái xe đạp Pơ Giô nam màu đen bố tôi để lại treo ở trong bếp, vì chẳng còn mấy ai đi xe đạp nữa.

Có lẽ cái xe đạp ấy là của bố tôi để lại cho tôi, có người trả tôi 90 nghìn, tức bằng khoảng 1 phần 5 chỉ vàng. Nhưng tôi không bán, tôi treo nó để nhớ bố tôi.

Một ngày tôi về không thấy cái xe, chắc trộm đã trèo tường vào lấy nó đi, tôi cũng không tiếc lắm về giá trị, chỉ áy náy là xe của bố đi mà mất. Sau này khi làm giám đốc công ty quảng cáo, có tiền tôi cũng cố lùng mua cái xe như thế không được. Mãi đến năm 2021 thấy ở Pháp có người bán cái xe như thế, tôi đã sang tận nơi mua và gửi về cho anh chị tôi, nói hãy giữ cái xe đó với căn nhà mà bố tôi đã di chúc cho tôi.

Ở bàn đèn người ta hay xích mích, khách nhiều khi giận chủ lò chuyển sang lò khác hút. Tiến Lợn lúc không có vị gì thì ngon ngọt, lúc có điều kiện lại giọng kênh kiệu khinh người. Mấy anh em làm bến Lãn Ông giận bỏ đi, họ gặp tôi bảo hay là mày mở mẹ bàn đèn ở nhà đi, nhà mày rộng, không có ai. Cho anh em có chỗ tụ tập.

Tôi nghe có lý, vì cũng rảnh, thế là tôi sắm bàn đèn.

Ở tuổi 21, tôi trở thành một huyền thoại.

Có điều đó là huyền thoại trong làng bàn đèn thuốc ph.iện. Tôi là người duy nhất mở bàn đèn mà không bao giờ hút một điếu thuốc phiệ.n nào, không có ai bằng tuôi tôi có thể nhìn bằng mắt thường hàng sống mà đánh giá được chất lượng của thuốc phiện khi thành điều hút. Có vô vàn loại hàng từ các vùng như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thượng Lào, Hạ Lào...chúng được gói trong giấy bản, trong túi nylon. Các chủ bàn đèn thường khêu một tí, nấu qua, hút thử đợi một hai tiếng thuốc ngấm mới đánh giá được. Tôi chỉ cần cầm cái que vạch vài nhát và nhìn là đánh giá được. Có tay buôn mang đến 5 kg hỏi tôi mua, tôi nói chỉ mua được 2 kg. Anh ta loay hoay tìm cách chia, tôi bảo đưa cả bọc đây, tôi nâng nâng ướm thử rồi câm kéo cắt một nhát dứt khoát đưa lại cho anh ta. Anh ta cân một chỗ 2 kg, ngạc nhiên anh ta cần chỗ còn lại đúng 3 kg. Anh ta nhìn tôi ngỡ ngàng hỏi.

- Mày là người hay là ma.

Ai cũng nghĩ tôi nghiện, từ lúc đó đến giờ đã 30 năm, nhiều người vẫn nghĩ tôi nghiện.

Nhưng 30 năm qua ấy, chưa có ai nói rằng họ nhìn thấy tôi dùng thuốc phiện bao giờ cả, dù là bất cứ loại ma t.uý gì cũng thế, chẳng ai nhìn thấy tôi dùng.

Mở bàn đèn là một sai lầm, nếu như buôn thì không phải giao tiếp với các người nghiện, chỉ giao dịch với chủ lò hay người bán như ông Cường Què. Mở bàn đèn hàng ngày phải giao tiếp, phục vụ những người nghiện. Khi họ thiếu thuốc, lúc họ phê thuốc hay lúc họ không có tiền, có tiền và đủ thứ chuyện khác nữa như chuyện vợ, bố mẹ họ đến tìm.

Và những đêm đông cô độc, trong căn nhà ven sông, gió bấc rào rạt thổi trên mái nhà, một mình bên ngọn đèn dầu lạc ma mị, liêu trai. Nằm đọc sách dưới ánh sáng của ngọn lửa từ bóng đèn hút thuốc phiệ.n hắt ra. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi không thử làm vài điếu.

Cho đến giờ đã hơn 30 năm qua, ở tuổi đã quá ngũ tuần. Tôi nhận ra được lúc đó mình tránh được cám dỗ bởi có một thứ ngăn cản.

Nghe có vẻ giáo điều và vớ vẩn.

Đó là những cuốn sách mà tôi đã đọc, thứ mà đã ngăn cản tôi không sa vaò những gì tệ nạn và bị nô lệ bởi tệ nạn. Khi tôi đọc chuyện ma thời xưa, có những chàng thư sinh ban đêm chong đèn đọc sách. Những hồn ma không thể hại họ.

Thuốc ph.iện có tên gọi khác là ma tu.ý tức con ma làm hại người ta say mất tri giác.

Có lẽ vì đọc quá nhiều sách, chúng tạo trong con người tôi một tính cách, một bức tường phòng ngự để ngăn những điều tệ hại xâm nhập vào.

Nếu bạn đọc đến đây, cho tôi là hoang tưởng. Nhưng bạn đặt câu hỏi, vậy thứ gì ngăn tôi không trở thành kẻ nghiện ngập ? Trong hoàn cảnh như thế, xuất thân như thế, điều gì ngăn cản tôi không bị tệ nạn cám dỗ?

Thôi, tôi trở lại với tuổi hai mươi của mình, tôi viết để cho mình nhớ lại những thời khắc xa xưa. Tôi sẽ cố gắng mỗi ngày dành thời gian viết một đoạn, tôi sẽ dừng lại ở tuổi 27.

Phần 2


Tuổi hai mươi-phần 2.

Những người khách đến bàn đèn tôi đa số đều là thanh niên. Công việc của họ người làm bến bãi, người lái xe lam và trộm cắp phụ tùng ô tô. Quanh đi quẩn lại cùng toàn anh em quen với nhau. Thường ngày người ta đến vào buổi sáng và tối. Giữa thời gian đó tôi có thể đi chơi hoặc làm việc khác, như đi tìm mối bán buôn.

Anh Khanh Bái lái xe lam, loại xe ba bánh chở khách thịnh hành lúc ấy. Xe đón khách ở bến xe Long Biên đi về các nơi như dạng taxi bây giờ. Tuỳ theo khách, gặp khách quê hay người lành, anh chở nửa đường dừng lại đòi tiền. Lý do tiền đòi thêm là tiền vào bến, tiền qua trạm thu phí và tiền trời ơi gì đó muôn hình muôn vẻ. Khách mà cứng đầu anh lôi thanh sắt dắt sau ghế ngồi ra, người anh ghè vào chân, người anh ghè vào đầu. Đa phần họ đều sợ mà trả tiền như anh muốn cho xong.

Có lần tôi đi với anh, anh bảo tôi, mày giả vờ làm khách, lúc tao doạ lấy tiền, mày vờ sợ trả tiền tao cho chúng nó làm theo.

Một cặp vợ chồng ở tỉnh lên Hà Nội mua tivi nội địa hàng bãi của Nhật, chở từ bến xe Gia Lâm sang đến giữa cầu Chương Dương thì anh dừng lại bảo thu tiền. Anh đòi 5 nghìn một người, trong khi lẽ ra chỉ 2 nghìn một người. Tôi bảo giá chỉ 2 nghìn, anh rút cái gậy sắt ra dí mặt tôi chửi.

- Đm thằng ôn con thích mặc cả không.

Nói rồi anh vụt nhưng trúng vào cái sắt khung sườn xe lam, tiếng sắt va chạm nhau khiến vợ chồng kia mặt xanh lét, tôi móc tiền trả anh 5 nghìn rồi ngồi im thin thít.

Anh quay sang bảo vợ chồng kia trả 15 nghìn, họ ấp úng nói sao 2 nghìn đã thành 5 nghìn một người, giờ 2 người lại là 15 nghìn.

Anh Khanh bảo.

- Đm chúng mày ngoại tỉnh, thỉnh thoảng mới đi, giá nó khác. Người ta ở đây hay đi giá nó khác.

Họ bảo người đâu cũng là người, sao lại ép họ như vậy.

Anh Khanh cầm thanh sắt như chuẩn bị vụt, mắt anh long sòng sọc chửi.

- Thế đccm chúng mày có thấy bọn Tây nó cũng là người, nó đi tàu xe hay vào ăn có giá như người Việt không, lý sự bố cho một nhát bây giờ.

Nói rồi anh cầm cái cây sắt thọc vào hông người ta.

Tôi đưa mắt nhìn họ như bảo thôi trả cho xong. Họ cũng chẳng biết làm gì hơn, đành trả 15 nghìn.

Một ngày anh Khanh kiếm được đến 100 nghìn, anh hút thuốc phi.ện hết 30 nghìn. Anh chỉ khoảng 24,25 tuổi nhưng đã có vợ con. Hàng ngày anh đánh xe lam quanh quẩn dọc phố Nguyễn Văn Cừ, bến xe Long Biên, ngã ba Câù Chui để săn khách. Chẳng biết lúc anh thiếu thuốc, chưa hút thì thế nào. Nhưng anh đến chỗ tôi hút xong, tôi đi cùng anh thì thấy anh linh hoạt, nhanh nhẹn và sục sạo hau háu nhìn những người đi đường mời chào rất tràn trề sinh lực. Anh ngọt ngào chào khách.

- Bác ơi, anh ơi, chị ơi đi đâu em chở cho nhanh, trời nắng chờ xe buýt làm gì, đi xe ôm làm gì, xe em có che nắng, thoáng mát, em chở tận tình đến nơi đến chốn.

Lúc ấy anh tươi tắn, đon đả và lễ phép lắm. Nhưng khách lên xe rồi đi một đoạn thì anh sẽ như đoạn vừa kể trên. Anh còn phanh áo ngực lộ hình xăm con đại bàng và đặc biệt nhất thái độ anh cầm cây sắt khiến người ta cảm giác là anh đã vụt nhiều người rồi chứ không phải là doạ.

Nhưng có lần gặp một bà già, anh liến thoắng u ơi u này, anh chở bà đến nơi và lấy đúng giá 2 nghìn.

Anh nói với tôi, cũng nhìn tùy người mà vặt thôi em à.

Đến một hôm tôi không thấy anh đi làm, anh hút xong nằm thở dài. Hỏi sao không đi làm, anh kể xe đặt rồi, đặt 2 triệu, đánh xóc đĩa thua rồi. Anh bảo đêm nay đi đánh phục thù, một là mất xe thì đi ăn cắp cùng bọn thằng Tuyển. Tối đó anh quay lại, hút xong rồi bảo tôi đi với anh, cầm tiền cho anh.

Anh đưa tôi 7 triệu dắt trong bụng, chúng tôi đi xe ôm lên hàng Giấy, sới xóc đĩa của nhà Oánh Phở.

Dân giang hồ Hà Nội đầu những năm 90 ai cũng biết sới nhà Oánh Phở.

Chúng tôi trả tiền vào cửa, lên trên gác sới bạc đang diễn ra. Ông Hùng Riềm trùm bến Hải Phòng cùng các ông Hùng Lan, Dân Chấn quây quanh và nhiều con bạc khác. Ông Tân Hàng Tre thì ôm bảng vị. So với các ông ấy bọn chúng tôi là tiểu yêu, lên chỉ đứng ở tuyến hai chứ không đủ tuổi ngồi.

Đặt xe 2 triệu, lấy thêm 7 triệu nữa cầm theo, tôi thấy anh Khanh Bái ngồi rón rén đánh cao lắm 2, 3 trăm nghìn một, nghĩ đánh thế này có khi chẳng đủ tiền trả lãi vay và tiền vào cửa, nhìn ngứa mắt nhưng chẳng dám thúc anh ấy đánh bạo tay.

Lúc này bạc đang đổ cả cầu chẵn, mấy cái sấp đôi rồi về sấp bốn, rồi lại sấp đôi và ngửa tư.

Sau tiến ngửa tư cả làng hầu như đánh mặt chẵn, chỉ có một người đánh 200 nghìn bên lẻ.

Cái kiểm tiền xướng.

- Chẵn thừa triệu rưỡi, bán chẵn triệu rưỡi.

Cả làng im lặng, cái hô thêm ba câu, chuẩn bị hô chẵn về thì tôi ở tuyến ba nói.

- Đắt chẵn triệu rưỡi.

Cả làng ngước nhìn tôi, ông Hùng Riềm nhận ra tôi vì ông ấy cũng là dân hút, ông nói.

- Cho nó vào đây chạm bát.

Người ngồi dưới rẽ ra để tôi vào đặt tay lên bát. Ông Khanh Bái mặt xám ngooét, hổn hển nói.

- Thôi đánh vậy thôi nhé.

Tôi gật đầu, ông Tân Hàng Tre cầm bảng vị nói kháy.

- Mở ra xem cái sấp đôi vào mặt.

Tôi quay qua anh Khanh hỏi đánh đâu rồi, anh bảo đánh 200 nghìn bên chẵn. Tôi hỏi anh Hùng Riềm có rút 200 ấy về được không. Tất nhiên thì anh Hùng mừng, vì đang ế chẵn. Tôi cầm 200 ấy lạnh lùng đặt lên bảng vị sâp 1 của anh Tân Hàng Tre.

Tôi hỏi mở được chưa, anh Hùng gật đầu. Tôi gõ vào đít bát nói.

- Lẻ còn thừa 5 triệu.

Lúc ấy cả làng giật mình, chẳng ai nghĩ thằng tiểu tốt như tôi dám thách lại sới. Toàn các anh chị trùm bến, ai cũng kết chẵn rồi mà giờ có thằng ôn con nó thách lại như vậy, để im thì không được. Mấy anh lầm lì không nói, người ném xuống mặt chẵn 1 triệu, người 2 triệu, người ném cái bật lửa ra báo 3 triệu.

Anh Hùng Riềm kiểm mặt chẵn, anh đanh giọng.

- Trước sau tổng cộng chẵn thừa 8 triệu.

Tôi lôi bọc tiền ra nói.

- Em chỉ có sáu triệu rưỡi mang theo thôi.

Bây giờ dân đánh bạc nhiều tiền, đánh một lúc bay cả nhà. Nhưng hồi đó đánh canh bạc tiền đến như vậy cũng là to. Anh Hùng Riềm bảo người báo bật lửa 3 triệu giảm đi nửa, người kia đồng ý.

Tôi chạm vào bát, sới bạc im ắng, tay tôi không run. Tôi nhìn mắt anh Khanh Bái thấy sự tinh anh khi đủ thuốc của anh không còn, thay vào đó là ánh mắt của kẻ mộng du. Anh không thể ngăn tôi được, ở sới bạc toàn những đại ca tên tuổi, không có chuyện lộn xộn giằng co ngăn cản như bạc ngoài đường. Một lời nói ra là không thể lui lại.

Tôi nhẹ nhàng mở bát ra nói.

- Xem ba trắng đây này.

Trên lòng đĩa 3 quân bài hình tròn màu trắng, một quân màu đen.

Ba trắng hay còn gọi là sấp một.

Tôi nhận số tiền anh Hùng Riềm đếm trao, rồi quay ra thu tiền cược vị sấp một của anh Tân Hàng Tre.

Nhận tiền xong , tôi lại khiêm tốn về tuyến hai đứng.

Mấy tiếng bạc qua, tôi không đánh gì, anh Khanh đánh vài trăm lúc được, lúc thua. Cuối cùng anh bảo anh đi về, chúng tôi cùng về.

Ra đến đường, anh Khánh ôm ngực nói.

-Đm tao bây giờ mới hết đau tim, tao sợ mày quá Hiếu ạ.

Tôi cười.

- Thôi gọi xem ôm về nhà em nằm, mai đi lấy xe về đi làm.

Về nhà đếm tiền, mang đi 7 triệu thì mang về 11 triệu. Hoá ra ông Khanh cũng ngại, nên lúc đó đánh đi đánh lại thua thêm mấy triệụ mới đứng dậy đi về, sợ mang tiếng ăn non. Tôi nghĩ anh ấy làm thế cũng phải.

Đêm ấy bên bàn đèn, anh bảo.

- Tao giờ vẫn chưa hoàn hồn, sao mày liều thế, thua tiếng ấy thì sao ?

Tôi bảo.

- Đéo hiểu anh cầm tiền đi sới mà anh lại bảo thua thì sao, đã cầm đi là chấp nhận chơi chỗ ấy, thế anh đặt xe thêm 7 triệu để cầm đi cho oai, hay để đánh vài trăm một cho đến sáng à? Đánh nhiều mụ người chứ làm cái mẹ gì, cờ bạc ăn nhau ở vận, mà đã là vận thì một nhát cũng xong.

Anh Khanh bảo.

- Nhưng mày đi chỉ cầm tiền cho tao thôi mà.

Tôi nói.

- Nếu mà thua thì anh cứ đến đây hút dần, đằng đeo nào mà ngày nào anh chả phải hút. Được thì em đánh hộ anh, thua thì anh đến em cho hút dần trừ nợ.

Anh Khanh chả biết nói gì, cứ nhìn tôi một lúc rồi chép miệng, rồi thở dài.

Sáng tôi cầm số tiền hôm qua đánh bạc kiểm xong đặt cạnh bàn đèn, đưa cho anh bảo anh đi chuộc xe, anh đưa lại tôi một triệu.

Tôi không nhận, tôi bảo nói thế thôi, lúc đó em kết quá, trong đầu đinh ninh sấp một như nhìn thấy, nên cứ thế phang chả nghĩ thua sẽ thế nào, chắc mà thua thì anh chịu chứ đâu phải em. Nên em không cầm đâu , tiếng đó là em đánh hộ anh mà.

Anh cứ dúi bảo cầm lấy lộc, nói mãi tôi chỉ nhận 200 nghìn.

Mấy ngày sau tiếng bạc sấp một ấy được râm ran quanh bàn đèn, lan cả ra ngoài. Ai cũng nghĩ tôi là con bạc gớm lắm. Người ta đồn tôi từng đánh lớn ở trên rừng, nơi có bãi vàng, có bãi đá đỏ.

Anh Khanh lớn tuổi hơn tôi, nhưng từ canh bạc đó, anh đối xử với tôi như người hơn tuổi, làm gì anh cũng hỏi ý kiến tôi và nghe theo.

Trong giới giang hồ nhiều đại ca tên tuổi lừng lẫy, thành tích đâm chém nhiều vô kể. Nhưng ít ai biết rằng vô số tay giang hồ bản chất liều lĩnh và độ ngông cuồng còn hơn rất nhiều. Có điều họ chết sớm vì nhiều lý do, hoặc họ giã từ giang hồ, hoặc bệnh tật hay vùi đời trong nghiện ngập. Nhiều giang hồ đã rời khỏi cuộc đời rất sớm ở tuổi đôi mươi, có người vì gây án lớn phải chịu án tử hình, chung thân khi chỉ ngoài hai mươi tuổi.

Một trong những người như thế đến bàn đèn tôi hút là thằng Tuyển Si nhà ngõ Báo Khánh....
 
Tuổi Hai Mươi- Phẩn 10.
Tôi vệ sinh quét dọn hành lang, giặt quần áo cho cán bộ quản giáo, rửa ấm chén hàng ngày. Lúc rảnh tôi chui vào phòng kho nằm ngủ hay ngồi im trong đó.
Quản giáo và đại ca trực chính để ý, thấy có việc gì không liên quan đến tôi là tôi chui vào phòng kho, không tò mò, không nhìn ngó.
Việc không liên quan đến tôi là những việc tế nhị, khó nói. Chẳng hạn việc trực chính đi thu tiền hàng tuần từ các trưởng phòng để nộp cho quản. Việc lôi người từ phòng nào ra xét hỏi, đánh đập. Hay ai đi gặp gia đình về muốn biếu xén gì...đại khái những việc ta gọi là góc tối, góc khuất hay tiêu cực trong tù.
Ông Dũng đội trưởng quản giáo gọi tôi ra nhiều hơn, ông bảo xong việc ở buồng thì ra chỗ ông ấy. Ra đến nơi chỉ đứng quanh quẩn bên ngoài, ông tiếp khách hay làm việc, có gì ông gọi ới vào pha nước, đổ gạt tàn. Khi ông tiếp khách nói chuyện thì tôi đứng xa đủ để không nghe không thấy gì, khi ông làm việc tôi đứng ngay cửa. Mấy lần ông ý mới biết là tôi hay như thế, ông hài lòng nhìn tôi gật gù.
Tôi thành người phục vụ cho ông ấy, như dạng nô tài hầu vua. Mẫn cán và giữ phép tắc.
Thỉnh thoảng ông cho tôi bao thuốc Malbro màu đỏ của nước ngoài.
Ông Dũng cao, trắng, nhìn lành. Nhưng ông đi đến đâu các tù sợ ông nem nép, ai thấy ông ý cũng tránh thật nhanh.
Người tù chia cơm canh bên ngoài đi trại, tôi phải kiêm thêm việc chia cơm. Hàng ngày lôi thùng cơm và canh đi 8 phòng, múc ra cái chậu nhựa to, căn đủ số người trong phòng vì phòng ít, phòng nhiều. Qua buồng 6D thấy mọi người ngồi ngay ngắn, không đi lại lộn xộn như trước. Anh Sơn mặt lầm lỳ rất nghiêm trọng, đứng giữa buồng theo dõi cậu chia cơm bên trong. Một vài người nhìn tôi với ánh mắt buồn.
Buổi sáng tôi cầm những tờ giấy đi các phòng gọi tên người có quà, họ đứng sẵn một lượt để trực chính mở cửa cho ra khoảng trống trước phòng cán bộ, ngồi chờ kiểm quà.
Quản giáo bắc ghế ngồi quan sát, tôi giở túi quà đọc tên ai thì người đó lê đến nhận, lê đi trong tư thế ngồi, chẳng phải đứng mà đi đâu.
Tôi đổ túi qùa ra cho trực chính khám khám, nắn, bóp. Nếu là bánh chưng thì anh lấy dao cắt ra làm 4. cam quýt anh bóc vỏ, cái gì cũng bóc tung ra. Nếu mà thấy cái gì anh thích, anh đặt sang một bên.
Có một thằng thấy anh ấy lấy mấy quả cam đặt sang bên, nó vơ tay lấy về. Trực chính dìm đầu xuống cho vài cùi chỏ vào lưng. Quản Quốc đứng dậy vào phòng lấy dùi cui cao su ra, bảo thằng đó nằm xuống. Ông vụt đến khi trực chính bảo nó phọt *** rồi thầy ơi, ông quản mới thôi.
Thằng tay cầm túi quà, tay bưng đít đau đớn đi lom khom về phòng.
Có nhiều người cầm túi quà vào đến phòng là có kẻ đứng sẵn chờ giao nộp.
Nhiều người bị ngồi bó gối cả ngày, máu không lưu thông, họ đổ vật xuống, chân tong teo, ghẻ và ốm yếu. Ăn không có chất, đi vệ sinh phải theo giờ, có người bị bệnh lại càng bệnh, chưa kể bị đánh đập thường xuyên. Một số người đi như không có hồn, chỉ có thân xác tong teo đi chơi vơi như sắp ngã.
Vì người chia cơm canh đi rồi, tôi làm thay việc chia cơm còn phải làm thêm việc nữa trực chính sai là đun nước sôi rót cho từng phòng. Trực chính bán 20 nghìn một nửa ấm nước sôi. Ấm đun nước điện của quản giáo, hàng ngày tôi đun và rót cho các phòng.
Trong tù lắm cái vô lý. Ví dụ như ai đi thăm gia đình về, qua buồng quản giáo đứng cho trực chính khám, nếu có tiền trực chính đút luôn vào túi mình trước mặt quản, không cãi thì thôi, cãi thì quản giáo lập biên bản vi phạm.
Nhưng nếu thoát vào phòng, đưa cho trưởng phòng thì tiền ấy cũng từ tay trưởng phòng nộp lại cho trực chính.
Sau tôi mới biết ví dụ người gặp mang trót lọt 300 vào đưa trưởng phòng, trưởng phòng cho làm ưu tiên một tháng. Trưởng phòng chỉ đưa lại trực chính 200, ăn 100 nghìn. Còn nếu trực chính thu, sẽ trả lại cho thằng trưởng buồng 100 hay 150 tuỳ quan hệ với nhau. Nếu bị trực chính thu thì thằng gặp gia đình chỉ được xét ưu tiên loại 2, loại 3.
Rồi chuyện khám phòng nữa, thỉnh thoảng qủan giáo dẫn trực chính và tôi đi khám xét các buồng, thu giữ ống bơ, đĩa sắt, dao tự chế bằng vỏ ống bơ ( dùng thái nọ kia chứ không phải đâm nhau), bật lửa, diêm. Quản giáo đứng nhìn, trực chính lục soát, tôi cầm cái bao tải, anh trực chính quăng ra cái gì tôi cho vào bao tải cái đó. Xong mang về kho quản giáo để.
Sáng khám thì chiều trực chính đi từng phòng hỏi bị thu gì, lấy tiền chuộc lại. Sai tôi mang đi trả những phòng nào đã trả tiền chuộc. Buồng trực chính ở tất nhiên không bị thu gì, buồng anh Kiên tức buồng tôi ở bị thu, nhưng trực chính cho phép tôi mang trả, anh Kiên đưa nửa giá cũng ok.
Đấy là ông quản giáo khám , chứ gặp hôm ông Dũng Đội đi cùng quản khám thì tất cả mang về kho ông Dũng hết. Kho ông Dũng thì chỉ có tôi ở đó. Khi tôi vác bao tải về, ông bảo mày có gì của mày thì lấy về mà dùng. Tôi chỉ lấy đúng những gì ở buồng tôi, ông ấy nhìn cái ống bơ và cái đĩa sắt tôi cầm và mỉm cười.
Thì ra ông nhớ hết những cái gì thu ở buồng nào.
Những đồ còn lại, ông sẽ đợi đầy rồi cho lính mang ra ngoài trại vất đi.
Tôi băn khoăn tự hỏi, trước tôi ai là người phục vụ phòng ông ấy ?
Hình như chẳng có ai, ông cần thì bảo quản giáo cho ai ra dọn. Tuần mới một lần. Có tôi thì ông mới bảo hàng ngày xong việc buồng thì ra chỗ ông.
Những ai ở tù thì biết, nhìn thấy thằng tù nào cứ lững thững hàng ngày đi đi lại lại từ đầu này đến đầu kia, họ bị nhốt trong phòng không biết tôi đi làm osin cho ông Dũng Đội, họ chắc nghĩ tôi phải thân thế ghê gớm lắm mới '' bon'' tứ tung như vậy.
Cho dù không thích *******, cho dù cái xã hội này toàn dùng đến tiền.
Nhưng thật lòng tôi nói với các bạn.
Có một khe hở nào đó trong mỗi con người quản giáo, họ có tình cảm như tất cả những người bình thường. Khi len được vào khe hở ấy, những thứ tiền hay quan hệ đến mấy cũng chẳng được họ ưu ái bằng những người tự họ thấy mến. Phát hiện ấy được tôi sử dụng suốt những năm sau này trong tù và thành công gần như tuyệt đối.
Đừng nghĩ rằng đó là cung cúc nịnh bợ, họ nắm quyền sinh sát số phận tù trong tay họ, tù nào chả nịnh bằng mọi cách, mọi kiểu để lấy lòng họ. Cả đời họ làm quản giáo, tiếp xúc đủ các loại lưu manh, họ đánh giá tù nhân còn chuẩn hơn cả bản thân tù nhân.
Ông Quốc không phải người đỡ tôi, vì ông B đỡ nên ông Quốc chấp nhận tôi chạy ngoài. Nhưng lâu dần ông ấy quý tôi. Những lần ông và trực chính làm gì, tôi đều lảng rõ xa để quét dọn, ông hiểu tôi là người biết giữ đúng mức thân phận.
Trong những quản gíao làm quản đêm, có ông Thành gọi là Thành Cao Ba Nhá, ông ấy đeo hàm đại uý, nhưng chức vụ còn kém ông B, dù ông B là thượng uý. Ông Quốc là đại uý.
Đại uý Thành Cao Bá Nhá tính đúng như tù gọi, ông ấy sẵn sàng đi mua thuốc lá cho tù với giá gấp 5 lần, ông bán đĩa sắt, vỏ lon và xô nhựa ( xô nhựa tù đập ra làm chất đốt đun thức ăn , nước sôi). Đến ca ông ấy trực là ông ấy tống tôi vào phòng luôn để tiện việc mua bán.
Ông Thành hiền, vui tính. Nói chung mua bán thì thuận mua vừa bán, ông ấy cầm tiền theo giá chung và mang đồ đúng giao hẹn. Nhìn cảnh tù ném tiền dọc cái bàn chia cơm ra cho ông ấy, có lúc ném không tới, ông đi lấy cái que khều mà vừa thấy tội vừa buồn cười.
Thiếu uý Điều quản đêm lại khác ngược, anh ta chỉ hơn tôi vài tuổi. Một cán bộ quản giáo nghiêm khắc và mẫu mực, anh là bí thư đoàn của các anh lính trẻ nghĩa vụ. Không ăn tiền của ai, không bịa ra cớ để hành hạ tù. Anh ta thực hiện đúng như nội quy trại đề ra.
Thực hiện đúng nội quy trại đề ra hay tiêu chuẩn cải tạo của cục trại giam thì tù đời tù buồn thảm. Anh chị số má trong các phòng đều ngán ngẩm mỗi khi đến ca thiếu uý Điều trực đêm. Đã thế thiếu uý Điều còn có lúc trực cả ngày chủ nhật cho các ông Quốc và B nghỉ.
Ngày chủ nhật đã buồn vì không ai đi xử , đi cung, đi gặp gia đình, đi ra nhận qùa. Đã thế thiếu uý Điều nhốt luôn cả trực chính trong phòng. Có mỗi tôi chia cơm canh, quét dọn được ra ngoài. Mà chia xong thiếu uý Điều cũng nhốt tôi trong phòng, vì hôm nghỉ như thế ông Dũng đội cũng nghỉ, tôi chẳng có việc gì nữa.
Có một thiếu uý nữa làm quản đêm. Anh này hiền, tôi và anh thường tâm sự chuyện đời, chuyện tình yêu. Tối chúng tôi pha trà nói chuyện, hai thằng ngồi trong phòng quản giáo trực say sưa tán chuyện. Anh kể người yêu anh làm gì, hôm qua cô ấy nói gì, trách giận anh ra sao. Chúng tôi cùng phân tích nội tâm của cô người yêu anh, từng ly từng tí đầy đam mê.
Một lần anh sực nhớ ra điều gì, bảo tôi.
- Hiếu này, tao coi mày như bạn. Nhưng ở đây thì mày biết đấy, tao cả mày mà ngồi cùng bàn nói chuyện, ban bệ thấy cũng chết tao. Mày lấy cái ghế nhựa ngồi, đừng nghĩ gì nhé.
Tôi ngồi cái ghế nhựa thấp mà trực chính hay ngồi kiểm quả, tôi ngồi dưới uống trà, còn anh ấy ngồi trên ghế quản giáo. Trước mặt tôi là đôi giày *******, hôp xi và cái bàn chải. Tôi cầm phòng ban bệ qua thì tôi như đang đánh giày cho cán bộ.
Anh ấy không mua bán như đại uý Thành, anh có vẻ nhà khá giả, nên chẳng thèm làm gì kiếm chác thêm. Trời mùa đông mau tối, thực ra tôi chỉ ngồi chuyện với anh đến hơn 7 giờ là phải vào phòng. Giá không bị vào có khi chúng tôi nói chuyện hết đêm.
Thiếu uý Điều nhà ở quê, nhìn vóc dáng gày guộc với tính cách anh, biết nhà anh chẳng khá giả gì. Anh khô và lạnh, nói cực kỳ ít, chỉ những câu ra lệnh cần thiết.
Một chủ nhật chia cơm xong, tôi vào phòng kho quản giáo chục giây rồi đi ra, anh Điều hỏi.
- Mày lấy gì?
Tôi xoè ra mảnh giấy gấp tư, anh mở ra nhìn thấy bức tranh tôi vẽ phố phường, tôi nói.
- Mọi ngày trong lúc chờ từ lúc chia quà đến lúc chia cơm, em ngồi trong này vẽ linh tinh.
Anh hỏi.
- Mày vẽ cũng được nhỉ, phố này ở đâu ?
Tôi thưa.
- Dạ, đó là ngõ Phất Lộc cắt Lương Ngọc Quyến, em vẽ nhà em ạ.
Anh Điều trả lại mảnh giấy và nói.
- Thôi cho mày ngồi trong đấy làm gì thì làm.
Ngày chủ nhật rảnh, nằm trong kho đọc báo, hút thuốc lá. Ôi thật thích, như đang nằm ở nhà chứ không phải trong tù.
Chủ nhật lần sau, anh mang đến mảnh giấy to và hộp bút chì màu, anh bảo tôi vẽ trang trí riềm tờ giấy để anh làm báo tường cho chi đoàn trại.
Tôi dọn bàn lấy khoảng trống, trải tờ giấy ra và vẽ những dây leo, lá cây, bông hoa. Cái hộp bút chì màu loại kém, cứ phải nhấm nước bọt liên tục vào đầu bút cho nó đậm.
Lúc tôi vẽ xong, lần đầu tiên tôi thấy thiếu uý Điều cười tủm tỉm ngắm tờ giấy vẻ rất hài lòng.
Rất lạ là ông Quốc biết chuyện quản Điều chủ nhật thả tôi rông bên ngoài, ông bảo.
- Mày được thầy Điều quan tâm là giỏi đấy.
Chắc anh trực chính mách ông ấy.
Được ông Dũng Đội quý mà ông Quốc không khen, được thiếu uý Điều quan tâm ông lại khen.
Vì anh Điều là hạt giống, cán bộ nguồn, đơn giản thế.
Một chủ nhật, anh Điều gọi tôi vào phòng bảo.
- Mai tao họp chi đoàn, mày kiếm tao cây thuốc và cân trà. Chả lẽ tao làm bí thư đoàn, họp không có gói thuốc, ấm trà cho anh em.
Anh Điều có thể nói với bất cứ tù có điều kiện, số mà nào đưa một vài triệu, họ sẽ vinh hạnh được đưa cho anh. Nhưng anh lại nói với tôi , dù anh biết tôi không bao giờ quay quắt, mua bán gì ra tiền trong tù. Tôi hiểu anh bất đắc dĩ và anh quý tôi mới bảo vậy.
Tôi về phòng bảo anh Kiên đưa tiền, nhờ bọn bếp ra căng tin mua cây thuốc và cần trà. Chiều bếp đưa lại thuốc và trà. À , mà quên không nói thằng tù bếp đó là khách hàng đến bàn đèn tôi hút.
Đặt cây thuốc và túi trà trên bàn, anh Điều nói chân thành.
- Tao cám ơn mày.
Cả quãng thời gian tù của tôi và cả lúc ra tù, nhiều lần tôi đưa tiền cho cán bộ, nhưng chưa bao giờ tôi nghe câu cám ơn nào cả.
Anh Điều là cán bộ quản giáo mẫu mực, nhưng hình như chỉ lúc đó thôi. Nhiều năm sau này tôi nghe người đi tù ra kể rằng, khi anh làm quản chính, anh cũng ăn tiền. Tôi thâý ái ngại cho anh, vòng xoáy của tiêu cực không ai có thể tránh khỏi, dù bản chất con người của họ lúc đầu là lý tưởng.
Chí Phèo một gã lưu manh khi đi tù về, gặp Bá Kiến nói câu bất hủ.
- Ai cho tao làm người lương thiện ?
Tôi nghĩ, nếu ông Nam Cao còn sống ở thời kỳ này chứ không phải thời kỳ thực dân Pháp, ông sẽ viết Bá Kiến trả lời cũng bất hủ rằng.
- Mày hỏi vậy, tao hỏi ai. Tao cũng muốn làm người lương thiện.
Rồi cả hai ôm nhau khóc, sau đó cùng lên mạng làm *********.
Chứ chẳng đến nỗi Chí Phèo rút dao đâm chết Bá Kiến, xã hội thực dân Pháp thật tàn khốc !
 
Tuổi hai mươi-phần 11.

Do buồng 6-8 ở đầu dãy, nên các buồng khác tù đi đâu về đều đi ngang qua. Tôi gặp cái H ở gần nhà đi thăm gia đình về.

Các bạn có thỉnh thoảng gặp tấm hình một người mặc quần áo bộ đội, ngủ gục đầu bên vỉa hè, trước mặt là cái bơm không ? Tôi tìm lại không thấy để đưa vào đây.

Đấy là chú cái H, cả nhà nó là dân giang hồ chuyên nghiệp. Chú nó chẳng phải bố đội gì, ông ấy tên là Cường. Từ hồi tôi còn bé ông ấy đã làm nghề bơm vá xe đạp quanh Hồ Gươm. Ai mà xe non hơi vào bơm thế nào cũng thành vá, vá một miếng sẽ thành ba miếng. Ông bơm xe nhưng miệng xì hơi rất khéo, kêu bị thủng săm. Trong chậu nước hay trong tay ông có mẩu giấy thép nhọn, thích xiên thủng bao lỗ cũng được tuỳ theo mặt khách.

Lúc trước ở bên lẻ, tôi gặp chồng của H, hai thằng hỏi thăm nhau được vài câu.

H nó đưa tôi ít quà, bảo gửi hộ anh T phòng 6B.

Tôi ngạc nhiên chửi.

-Ơ ** chồng mày bên lẻ , mày không hỏi nó lại gửi quà cho thằng khác à?

Nó cười nhấm nháy.

- Thôi thân ai ấy lo, giúp tôi đi.

Tôi mang quà nó cho anh T phòng 6B, anh ấy nhận vui lắm. Hôm chủ nhật anh ấy gọi tôi lại cửa phòng, bảo tôi mang hộ cái thư cho cái H, anh ấy đưa cái thư kèm 50 nghìn tiền công. Tôi bảo anh đưa thêm gói bánh hay cái gì nữa, chứ đi tay không ngại, anh đưa tôi luôn hộp ruốc và bánh xà phòng.

Tôi cầm hộp ruốc và bánh xà phòng xin anh Điều quản chủ nhật.

- Thầy cho em sang bên nữ, em cho con hàng xóm ít quà.

Anh Điều gật đầu.

Tôi đi thong thả ở lối giữa sang bên nữ, lối ấy chỉ có cán bộ đi chứ chẳng tù nào một mình đi như vậy. Nhưng tôi phục vụ ông Dũng Đội hay đi lại nên các quản quanh đó họ biết mặt nên chẳng sao. Tôi đến phòng quản giáo nữ, chào và lễ phép.

- Cô cho cháu gửi ít quà cho cái H hàng xóm nhà cháu.

Quản nữ cũng gật đầu, tôi đến phòng cái H, đưa nó cái thư và quà.

Tù không được phép đi lại sang buồng khác, nhất là buồng nữ càng cấm. Ngày chủ nhật vắng lặng, tôi đi thong thả giữa khu tù, băng qua khoảng sân rộng ở giữa. Các phòng xung quanh nhìn tôi ngạc nhiên, nghĩ tôi phải tầm có trưởng ban giám thị đỡ mới ' bon' được ngênh ngang như thế.

Mọi khi thư từ sang buồng nữ, đều do bọn bếp chạy mang, chúng vờ kéo cơm rồi vất trộm thư vào phòng. Đằng này cái H được nhận thư rất chi đàng hoàng, được gọi hẳn tên ra cửa nhận thư và nhận quà.

Lần đầu tiên tôi mới thấy phòng nữ, nhiều người đánh phấn son rất xinh, họ thấy cái H nhận quà và đang nói chuyện với tôi, họ hét.

- H ơi, giới thiệu tao đi.

Tôi đi về, ngang qua K 2-4 trong xà lim có người gọi tên. Cái ô cửa xà lim bé nên khó nhìn, tôi lại gần hoá ra thằng Lưỡng Lùn ở Phúc Tân. Hỏi sao nó vào K, nó bảo đánh nhau trên buồng, nó hỏi có bật lửa không. Tôi cho nó cái bật lửa mình đang dùng.

Nhiều tù làm chân chạy ngoài như trực chính, cơm canh, vệ sinh phải đóng rất nhiều tiền. Họ sơ sểnh một tí là bị kỷ luật, nhốt lại vào buồng nếu quản giáo phát hiện, bị đi cùm nếu ban phát hiện. Việc mang gì cho phòng khác bị nhìn thấy cũng thành tội, đừng nói chuyện đi tít tắp từ dãy này sang dãy kia để đưa đồ.

Trong tù giam cứu, mỗi bước chân đi mà không phải là đi cung, đi xử, gặp gia đình, mỗi bước chân ấy đều được tính bằng tiền hay quan hệ được gọi là có '' điều kiện'', nếu tính bằng máu thì gọi là có '' số má''

Kể cả ở trong phòng, đứng dậy đi vài bước loanh quanh trong phòng đều cũng vậy.

Có đến vài nghìn người trong trại giam này đang phải ngồi bó gối, họ thèm khát được duỗi chân ra , được đứng dậy đi vài bước mà không được.

Đi trong ca trực của quản Điều nữa thì đúng là đặc biệt.

Nhưng những ngày làm tù được vào dạng điều kiện bậc nhất của tôi trong trại giam cứu không được lâu, tôi phải đi trại cải tạo để có thời gian lao động, làm căn cứ giảm án.

Phải có được 1 phần 3 mức án và tối thiểu 6 tháng lao động tốt thì mới được xét giảm.

Tôi bị bắt tháng 10 năm 1994 án 45 tháng, đến Tết năm 1995 sẽ được 1 phần 3 mức án. Tôi phải đi trại tầm tháng 5 thì mới đủ tiêu chuẩn lao động. Ở buồng giam cứu dù lao động cũng không được tính.

Ông B nghe tôi nói và xếp tôi đi trại vào tháng 5.

Ngày đi trại, tôi chuẩn bị đồ, xếp vào hàng những tù nhân đi trại. Ông Dũng Đội nhìn thấy gọi ra hỏi.

- Mày đi trại à?

Tôi vâng, ông bảo.

- Mày muốn ở đây không , tao cho mày ở lại.

Tôi bảo đi để có xét giảm, ông nói.

- Tao cho mày vào quân số bếp, nhưng vẫn ở buồng của mày như bây giờ, làm việc như bây giờ.

Tôi nói.

- Cháu xuống trại thoáng hơn a.

Ông Dũng Đội lắc đầu bỏ đi. Tôi hiểu ông ấy nghĩ tôi dại, bởi nếu ở lại mà được như thế, tôi có cuộc sống điều kiện rất tốt trong trại Hoả Lò.

Tôi đi vì muốn mắt mình nhìn thấy xa hơn, rộng hơn. Suốt ngày quanh quẩn trong khu chẵn, nhìn những chiều rảnh, các tay anh chị số má ngoài xã hội ngồi sau song sắt dõi mắt nhìn ra ngoài, tôi thấy gò bó và ngột ngạt kinh khủng. Cuộc sống không phải chỉ có ăn uống đầy đủ, cuộc sống cần được bước chân đi nhiều hơn, được nhìn thấy nhiều hơn, cho dù phía trước là gian nan.

Mỗi lần chuyển đi là một lần làm lại từ đầu, là những trận đòn, là đói, là bị hành hạ. Tôi hình dung những khó khăn mà những người đi trước đã kể khi đến trại cải tạo.

Tôi thầm nhủ, tôi sẽ chịu đựng được.

Tôi không phải đi trại xa, xe tù chở vài chục người từ Cầu Diễn đến Thường Tín, tôi được vào trại Văn Hoà, tức trại giam số 2 của ******* Hà Nội bây giờ.

Chúng tôi phải học nội quy 15 ngày của trại, sau đó được phân đi các đội.

15 ngày ấy là những ngày khiếp đảm nhất trong cuộc đời cải tạo của tù nhân.

Hai ngày đầu, cán bộ giáo dục mỗi ngày chỉ nói một giờ về nội quy của trại , tiêu chuẩn cải tạo.

Chúng tôi nằm trên sàn gỗ, thấy ngứa tôi gãi, đêm lại càng ngứa. Sáng tôi giở khe ván sàn, nhìn thấy những con rệp đang nằm, lần đầu tiên tôi thấy con rệp.

Sáng ngày thứ ba, tù thi đua vào nói.

- Bọn mới nghe đây, mỗi thằng gặp gia đình mang vào cây 3 số và 150 nhìn nghe chưa.

Mỗi trại có một tốp tù gọi là thi đua, trật tự. Đó là những tay anh chị có thế lực trong trại. Thời xa xưa những tay thi đua toàn là những anh chị đầu gấu nhất , thời của tôi là giao thời pha trộn giữa máu và tiền, quan hệ để tạo nên vị trí trong tù.

Hôm ấy trong đám tù mới chúng tôi có 5 người đi gặp gia đình.

Chiều đến trước giờ cán bộ trực trại điểm buồng, tù thi đua 4 người vào khu chúng tôi, mở cửa lùa chúng tôi ra sân ngồi, họ quát.

- Những thằng hôm nay gặp gia đình đâu, lên đây.

5 người gặp gia đình đi lên trước mặt chúng tôi, thi đua bắt họ ngồi xuống.

Một người họ chỉ mặt bảo cho đứng xem. Còn lại 4 người bị 4 thi đua bắt ngồi, họ kẹp đầu người ta vào đầu gối, rồi cầm ổ khoá sắt to bằng nắm tay giã vào lưng.

Họ giã từng nhát mạnh chắc nịch, không vội vã, không ồn ào.

Thịch, thịch.

Những âm thanh ghê rợn của ổ khoá sắt nện xuống lưng người mới vào. Như một nghi lễ trang nghiêm của giáo phái nào đó. Một đám đông chứng kiến sự tra tấn tàn bạo, ghê rợn. Dường như ai cũng nín thở.

Khi họ ngừng nện, buông chân kẹp đầu người mới, hai người mới đổ vật nằm lịm đi, một người máu tứa ra miệng. Hai người khoẻ hơn được lệnh lết về chỗ.

Bọn thi đua sai mâý người mới khiêng hai người lịm kia vào buồng.

Lát sau cán bộ trực trại đến điểm số tù, thi đua báo cáo có hai người ốm nằm bên trong. Cán bộ nhếch mép không nói gì, còn hai người bị đánh lết về chỗ kia lúc vào buồng có người dìu, cán bộ trực trại nhìn nói to.

- Chấp hành cho tốt nghe chưa?

Một người bị đánh mà còn đi được nằm cạnh tôi, cậu ấy đêm đau không nằm được, tôi xoa dầu gió cho cậu, những cục khoá nện vào lưng cậu nổi lên như quả bàng tím bầm. Cậu nói.

- Em đã đưa tiền và cây thuốc cho thi đua ngoài phòng khách, không hiểu sao họ vẫn đánh em.

15 ngày chúng tôi không được tắm, trời tháng 5 nóng bức. Rận, rệp và muỗi đốt. Ăn chỉ có cơm và muối, người tôi có những nốt ghẻ. Có người chia sẻ cho tôi lọ thuốc Zép, loaị thuốc bôi vào vết ghẻ.

Bọn đàn em, gọi là ong ve, chim chích của thi đua vào lục soát đồ. Chúng thấy ai có quần áo tốt là thu với những câu chửi.

-** chúng mày chưa đến tuổi mặc đồ này nghe chưa, chúng mày là những con chó thôi.

Kể cả người lớn tuổi chúng cũng chửi tất, dường như những tù mới là kẻ thù của chúng , là chỗ để chúng trút uất hận riêng tư.

Khi ra đội sản xuất, tôi chẳng còn gì , chỉ có túi vải và một bộ quần áo với một cái quần đùi cũ.

Tôi ra đội 16, sát sông Hồng, hình như là tên xã Hồng Vân thì phải, ông Lập làm quản giáo. Đội 16 làm gạch.

Có một căn nhà cấp 4, mái xi măng cho chúng tôi ở, nằm sát nhau, chật đến mức chỉ nằm nghiêng. Nóng không thở được. Còn kinh khủng hơn ở quận.

Cơm có rau và thịt, mỗi thằng được hai miếng thịt ba chỉ to bằng bao diêm, dày khoảng 2 mlm. Tôi hỏi thằng bênh cạnh đã ở lâu bữa nào cũng có thịt à. Nó bảo ăn đi rồi mai lấy sức nôn ra không được.

Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi dậy và được lùa xuống sông vệ sinh đánh răng rửa mặt. Chỗ ấy nước sông rất sâu, kiểu như vực, có lối đi xuống được khoét thành con dốc. Tôi bơi ra mấy mét để vẫy vùng sau nửa tháng không được tắm. Tên đội trưởng chửi.

- ** thằng kia, bơi ngay vào.

Hai ******* canh gác đeo súng AK đứng trên bờ, khi tôi lên, họ bảo.

- Thằng này dân phố cổ mà nhìn có vẻ bơi giỏi nhỉ, định trốn không?

Tôi thoáng nghĩ, sao họ biết rõ tôi nhỉ. Tôi hiểu ra và thở dài.

Ông Lập mua tôi từ trại về. Những dạng tù đầu, nhà phố cổ thường được các quản giáo mua về từ cán bộ nhân sự, kiểu như ông Tính Xồm ở Hoả Lò, ở trại Văn Hoà là ông Hưng làm phụ trách phân tù đi các đội. Lúc ở Hoả Lò tôi đã từng nghe quản giáo nói chuyện với nhau về việc mua mấy thằng ngon ngon.

Những tù bị mua thế sẽ bị vào vòng gọi là ' quay'. Tức sẽ bị hành hạ để gia đình phải bỏ tiền.

Tên đội trưởng nhìn tôi cười nham hiểm, tôi hình dung hắn đang tính toán sẽ hành hạ tôi như nào.
 
Nhà tù là nơi bí hiểm và bí mật nên các câu chuyện được sinh ra từ đây cũng luôn làm người đọc muốn đọc tiếp
 
Công việc của chúng tôi là vác gạch ướt từ cái máy đùn gạch mang đến chỗ sân phơi gạch cách cái máy khoảng 100 mét. Mỗi ngày một người phải vác 1200 viên, sáng 600 viên, chiều 600 viên. Mỗi lần vác là 5 viên gạch ướt. Tính ra một ngày một tù nhân đi quãng đường là 1200 viên chia cho 5 nhân với 100 mét đi có mang gạch, 100 mét quay lại không mang gạch. Mỗi viên gạch ướt xấp xỉ 2 klg, 5 viên là 10 kg.

Chúng tôi vác dưới cái nắng cháy da, cháy thịt. Môi khô nứt nẻ vì khát, mồ hôi chẳng còn vì cơ thể ú ra giọt nào nắng đã đốt khô. Đói , khát, kiệt sức, chúng tôi đi như những cái máy. Mới đầu còn thấy đói, khát và nhức nhối các khớp xương theo bước chân và đôi vai. Sau mọi thứ tê dại, chúng tôi không nghe, không thấy, không cảm thấy gì hết. Cứ thế cơ thể đi như những cái máy,trong đầu cũng không có cả đến ý nghĩ nào nữa.

Vài tên tù được quản giáo cắt đặt đốc thúc chúng tôi làm. Những tên tù cầm roi, nếu ai đi chậm hoặc làm rơi gạch , lập tức những chiếc roi quật bỏng rát trên lưng. Trước sự chứng kiến của quản tù phụ cầm súng AK47 ngồi trong bóng râm với chai bia hay nước ngọt.

Quản giáo chính ít xuất hiện chỗ tù làm, ông ta đi giao dịch với các nơi xây dựng hay cơ sở mua bán vật liệu xây dựng lo chuyện bán gạch. Ông ta còn phải lo mua than, ký hợp đồng khai thác đất với chính quyền địa phương. Như một chủ doanh nghiệp, hàng ngày ông ta đến chút buổi sáng xem công việc và chiều tối đến điểm danh nghe báo cáo tình hình lao động và tư tưởng của tù. Ông đi cái xe Honda Drem II, loại xe đắt tiền thời đó. Mặt mũi trơn tru và đỏ au, bóng nhẫy vì nhậu nhẹt giao dịch khách hàng. Giúp ông ta có hai cảnh sát nghĩa vụ cầm súng AK47 đầy ắp đạn để trông tù và những tên tù trách nhiệm duy trì công việc trôi chảy bằng những chiếc roi, gậy, và dây thừng trói.

Ông ta tên là Sáu, vợ ông ta khá đẹp, bà ta đôi khi cũng đến chỗ tù thay ông ta nhận than từ xà lan dưới sông hoặc giao gạch cho khách hàng. Hôm nào bốc gạch giao hàng bà ta mua cho chúng tôi thịt ba chỉ ăn thêm.

Có hai người tù không chịu đựng được, một người quá gầy gò, một người dạng công tử bột. Họ bị trói giật tay về đằng sau. Quản phụ dùng báng AK thúc vào ngực họ, trách nhiệm dùng roi vụt lưng họ trên đường dẫn từ chỗ làm gạch về khu buồng giam. Họ bí trói treo ngược lên cái xà ngang mà cán bộ dùng để tập thể dục chờ quản giáo về giải quyết.

Quản giáo về lập biên bản họ vì tội chống đối lao động, đưa về trại tống vào xà lim cùm chân 15 ngày. Sau đó sẽ chuyển lại về đội. Người tù bị lập biên bản đi cùm sẽ mất đi việc được xét duyệt giảm án vài tháng một năm. Chuyện chống đối lao động vì thế phải bất đắc dĩ lắm tù mới dám làm.

Đôi chân tôi đau nhức, vì đi nhiều quá, chất nhờn ở các khớp xương tiết ra không đủ. Chỗ các khớp xương sưng tấy. Mỗi bước đi cơn đau nhói đến tận đỉnh óc. Tôi thấy căm hận tên quản giáo, tôi nghĩ lũ tù thật hèn. Ngoài xã hội vì câu nói, va chạm nhỏ chúng sẵn sàng rình nhau cả tháng để trả thù nhau bằng dao, gậy,gạch. Vào nhà tù bị quản giáo hành hạ như nô lệ, súc vật thì chúng lại coi chuyện đó là đương nhiên. Và khi được chút trọng dụng của quản giáo, chúng lại đầy oai phong để hành hạ , đánh đập những tù nhân khác. Suy nghĩ làm sự căm hờn của tôi dâng cao dần. Mà việc gì tôi phải sợ, nếu chúng không đánh chết được tôi lúc này. Tôi sẽ báo thù kể cả tên quản giáo lẫn những tên nào nếu đánh tôi, thậm chí ngay tại đây cứ vớ được cái gì đập vào đầu tên tù hay tên quản giáo rồi đến đâu thì đến nếu không nhịn được đến ngày sau.

Đêm đến các khớp xương càng đau hơn. Tên tù nằm cạnh thì mồm xoen xoét một điều hãy nghe các anh, nghe thầy, nào là mày được thầy nói câu ” nhìn nhận” là quý hơn vàng. Trước sau thử thách thời gian là mày sẽ làm được trách nhiệm. Tên tù đã đi mấy lần, hắn kể lần tù trước vợ hắn kiếm được nhiều tiền nên hắn được làm đội trưởng, cũng khét tiếng ở đội 16 trại này. Giờ vợ hắn kém tiền nên hắn phải chấp nhận lao động thế này thôi.

Tôi mê man trong cơn đau, đói, mệt. Tôi trào nước mắt nhớ mẹ. Tôi không ngờ rằng cha mẹ tôi sinh tôi ra, để rồi tôi đi những bước đời sai lầm đến nỗi tấm thân cha mẹ sinh thành, nuôi nấng giờ thành con vật trong tay người ta. Đáng ra giờ này tôi sắp ra trường đại học, sắp có chỗ làm để mẹ tôi mát mặt thì tôi đem thân mình vào chốn lưu đầy ê chề này. Nếu mẹ tôi biết tôi đang khổ thế này ruột gan mẹ tôi sẽ đứt từng khúc. Dòng suy nghĩ trong cơn đau nhức nhối và cơn đói quặn ở dạ dày khiến trong tôi chỉ còn sự căm thù, tôi thấy tối tăm không còn gì để hy vọng và tha thiết ở cõi đời này nữa.

Sáng ấy, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh tên quản giáo và những tên tù trách nhiệm.

Trời gần trưa, ở quãng đi về chỗ lấy gạch, tôi gặp vũng nước nông choèn đầy nòng nọc và rêu. Cơn khát trỗi dậy, tôi quỳ xuống đập nhẹ tay trên mặt nước để lũ nòng nọc chạy ra xa, cố gắng vục tay thật nhẹ để bùn không khuấy theo. Tôi bụm tay uống được vài ngụm nước nóng rẫy vì nắng và tanh lòm mùi bùn và sinh vật. Tên tù trách nhiệm gọi tôi lại hỏi.

- Ai cho mày uống nước giữa chừng?

Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn mỉm cười nói.

- Vì tao sẽ về trại chịu cùm, tao không làm nữa.

Hắn sững sờ nhìn tôi, chiếc roi đung đưa theo suy nghĩ của hắn. Tôi đã nói đến cái giá cuối cùng tôi chấp nhận, có nghĩa kể cả việc hắn đánh tôi thì khả năng tôi đánh lại là có. Vì đằng nào cũng đi cùm, thì tội đánh nhau hay tội chống đối lao động cũng thế. Mà tội đánh nhau tất hắn có liên quan, còn tội tôi chống đối lao động thì hắn chả liên quan gì.

Hắn gọi quản phụ.

- Thầy ơi ! Thằng này bào không làm này.

Quản phụ xách AK47 lại gần , hất hàm hỏi sao mày không làm.

Tôi nhìn anh ta, nói rõ.

- Tôi muốn về trại chịu kỷ luật, tôi đủ sức bị cùm chứ không còn sức làm. Việc không lao động đã có quy chế của trại. Ông đánh tôi là cá nhân ông có thù với tôi, chứ luật trại có quy định để ông xử lý trong trường hợp chống đối lao động thế nào.

Quản phụ nhìn tôi lát rồi nói.

- Tao không có thù cá nhân với mày, mày không lao động, phải trói mày lại không mày trốn. Đợi quản giáo về xử lý, việc tao làm có vậy.

Tôi quay giơ hai tay ra đằng sau người nói.

- Vâng, ông trói đi.

Quản phụ cầm dây thừng tên trách nhiệm đưa, trói tay tôi lại, thừa ra một đoạn hắn cầm dẫn tôi về khu buồng giam. Quản giáo hôm nay có mặt ở đó, ông ta ngạc nhiên thấy tôi là người bị cùm, ông ta hỏi.

- Sao đánh nhau hay chuyện gì?

Quản phụ báo cáo.

- Thưa anh, chống đối lao động ạ.

Quản giáo Sáu nhìn tôi ngỡ ngàng chắc ông ta không nghĩ tôi là loại chống đối như vậy, ông ta bảo quản phụ tháo dây cho tôi, gọi tôi vào buồng, cho uống nước trà và hút thuốc. Ông ta hỏi tôi sao không làm, tôi giơ bàn chân ở chỗ quanh xương mắt cá sưng tấy nói không thể đi được nữa. Giờ xin về trại chịu cùm vì tội không lao động. Ông ta cười, bảo đau quá thì xin thầy cho nghỉ, sao lại chống đối ngoài hiện trường lao động làm gì. Thôi vào buồng mà nghỉ mấy hôm.

Tôi vào buồng, nghỉ hai hôm, đội tù lao xao vì việc tôi chống đối mà không bị sao lại được nghỉ. Hôm thứ ba hết đau, tôi đi làm, trong lòng cũng không còn những cơn giận dữ nữa.

Mươi hôm sau một người công an đi xe máy vào khu chúng tôi. Bọn tù bảo nhau.

- Cán bộ ở trại ra.

Tôi tự nhiên linh cảm rằng điều đó liên quan đến tôi. Y rằng quản giáo gọi tôi về. Ông ta bảo.

- Sao không ở đây với thầy, về trại làm gì cho bí bách, gò bó. Rồi thầy thu xếp cho chỗ đứng cải tạo. Mày án dài tao cũng muốn ở đây với tao lâu, giúp tao.

Tôi lắc đầu, giờ tôi về trại thoát khỏi nơi này đã, sao mà về thì tính sau. Họ bàn giao giấy tờ, người cán bộ trại buộc tay tôi hờ hững và bảo tôi ngồi sau xe máy ông ta. Chúng tôi đi một đoạn xa trại thì anh thứ ba của tôi và bạn anh đứng ở góc đường đợi. Thì ra anh tôi biết đội gạch khổ thế nào, anh tôi lẳng lặng nhờ người quen là anh bạn đi cùng lo cho tôi về trại nơi có đội vệ sinh hay rau nhàn hơn rất nhiều lần.

Anh bạn anh trai tôi bảo người cán bộ khi vào quán ăn ở thị trấn

- Thầy cởi trói cho nó chứ.

Cán bộ nói.

- Trói gì đâu, tự nó cởi được mà.

Tôi bỏ sợi dây nilon vòng quanh tay ra.

Tôi ăn bát phở nóng sau nhiều ngày không thấy, ở giữa quán ăn đông đúc, như một người dân bình thường. Anh tôi mua cho tôi một số thứ đồ dùng, tôi theo người cán bộ về trại.
 
Bọn tù đại ca ở trại gọi là bọn ”thi đua” , tôi trở về trại không thấy chúng khám đồ, tên trùm ” thi đua ” hỏi tôi ở đội gạch về phải không, hắn bảo ngồi đây đợi hắn đi lấy chìa khóa buồng. Lát sau hắn quay lại cùng với cán bộ trực trại tên H. Cán bộ trực trại tên H nối tiếng về sự ngang tàng , coi thường cả Ban Giám Thị, tù nào thấy cán bộ H cũng sợ. Cán bộ H bảo.

- Mày em thằng T chợ Giời à.?

Tôi gật đầu

- Vâng ạ.

Anh T chợ Giời Trần Cao Vân là bạn của anh thứ ba tôi, có đi cùng anh tôi đón tôi về ở đội gạch. Anh buôn bán ở chợ nên quan hệ nhiều, anh cũng khá giả và rất quý anh trai tôi. Có lẽ anh tôi đã nhờ anh lo lót cho.

Quản giáo bảo trùm thi đua.

- Xem có đồ gì lấy cho nó, nhìn như thằng ăn mày.

Thi đua dẫn tôi về buồng đội rau xanh cuả trại. Vài tên đàn em thi đua mang quần áo, chăn màn cho tôi và hỏi cần gì không. Tôi không cần gì cả, giờ chỉ cần ngủ. Đội rau xanh đi làm bên ngoài trại chưa về, tôi nhìn thấy đồ đạc của đội khá nhiều, quần áo cũng tốt, có cả xoong nồi, ti vi. Nơi đây cuộc sống khác nhiều với đội gạch trước.

Cuộc sống đội mới dễ chịu hơn. Hàng ngày chúng tôi đi ra ngoài trại trồng rau, cuốc đất. Tôi được giao một khoảnh ruộng trồng rau muống cạn. Hàng ngày gánh nước tưới rau, nhổ cỏ, vun xới tự giác làm. Không bị ai đốc thúc, miễn rau tốt thì thôi. Đội trưởng đội mới là em vợ của trùm giang hồ Khánh Trắng, nên hắn cũng không thèm đánh đập quay quắt tù nhân khác. Tầm hắn chỉ đụng độ với các anh chị có tên tuổi, tiền nhà hắn cũng nhiều, nhà hắn lên thăm tuần mấy lần. Bọn tù trong đội chỉ cần tự giác, việc thằng nào thằng đấy làm cho tốt là yên ổn.

Sau tôi mới biết đây là đội điển hình của trại, đội mà tù gọi là ”con ông cháu cha. Con bà hàng phở” Trong đội rau toàn con của cán bộ công an, quân đội, con của các nhà lắm tiền, con cả của giáo sư, tiến sĩ… thân phận tôi là thấp kém nhất, ngang bằng con em của mấy thằng nhà không giàu nhưng có họ hàng với các cán bộ khác trong trại giam. Đội rau toàn tù gia đình khá giả, nên chuyện vật chất của các tù nhân nhiều người như bên ngoài, thậm chí còn xa hoa hơn.

Nhà tôi mỗi tháng cho 200 nghìn, gửi ở nhà dân. Hàng ngày họ nấu thức ăn cho bọn tù đội tôi, có mấy gia đình dân sống nhờ đội chúng tôi để cung cấp mọi thứ. Có những tù nhân ở đội tôi một ngày tiêu đến cả một hai trăm nghìn. Ở mức nhà tôi gửi chỉ đủ cho tôi tằn tiện mua thức ăn có chút thịt, cá và xà phòng, kem đánh răng, thuốc lá và trà loại rẻ tiền. Thế là ước mơ so với hoàn cảnh nhà mình, tôi biết nhà tôi cũng cố gắng lắm.

Với những gì trải qua ở đội gạch, thì việc trồng rau có nặng những còn hơn chán. Tôi lại thích thú với việc trồng rau. Các tù nhân khác họ còn lười hơn, họ lo tiền để đi nuôi cá, cắt cỏ, chăn trâu, làm trách nhiệm. Còn đám còn lại chỉ mươi thằng làm việc nặng là gánh nước tưới rau. Nhẹ hơn thì làm đám cuốc hay đám xới sáo. Tôi ở đám làm nặng nhất trong đội, nhưng thế cũng hơn chán. Tôi vui vẻ làm, chả cần lo lót hay nịnh bợ quản giáo hay trách nhiệm vì tôi bằng lòng an phận với công việc nặng nhất trong đội rồi.

Đội rau có con của một vị tướng công an, con một vị đạ tá quân đội và vài thằng con của giáo sư như đã nói. Bởi thế cuộc sống thanh bình gần một năm nhờ hơi của đám ấy. Tất nhiên con của những vị đó khi có đợt đặc xá thường được tha ngay. Một năm có 3 đợt như vậy, gần một năm thì chẳng còn ai. Tính chất đội rau bắt đầu mang mùi vị của anh chị, tiền bạc, hối lộ như các đội khác. Chỉ có công việc thì có nặng cũng chả nặng được hơn vì trồng rau không thể bới ra vác gạch được.

Đội có vài người mới vào, trong đám đó có một tên tù khoảng 45 tuổi. Anh ta gầy gò, thái độ nhút nhát, mắt la mày lém như sợ hãi tất cả. Đội rau của tôi buổi sáng đều ăn sáng, đứa nào nhà giàu ăn cháo lòng, phở ở nhà dân. Nhà nghèo thì ăn mỳ tôm không. Tôi thấy anh bạn tù mới không có gì ăn, tôi bảo mời anh bát mỳ nhé. Anh nói thèm ăn trứng luộc, nếu tôi mua hộ hai quả thì anh khi nào gia đình anh lên thăm sẽ trả. Tôi mua hai quả trứng luộc, anh ngồi ở luống rau tay nhổ cỏ, tay cầm trứng ăn mắt dáo dác nhìn quanh như đang ăn vụng.

Đến bữa ăn, anh ta lại nhờ tôi mua hộ thức ăn. Tôi mua cho anh ta suất anh như của tôi, anh ta ăn ngon lành, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi cười rúc rích. Chả hiểu anh ta thuộc loại gì, tôi cũng không hỏi.

Ba ngày sau nhà anh ta thăm, đội rau chúng tôi gia đình đến gặp luôn ngoài đội, không cần vào trại. không hẳn gia đình anh mà là đồng bọn của anh đến thăm. Đi hai xe ô tô xịn đời mới nhất, lúc đó đến xe máy Hon Đa đã oai rồi, huống chi là ô tô Camry đen bóng.

Các bạn anh gọi anh lên phòng quản giáo gặp, họ bê từng thùng bia và đồ nhậu vào đó suốt từ sáng đến chiều. Lúc hết giờ anh ta đi ra cùng với quản giáo chào các bạn đến thăm về. Anh ta ngang tàng ngoắc tay gọi tôi đến.

- Bê giúp anh mấy đồ này về buồng.

Đống đồ của anh ta thật giá trị, cả đời tù tôi chưa nhìn thấy những thứ xa xỉ như thế. Ngay cả ngoài đời tôi cũng chưa bao giờ dùng những đồ đắt tiền như vậy xà phòng Camay, dầu gội, thuốc lá 555, thịt gà luộc, thịt hộp, cá hộp, pate hộp….bia Heneken, rượu Johnny Walker.

Cả đội tôi xầm xì, có người nhận ra anh ta là một tay anh chị có tên tuổi ngoài giang hồ đã lâu không thấy tăm hơi. Thì ra vậy, tôi hỏi sao lúc đầu anh vào khác thế, anh cười nói.

- Đm tao tù 4 lần, lần thứ 5 này tao vào đéo thấy thằng nào biết tao là ai, tao vờ thế xem sao, đóng giả tù lần đầu chơi ý mà. Thế nào có đúng ông em lại mua hộ anh trứng, lúc tay bốc cỏ, tay cầm trứng nhai đéo nhịn được cười, tí nữa nghẹn. Mày đúng là thằng khờ.

Anh ta cho tôi nhiều đồ trong đống ấy, lần đầu tiên tôi biết mùi thịt hộp. Ở nhà tôi có ăn bao giờ đâu, tôi loay hoay còn không mở nổi làm gẫy cái khóa nắp, phải lấy dao chọc vào mở ra.

Hôm sau anh ta được chỉ định làm đội trưởng. Anh bảo tôi ăn cùng, tôi bảo em sống kiểu em quen rồi. Nếu anh quý em thì cứ để cho em sống vậy. Chứ anh thế nào cũng được đặc xá về, em lại bơ vơi.

Anh ta nói.

- Tù có câu, mưa lúc nào, mát mặt lúc ấy.Mày không nghe à.

Tôi không nghe, nhất định ở góc riêng. Anh ở trên cùng hội trách nhiệm. Tôi làm việc trồng rau của mình chăm chút, anh làm đội trưởng tôi cũng không nhờ, không cậy gì. Không phải tôi làm cao, mà đơn giản tôi không có nhu cầu xin làm nhẹ hơn, mọi thứ gia đình tôi cho tuy không nhiều nhưng đủ cho tôi có sức khỏe lao động. Ở cùng anh ta sướng về miếng ăn, công việc nhưng chả bền bằng mình cứ chấp nhận làm và sống như mình đang ở.

Vài tháng sau, anh xích mích với đội trưởng đội khác. Tên kia ưỡn ngực thách anh dùng dao đâm. Anh đâm nhát xuyên vai. Trại chuyển anh về trại tạm giam để khởi tố thêm tội ” cố ý gây thương tích”. Thật đáng tiếc, chỉ cần thêm hai tháng nữa là anh được đặc xá. Bọn tù nham hiểm, chúng thường biết đối thủ sắp được đặc xá để khiêu khich lấy số má. Nhiều tay anh chị đã phải nín nhịn trước vài tên mới nổi. Nhưng anh ta thì không chấp nhận.

Tôi vui buồn với ruộng rau của tôi. Ruộng rau tôi được phân trông ở liền mấy nhà dân, lúc rảnh tôi vào nhà họ chơi, xem ti vi và nói chuyện. Tôi làm chăm lắm, luống rau của tôi lúc nào cũng tươi tốt. Vụ thu hoạch su hào đầu mùa, quản giáo bán được giá. Ông gọi tôi đến khen và hỏi tâm tư của tôi. Tôi nói.

- Nhà cháu không có điều kiện có quà cho thầy, nên cháu làm bù. Cháu nghĩ trồng rau tốt thầy bán được giá cũng là tiền.

Ông quản giáo nói.

- Đm mày nói đúng, mày cứ làm tốt thế này, nhà không cho tiền tao cho. Đéo gì mấy cái thằng tù kia cứ thích sống bằng tiền, tao cho sống bằng tiền. Chứ tao có đòi ai bao giờ đâu. Tự chúng nó đéo muồn làm, muốn chơi thì đưa tiền tao đấy chứ.

Tôi bảo ông.

- Cháu muốn mua ít sách nông nghiệp trồng rau, trồng lúa đọc để làm tốt.

Ông quản giáo cười phá lên.

- Lần đầu tao thấy thằng tù như mày, tao để ý mày từ hồi thằng V nó làm đội trưởng. Nó nói tao nó rất quý và nể mày. Tao thấy nó quý mày thế mà mày không nhờ vả gì, tao đánh giá mày khác. Mai tao bảo cô mua sách cho. Giờ có chuyện này – ông hạ giọng- mày theo dõi trong đội có chuyện gì thì báo tao, nếu mà cần gặp báo mày chỉ cần để thùng nước giữa lối đi làm ám hiệu.

Tôi ngẩn người, giờ tôi nghĩ trước khi gọi tôi lên ông gọi thằng T người TH, khi nó bước ra khỏi phòng ông nét mặt nó rất khác, vừa đắc ý vừa gian. Tôi nghĩ cách nói cho ông ta hiểu, một lát tôi nói.

- Thầy thương cháu, cháu rất biết ơn, có thế lúc này cháu ở đây không có gì cho thầy, nhưng cháu hứa sau này cháu sẽ đền đáp. Cháu nếu có đi tù thì sẽ nhất quyết không đi vì tội lưu manh nữa đâu. Thầy cho cháu được sống như cháu đang sống, cháu sống cố gắng né tránh những gì của nhà tù, cháu không làm được những việc mà người khác làm, cháu không muốn giống họ.

Ông quản giáo thấy tôi từ chối, vẻ không hài lòng hiện rõ trên mặt, ông hầm mặt nói.

- Thôi tùy mày, tao tạo mày cơ hội để có điểm cải tạo. Mày muốn làm kiểu mày cũng tốt, thôi mày cứ làm tốt như đang làm cũng được.

Tôi ra khỏi phòng ông, cảm thấy cuộc sống tới sẽ giông tố. Có khi tôi sẽ bị chuyển đội khác. Ở đội tôi 6 tháng lại có người bị chuyển ra đôi gạch vì quản giáo không ưa. Một là nhà không lo lót, hai là có vấn đề gì quản giáo ghét. Tôi ngồi nhặt cỏ trên mảnh ruộng mà cả hơn năm trời qua tôi đã gắn bó. Tôi băn khoăn không biết anh tôi có tiền để lo cho tôi ở lại đây không bị chuyển đi đội khác không. Tôi nhờ người gọi điện về, anh tôi quát là nhà không có tiền gì hết.

Mấy hôm sau tôi được báo gặp gia đình. Tôi ra chỗ gặp chỉ thấy người hàng xóm, anh ta đưa tôi 200 nghìn sinh hoạt hàng tháng và cho biết gia đình tôi khánh kiệt, đổ vỡ rất bi đát. Giờ chỉ lo tiền ăn cho tôi một tháng là quá sức với hoàn cảnh nhà.

Tháng nữa là đến giai đoạn thanh lọc chuyển đội khác. Tôi gánh nước đi giữa hàng rau mới đang nhu nhú lên xanh. Tôi nghe như thấy chúng rủ rỉ an ủi tôi. Tôi cúi xuống vuốt ve và thầm thì nói với chúng, tao sẽ phải đi ra đội gạch, nhưng tao không sợ vác gạch nữa. Thời gian chăm chúng mày vừa qua đã làm tao khỏe rất nhiều. Lúc trước tao chưa làm nặng tao mới không chịu được. Giờ thì nhờ có chúng mày tao đã khỏe nhiều rồi, nhìn bắp chân và tay tao đây này.

Tôi vẫn làm việc bình thường, có lúc đang nhổ cỏ tôi thấy ông quản giáo đi qua đứng lại nhìn tôi làm vài giây rồi ông đi.

Danh sách chuyển đội được đọc, không có tên tôi. Tôi nghĩ có lẽ vì danh sách đã được lên từ lâu , tên tôi sẽ ở đợt sau. Người cũ đi người mới lại về, tù nhân nào về đội rau cũng phải chạy tiền , dài ngắn tùy theo mức án, tùy theo quan hệ. Một thời gian sự thanh lọc lại diễn ra, những tù nhân nào ”hết mầu ” lại bị chuyển đi đội khác.
 
Đội rau có hai quản phụ trông hai đầu, các quản phụ bồng súng thờ ơ. Với đội rau thường thả rông cũng chẳng tù nào dại gì trốn, mất bao tiền mới được về đây, nên quản phụ cũng nhàn. Quản giáo chính suốt ngày chỉ đánh bài trong phòng với các quản giáo bạn. Có một tù nhân được canh cử canh gác cho quản giáo đánh bài, nếu có cấp trên đến phải thông báo ngay để quản giáo chạy kịp.

Hai quản phụ đều hiền, lạ cái các quản phụ thay nhau về đội này ai cũng hiền cả. Bọn tù bảo đó là do đội có nhiều con ông cháu cha nên quản phụ hiền. Bọn tù muốn vào nhà dân mua gì, chỉ qua xin quản phụ một câu là được đi. Cả hai quản phụ đều quý tôi. Có tù nhân gặp gia đình biếu họ bao thuốc, dù không hút họ vẫn nhận và cho lại tôi. Cả đội tù 60 người nhưng họ chỉ cho tôi, thỉnh thoảng họ dừng lại ruộng rau của tôi và hỏi thăm tôi về gia đình,đời sống trong trại. Chẳng bao giờ tôi dám bắt chuyện với họ, vì thân phận tôi thuộc hàng thấp kém nhất đội.

Quản phụ Dũng đến ruộng rau nói.

- Tưới đạm chưa?

Tôi gật đầu, tôi nói sắp chia tay thầy rồi, em bị chuyển đội. Quản phụ Dũng hỏi sao chuyển, tôi nói nhà tôi không gặp thầy H (quản chính) bao giờ từ khi tôi về đội đến nay đã hơn một năm. Nên phải đi thôi.

Quản phụ Dũng bảo.

- Mày không đi đâu, có phải ai cũng nộp tiền là được ở lại, không có tiền là phải đi đâu. Yên tâm mà cải tạo đừng nghĩ chuyện ấy.

Tôi nghĩ quản phụ Dũng nói thế để tôi yên lòng. Có thêm gần chục tù nhân mới vào đội, phân nửa họ nhìn đều khá giả và sang trọng. Một người trong số họ có tên giống tôi. Vì có tù mới nên quản giáo đứng ra phân công việc, tù mới đến thường có gia đình sắp đặt vị trí trước, quản giáo phải phân công để chỉ định các vị trí như đã sắp xếp. Ông hướng về phía tôi nói.

- Từ giờ anh Hiếu lên làm trách nhiệm, đội phó của đội.

Tôi quay người lại, nhìn người mới trùng tên đứng sau tôi. Anh ta mặc quần bò, đi giầy thể thao, áo khoác đẹp. Tôi chân đất, mặc bộ quần áo tù có thêm cái áo thun mỏng dài tay bên trong.

Chân đất. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Google
Chân đất. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Google

Bỗng ông quản giáo nhìn tôi chửi.

- Đm tao bảo Hiếu mày đấy, mày còn nhìn đi đâu. Để cái ruộng rau cho thằng khác làm.

Cả đội sững lại vì bất ngờ, tôi cũng ngơ ngác. Mọi người lấy cuốc, lấy thùng gánh, liềm…xuống đồng làm. Tôi cứ đứng lơ ngơ. Thằng Lợi đội trưởng bảo.

- Mày dẫn đội cuốc đi phân việc đi.

Tôi thấy đội cuốc đứng chờ, trên tay họ mỗi người một cái cuốc nhìn tôi. Tôi vào kho cầm một cái cuốc bảo họ đi theo để cuốc luống trồng rau. Phân cho mỗi người một luống rồi tôi cũng tự cuốc một luống chính giữa vừa làm mẫu, vừa kiểm tra chất lượng đất có tơi không, sạch cỏ và đá trong luống không.

Tôi đã trải qua đã gần hai năm trong tù, từng chứng kiến tù nhân ở trại cải tạo chỉ cần có chút vị trí như trưởng nhóm đã hách dịch và khệnh khạng thế nào. Phân biệt giữa tù nhân chỉ một cấp bậc nhỏ cũng đã rất rạch ròi. Nhưng tôi chán ghét cái kiểu anh chị như vậy, chẳng làm cái gì cho cuộc đời. Cùng cảnh tù với nhau chẳng qua gia đình có tiền của lo lót mà thành đại ca. Thời bây giờ là thời của tù tiền, chẳng phải là anh hùng xương máu gì nữa. Cái thói hống hách, bắt chẹt tù nhân khác để thể hiện mình là giá trị chỉ là suy nghĩ của bọn côn đồ.

Tôi là một tên tù ”trách nhiệm” không có gì khác với tù khác, thậm chí quần áo tôi còn sờn hơn, thức ăn của tôi còn kém hơn họ. Tuy không phải làm nhưng tôi vẫn làm cùng mọi người, trong số đám tù cuốc có ai yếu sức không làm đủ mức khoán tôi làm cùng họ. Một số tù nhân gặp gia đình bắt đầu dấm dúi đưa tôi tiền. Nhưng tôi không nhận, họ thấy vậy chuyển sang đưa bao thuốc, gói trà nói là chia vui với gia đình họ đến thăm, bất đắc dĩ tôi mới nhận.

Đội trưởng đội rau vốn là con của một đại tá quân đội còn đương chức, hắn xăm một con đại bàng to ở ngực. Nhiều lần hắn phạm tội, bố hắn không lo được cho hắn, cũng muốn cho hắn đi tù để tỉnh ngộ. Nhưng đi tù mà vẫn chu cấp cho hắn tháng đến một triệu dồng bằng hai lần lương người lao động ngoài xã hội. Tiền như thế chắc chắn chỉ giúp hắn thành kẻ hư hỏng hơn, bởi trong tù cái gì cũng có từ thuốc phiện, rượu, gái mại dâm. Cả ngày hắn lim dim trong cơn phê thuốc phiện. Thuốc phiện mua của nhà dân, bọn nghiện mua viên thuốc nhỏ cho vào cái thìa có nước đun tan ra rồi cắm kim tiêm vào mẩu đầu lọc thuốc lá hút cái chất ấy. Cái mẩu thuốc lá là vật lọc cặn thuốc, thuốc ấy chúng tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Ma túy chích vào người phải là loại được chưng cất ở phòng hóa được có những dụng cụ hiện đại do những kỹ sư, bác sĩ hóa dược làm. Ở đây tù tự sáng tạo lấy, chúng dùng biện pháp thô sơ nhất để đưa ma túy vào máu. Gan nào lọc cho lại, nên bọn tù nghiện chết vì bệnh xơ gan, vỡ gan rất nhiều. Vài năm sau ra tù tên đội trưởng cũng chết vì bệnh gan.

Dần dần tên đội trưởng mải chích, hắn cũng bỏ mặc không chỉ đạo, phân công đội làm việc. Đội tôi là đội rau, công việc không máy móc như đội gạch hay đập đá. Rau và lúa có mùa, lại còn thời tiết, thấy tôi đọc sách kỹ thuật nông nghiệp. Thằng đội trưởng bảo tôi với giọng lè nhè líu lưỡi từng chữ vì phê thuốc.

- Đm ông nhiều chữ, giờ ông coi đội phân việc nó làm. Tôi chỉ lo về mặt kỷ luật, nội quy thôi nhé. Ông phân việc thằng nào không làm bảo tôi, tôi cho nó chết con mẹ nó luôn, đm cái bọn tù này cứ phải rắn,oánh chết mẹ chúng nó đi không nó lấn.

Tên đội trưởng chỉ trông xem tù nào gặp gia đình để hắn đòi tiền, ngoài ra hắn còn vận chuyển thuốc phiện về trại bán cho bọn ” thi đua” trong trại. Bọn ” thi đua ” bán lại cho những đội tù làm trong trại không được ra ngoài như đội mộc, đội vệ sinh, đội làm thủ công mỹ nghệ.

Đội rau mỗi sáng phải thu hoạch rau về cho bếp trại, trong mỗi gánh rau là rượu, thuốc phiện. Tên đội trưởng vì làm ăn với bọn ” thi đua ” nên thế lực hắn rất mạnh. Đội chúng tôi ngày làm bên ngoài, nhưng chiều hết giờ về trại ở đến sáng mai. Ở bên trong trại bọn ” thi đua ” hoành hành một cõi, không có pháp luật và bóng dáng của chính quyền hiện diện ở đây. Bọn ” thi đua ” hầu như nhận khoán trắng mọi thứ trong trại từ cán bộ với điều kiện miễn sao không chết người, chấn thương để di chứng nặng. Cán bộ trại giam đóng cổng sau khi điểm sô tù và cho lính vũ trang canh gác trên các chòi, số phận bọn tù trong trại để bọn tù tự giải quyết với nhau.

Bọn tù đội tôi có nhiều thằng nghiện, nếu chúng chích ngoài đồng mà không có tiền nộp cho đội trưởng bị phát hiện sẽ chỉ còn nước vào cùm kỷ luật hay chuyển đi đội khác. Nhưng vào trong trại nếu mua thuốc của ”thi đua” cứ công khai mà trích giữa sân trại. Lâm thần đèn ở đội rau nghiện nặng. Nó ngồi chích giữa sân, thuốc ngấm cởi cả quần ra gãi chim sồn sột miệng lè nhè .

- Đm tù sướng, chích có công an canh gác cho. Ra xã hội chích thế nó bắt vào tù, vào tù chích nó lại canh cho mà chích.

Lâm thần đèn cao to lừng lững, đen thui vì có dòng máu lai Tây đen. Bà nó ngủ với Tây đen đẻ ra mẹ nó. Lâm thần đén lần thứ nhất tù 8 tháng, lần sau 12 tháng, lần sau nữa 18 tháng. Nó vào tù rôi ra tù đến chóng cả mặt. Hai lần trước nó về , chạy khắp trại chào mọi người rất to.

- Anh em ở lại cải tạo cho tốt nhé.

Bọn tù hò reo đáp lại.

- Về chơi xong lại vào nhé.

Vài tháng sau Lâm Thần đèn lại lò dò cắp túi quần áo nhập trại.

Cờ bạc mở ra ngay giữa sân trại, có cả trò cho vay lấy lãi, cầm đồ. Những kẻ nào vay lãi của ” thi đua” đến hẹn không trả kịp. Bọn ‘ thi đua” gọi ra sân đánh đập tàn nhẫn cho các tù khác nhìn thấy khiếp sợ. Bọn cờ bạc vay thì ít, nhưng bọn nghiện vay thường xuyên, bọn nghiện vay bằng cách mua chịu thuốc.

Hoàng cùng đội rau nhà ở LTK, bố mẹ nó là giáo sư, Hoàng là cậu ấm được chiều, chơi bơi lêu lổng thành nghiện. Tù vì tội ăn cắp xe máy. Vào tù nhờ tiền bố mẹ, Hoàng chỉ làm chân nhàn nhã là đi cắt cỏ vất xuống ao cho cá ăn. Cỏ cắt vất xuống ao nhiều ít thế nào ai mà biết được. Cái chân cắt cỏ lại có được tiện lợi là đi xa , khuất liên hệ với nhà dân, Hoàng tha hồ chích. Thỉnh thoảng Hoàng chung tiền chích cùng Lâm, vì thằng này chích cho thằng kia dễ hơn tự chích. Nhưng đôi khi chia nhau ít nhiều bọn chúng lại lục đục chửi nhau. Hoặc chúng chửi nhau vì khoản vay lãi của bọn ” thi đua ” thằng này chưa đóng để trả. Thằng Hoàng có tiền nhiều hơn, thằng Lâm chích và đun lọc thuốc khéo hơn, chúng kết hợp với nhau thành một cặp đôi hàng ngày thậm thụt với nhau.

Cãi nhau với Lâm, Hoàng bỏ đi chích riêng. Thằng Lâm bĩu môi chửi.

- Đm không có tao chích hộ, thích thể hiện chích lấy, sốc chết mẹ mày luôn.

Hoàng bỏ đi không nói, chui vào bụi chuối đầu ao. Mãi đến chiều đội gần về trại không thấy nó mò ra, cứ tưởng nó ngủ quên. Vì giữa bụi chuối có một khoảng trống, tù trải một tấm chiếu ở đó để tranh thủ ngủ và chích thuốc, uống rượu. Mọi người gọi mãi không thấy Hoàng ra, vào định lôi nó dậy thì thấy nằm dang chân, dang tay, mắt mở trắng dã bất động, cái kím tiêm còn nằm trên tay. Nó sốc thuốc chết thật.

Bệnh xá cho người mang xác nó đi. Chết vì sốc thuốc đơn giản, chả cần điều tra hay ầm ĩ gì. Nhà nó đến nhận xác con về cũng không oán thán gì ai. Có tù trong đội thỉnh thoảng chọc thằng Lâm nói nó giết thằng Hoàng. Thằng Lâm tiền nhà cho chích hết, muốn có đồ ăn nó phải đi kiếm thằng nào nhà khá giả như thằng Hoàng để bám vào. Phục vụ, cơm canh, thuốc sai hầu hạ thằng kia. Hoàng chết được hơn tháng thì có Dũng cao về đội. Dũng Cao nhà giàu, đánh bạc bị bắt. Vài lần đã bị bắt vì tội đánh bạc rồi chỉ bị cảnh cáo, xử án treo cho về. Nhiều quá tòa cũng không dám xử treo nữa mà phải xử tù 6 tháng.

6 tháng tù đối vợi bọn tù cải tạo được gọi là giấc ngủ trưa. Thời gian nằm chờ xét ở trại tam giam đã gấp mấy lần số đó, đừng nói thời gian ở cải tạo. Lẽ ra 6 tháng tù thì Dũng Cao ở lại trại tạm giam, làm chân chạy ngoài cơm canh hay trực buồng mấy chốc là đến ngày về. Nhưng do nhà giàu, thừa tiền , Dũng Cao muốn đến trại cải tạo rồi chạy về đội rau, chạy chân cắt cỏ cám để được đi lại thoáng đãng, được rong chơi sướng hơn nằm lì trong buồng trại tạm giam.

Mấy chốc đến ngày Dũng Cao hết án về, trước một ngày nó hết án Dũng Cao nằm trong buồng, đợi Lâm đi làm mang thuốc phiện về. Hai thằng chích quá đà, phê nói năng ầm ĩ. Bọn ” thi đua ” phát hiện dấu hiệu phê thuốc, hai thằng ranh con tay chân của thi đua mở khóa vào hỏi Dũng Cao.

- Thằng này chích thuốc phải không.?

Dũng Cao sắp về, vả lại nhà Dũng Cao nhiều tiền lo lót trực tiếp với trưởng ban giám thị. Án lại ngắn nên không ngán gì, Dũng Cao chửi.

- Đm chích thì sao, có tiền thì chích chứ xin bố con thằng đéo nào.

Dũng Cao đã trung tuổi, lẽ ra tù có kinh nghiệm không chửi hai thằng tù ranh con mới lớn, nhất là mình đang phê thuốc chân tay lờ đờ. Trong khi hai thằng ranh cầm ổ khóa và suốt khóa cửa. Nhưng Dũng Cao phê thuốc, ỷ mình quan hệ lớn, lại sắp về , nên mới thể hiện chửi bới. Bọn tù cũng rất hèn, nhiều đứa cả quãng đời tù lúc nào cũng rón rén như con sâu. Bỗng nhiên sắp về lại đi cà khịa, gây sự loạn khắp nơi. Cho nên bọn ở lâu cũng tránh gây sự bọn sắp về, vì có đánh nhau thì mình đi cùm hay kỷ luật vào kiên giam, chứ thằng sắp về thì cùm gì nó nữa.

Nhưng cái bọn ở lại hôm nay của Dũng Cao là hai thằng trẻ ranh mới 18 tuổi, chúng chưa đủ độ nhẫn nại để hiểu được phải tránh đi, nhịn đi. Sẵn ổ khóa và suốt khóa cửa chúng nện cho Dũng Cao mấy nhát. Dũng Cao la ầm ĩ.

- Ới ban giam thị ơi cứu tôi, đánh người.

Hai thằng kia lao vào định đánh tiếp. Tôi vội ngăn lại, giật được cái suốt cửa của một thằng, đẩy chúng ra ngoài. Thò tay qua song cài suốt cửa lại bảo thằng cầm ổ khóa và chìa khóa hãy khóa cửa lại. Song tôi đi vào buồng bên trong , chỗ tôi nằm cởi quần áo. Lúc đang cởi vẫn nghe tiếng Dũng Cao chửi thách đố bọn ” thi đua” định ra can thì bỗng nghe tiếng mở cửa loảng xoảng, rồi tiếng huỳnh huỵch do đánh lộn. Tôi nhìn ra ngoài thấy ba thằng thi đua thằng ổ khóa, thằng suốt sắt quật Dũng Cao túi bụi. Chạy vội đến giằng ra, khi giằng được thấy Dũng Cao nằm ngất lịm. Gọi mấy tù cùng đội đưa Dũng Cao xuống trạm xá. Bọn tôi về buồng giở cơm ra ăn. Cơm ăn xong đang uống nước thì thấy Ban Giám thị vào gọi tôi ra gặp. Tôi biết có chuyện chẳng lành, ra đến phòng Giám thị họ đưa tôi tờ đơn bảo ghi lại những gì đã thấy về vụ đánh người.

Dũng Cao chết trước ngày về một hôm. Giá như nhà hắn nghèo, hắn không tinh tướng thì đã không chết. Ba thằng đánh người bị vào xà lim cùm chân, chờ bổ sung hồ sơ chuyển về trại giam để truy tố thêm về tội giết người. Tôi cũng bị cùm vì lý do ở lần thứ nhất can đẩy hai thằng kia ra ngoài, không báo giám thị ngay sự việc. Đáng ra trách nhiệm thuộc thằng Lợi đội trưởng, nhưng nó bảo tôi nó sắp được giảm, tôi được giảm án rồi còn mấy tháng nữa về, nó lạy lục tôi nhận trách nhiệm thay cho nó. Tôi vào cùm nằm cùng với một trong ba thằng đánh chết người ở xà lim. Cái cùm là thanh sắt bản rộng 6cm, dày 0,5 cm. Tôi bị cùm 7 ngày, còn bọn kia bị cùm 15 ngày.
 
Xà lim là căn buồng nhỏ chưa đầy 4m2. Người ta chỉ cùm một chân, nhưng chân kia duỗi ra lại vướng cùm. Thà họ cùm cả hai chân còn dễ chịu hơn. Cái cùm bằng sắt dẹt nên có cạnh, mỗi lần cục cựa mép sắt ở cùm khứa vào chân đau buốt. Trời nóng, ngột ngạt và oi bức. Xà lim cùm hai người, tôi và thằng bé đánh chết Dũng Cao. Tôi hỏi nó thế nào. Nó thở dài.

- Thằng chó đấy số phải chết thôi.

Tôi cũng công nhận, giá như Dũng Cao không chửi bới lại đâu đến nỗi, còn ngày nữa là về, đáng phải nhịn đi thì lại tranh thủ mình sắp về để làm việc to tát ra lấy tiếng tăm.

Chúng tôi mỗi bữa được một nắm to bằng quả trứng vịt và ít muối, một chai nước. Đi vệ sinh đại tiểu tiện vào cái bô nhựa nhỏ. Chiều bọn lấy cơm thay cho bô khác.

Thằng bé giết người nằm bên cạnh khóc, nó bảo thương bố mẹ. Đêm đến là nó rấm rứt khóc.

Hết 7 cùm, tôi đưa vào buồng giam chung cho những kẻ sau cùm. Thời gian này dành để phân loại để đưa đi đội mới hay đưa về đội cũ. Muốn thế nào thì gia đình bên ngoài sẽ lo lót. Thằng Lợi tiếp tế đồ ăn uống cho tôi đầy đủ. Nó hỏi đang xin nhà nó tiền chạy tôi về đội cũ bảo tôi gắng chờ.

Buồng sau cùm còn gọi là kiên giam, đủ các loại tội như chống đối lao động, đánh nhau, trốn trại…cùm xong nằm ở đây. Thằng Triều nhà bên Gia Lâm đang ở đội chăn nuôi cá, nhà lo một dống tiền để về đội nuôi cá. Được một thời gian nhà nó không quà cáp gì quản giáo. Quản giáo đội cá rình bắt tội nó. Một hôm Triều ra nhà dân mua đồ bị quản giáo bắt gặp, liền quy vào tội đi quá phạm vi lao động, đưa vào kỷ luật. Cái tội đi vào nhà dân ở đội rau và đội cá như cơm bữa, thường quản giáo bỏ qua, nhìn thấy cũng lờ đi. Nhưng khi gia đình quà cáp, biếu xén không đầy đủ thì bỗng thành tội. Triều uất lắm, nó bảo muốn làm đơn để khiếu nại việc quản giáo ăn tiền của nhà nó. Đằng nào nó cũng bị chuyển trại xa hơn, chẳng phải là chuyển đội nào trong trại nữa. Cả ngày nó hì hục viết đơn, sai chính tả be bét, câu văn lủng củng. Cứ viết xong nó hỏi tôi, tôi lại góp ý, nhiều lần quá tôi giật lấy bút và viết hộ nó.

Triều đưa đơn cho cán bộ trực trại hôm trước, hôm sau chuyển đi trại rừng.

Trực trại vào mở cửa gọi tôi ra nói.

- Hiếu ra gặp ban.?

Tôi hỏi.

- Ban nào hả thầy?

Đó là câu hỏi chưa tù nào dám hỏi, trực trại nói gì tù thường phải nghe răm rắp. Huống chi là ra gặp Ban. Trong tù từ Ban là một từ khủng khiếp, Ban là cấp trên của hàng ngũ quản giáo.

Trực trại.

- Ban Hưng.

Ông Hưng quản lý nhân lực, tôi lắc đầu.

- Thầy bảo em đang cải tạo yên ổn, không có tâm tư nguyện vọng gì gặp ban hết. Em không đi.

Cả đám tù cùng buồng toàn loại chày bửa, đầu trâu, mặt ngựa sững người thấy tôi trả lời cán bộ trực trại thản nhiên như nói với bạn tù. Căn phòng đang nhộn nhạo lặng im. Trực trại Phú là người khét tiếng dữ dẵn đã trải qua bao nhiêu trại tù ghê gớm. Nhiều tù nhân ở trại này đã qua trại tù mà quản Phú ở trước kia còn đồn lại về sự dữ dằn của ông ta.

Trực trại Phú đứng im ngoài cửa một phút, ông ta quay đi.

Chiều ông ta quay lại, mở cửa bảo.

- Hiếu ra ngoài.

Tôi hỏi.

- Ra làm gì thầy.?

Trực trại nói.

- Ra gặp ban Bình.

Ông Bình phó ban giam thị thứ nhất, quyền to nhì trại. Ông Bình chưa bao giờ quát tù, vả lại vị trí ông cao quá nên cũng chẳng tiếp xúc với tù bao giờ mà quát. Một năm may ra ông có buổi nói chuyện với tù nhân ngày lễ lớn nào đó. Ông nói chân tình, không có kiểu sách vở. Nếu ông Bình đòi gặp thì khó mà tránh được. Tôi đi ra theo trực trại.

Đến phòng ông Bình, trực trại lễ phép gõ cửa và báo cáo tôi đã đến. Than ôi, ông trực trại dữ dằn, tù nhìn thấy ông ý đều khép nép , run rẩy. Hôm nay tôi chứng kiến thấy ông ấy gặp chỉ huy cũng y như thái độ bọn tù tôi gặp ông ấy. Ông Bình bảo trực trại cứ về làm việc, khi nào xong ông ấy gọi.

Ông Bình rót tôi chén nước trà ngon, chỉ bao thuốc trên bàn bảo tôi hút. Tôi uống nước và hút thuốc chờ ông soạn một số giấy tờ gì đó. Ông soạn xong, rót nước uống rất chậm rãi. Rồi ông hỏi tôi.

- Thế này anh Hiếu à, có cái đơn của anh Truyền gửi lên Ban Giam Thị, anh đọc xem.

Tôi cầm tờ đơn, nét chữ của mình. Tôi làm bộ đọc tờ đơn dài 3 trang giấy, viết sạch sẽ, nắn nót. Rồi đưa trả lại cho ông Bình, cũng không nói gì. Ông Bình hỏi.

- Anh ý kiến gì về tờ đơn này?

Tôi lắc đầu.

- Dạ thưa ban, không ý kiến gì ạ.

Ông Bình lắc đầu, chép miệng nói.

- Vấn đề là không phải cậu Triều viết cái đơn này, mà có người viết hộ.

Tôi giả vờ tò mò cầm xem lại tờ đơn, rồi nói

- Chữ ký của Triều đây mà.

Ông Bình có vẻ đã hết nhẫn nại, ông nói gắt.

- Thằng Triều viết được cái đơn này thì đã không phải đi tù.

Tôi mỉm cười, hóa ra ông ấy cũng không thể đóng bộ vờn mãi được. Tôi bồi thêm cú nữa.

- Vậy thì thằng nào viết đơn này chắc không phải ở trong tù rồi, có lẽ người nhà nó viết hộ.

Nở nụ cười nhăn nhó, ông Bình chắc thấy cử chỉ chậm rãi để uy hiếp tinh thần, và cách nói vờn để tôi khiếp nhược không có hiệu quả, ông đi thẳng vào vấn đề.

- Nội dung đơn này nếu ra ngoài, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ trại. Chúng tôi biết anh là người viết lá đơn này, mới gọi anh lên đây để nói chuyện.

Tôi nghe thấy hàm ý đe dọa, tôi hỏi.

- Thưa ban, về nội dung lá đơn Triều đã ký, về pháp lý Triều chịu trách nhiệm vì nó cũng biết đọc và đồng ý. Còn người viết hộ chỉ viết hộ vì chữ dễ đọc hơn, pháp luật không bắt được tội viết hộ chữ.

Ông Bình nói.

- Vậy anh viết cho tôi cam kết là anh chỉ viết hộ anh Triều vì chữ anh đẹp, còn về nội dung anh hoàn toàn không liên can.

Tôi nghĩ nhanh trong đầu, nếu tờ đơn tôi nói là viết hộ, chắc chắn đơn của thằng Triều sẽ vô giá trị. Người ta chỉ cần đưa thanh tra, nói với cấp trên là cái đơn này linh tinh, thằng Triều nó viết đâu, thằng khác viết hộ, thì sẽ mất giá trị đơn của Triều. Tôi lắc đầu.

- Thưa ban, chuyện viết hộ không cần phải viết cam đoan. Nội dung đơn Triều đã đứng đơn rồi.

Ông Bình nhấc điện thoại gọi trực trại lên để dẫn tôi vào buồng.

Tôi về buồng giam, chiều hôm sau bọn tù trong buồng gọi tôi đến bảo.

- Mày có vẻ thích khác người nhỉ.? Đm mày vắt đầu mà suy nghĩ nhé, đừng khác người là chết luôn đấy.

Tôi về chỗ nghĩ, bỗng nhiên bọn này trở mặt, chắc trực trại hay ban giám thị đã tác động gì chúng nó, họ tức chuyện cái đơn đây. Nếu chúng được cán bộ trại nhờ vả để trấn áp tôi thì trước sau chúng cũng làm, đầu tiên chúng buông lời hăm dọa vây. Bọn chúng từ các đội trở về đây, nói nôm na là tứ xứ, chỗ này chỉ là chỗ trung chuyển. Chúng không đoàn kết và có tình gắn bó gì. Trong đám đó có một thằng to con ở đội gạch về, nhà không có ai tiếp tế, ăn bám vào bọn kia, thằng đó tỏ vẻ hung hăng nhất vì miếng ăn. Bọn còn lại đều có vẻ cố tỏ ra ghê gớm , nhưng trong bụng cũng không dám làm gì. Nếu để cảnh chúng nó vài hôm nữa đoàn kết lại, cộng thêm cán bộ trại ngầm đứng sau. Chắc chắn chúng sẽ tìm lý do nào đó để đánh cho tôi một trận.

Tôi lặng lẽ quan sát kín tên tù to con, vì không có gia đình tiếp tế đồ ăn, nó xun xoe phục vụ bọn kia, có lúc nó đi chẻ sàn gỗ nằm để đun nước pha trà cho cả hội uống. Nó có một con dao nhỏ để tách ván ra lấy gỗ đun. Đôi lúc nó cầm còn dao lườm người này, người kia ra vẻ muốn đâm một ái đó. Đi qua chỗ tôi nó nhổ nước bọt.

Thằng Lợi mang đồ tiếp tế vào cho tôi, tôi nhét vào tay nó mẩu giấy. Hôm sau nó mang vào cho tôi chiếc đồng hồ nhựa, loại rẻ tiền nhưng đang chạy tốt. Tôi chỉ cần cái đồng hồ chạy tốt trong vòng một ngày là đủ.

Việc tách sàn lấy gỗ, đun nước mất cả tiếng đồng hồ. Trong tù thì thời gian vô tận, chẳng đi đâu mà vội. Tên to con tách gỗ sàn như mọi khi, hắn hì hục cậy ra miếng gỗ to, lấy hòn gạch làm vật nện vào sống dao chẻ củi. Tôi nhìn đồng hồ, giờ hẹn với thằng Lợi đã đến.

Tôi ra vẻ lơ đãng đến gần tên to con chẻ củi, hắn vẫn cúi đầu hì hục tay cầm hòn gạch, con dao đã mắc trong thanh gỗ. Giá là lúc hắn đun nước thì dễ hơn. Nhưng không thể nào căn được chính xác giờ đó. Tôi nhảy bổ vào hắn chụp cánh tay cầm gạch vặn ngược về đằng sau, chân đá cái tấm gỗ mắc con dao ra xa. Miệng tôi gào toáng.

- Giết người này.

Bên ngoài thằng Lợi và vài thằng nữa đã vô tình mang rau vào trại, đang nấn ná bận gì đó ở giữa sân. Nghe thấy tiếng tôi hét ở buồng kiên giam vọng ra,lập tức cả lũ gào toáng khắp trại.

- Báo cáo cán bộ, có người chết.

Tiếng hô náo loạn. Bên trong tôi dùng hết sức cố vặn cánh tay thằng to con, đè nó vào thế cục cựa, giẫy dụa khó. Tôi và nó giằng co, bọn trong buồng thì bất ngờ chưa hiểu chuyện gì. Cán bộ vũ trang vác súng, cầm khóa mở cửa lôi tôi và thằng to con ra.

Cán bộ trại gọi riêng tôi ra hỏi cung sự việc. Tôi kể tên to con có dao, lại chẻ sàn gỗ đun, làm những điều vi phạm nội quy. Tôi chỉ phát hiện chuyện đó và muốn khống chế hắn để cán bộ bắt quả tang việc vi phạm của hắn.

Lời khai là thế, cán bộ giáo dục biết cũng không thể bắt bẻ gì được tôi. Ông ta nói.

- Vì ngăn ngừa không để xô xát, chúng tôi chuyển anh đi buồng khác.

Tôi ra vẻ buồn bã, thực ra đó là ý của tôi. Buồng kiên giam chỉ có hai loại, loại nhốt chung và loại đặc biệt nguy hiểm nhốt riêng một mình. Trại chuyển tôi đi đâu ngoài buồng nguy hiểm, vì còn chỗ nào nữa. Thời gian của tôi ở đây không còn dài, tôi cũng muốn ở một mình cho đỡ va chạm.

Kiên giam 2, buồng cho những tù nhân hung hãn, nguy hiểm, manh động, trốn trại….biệt lập ngay trong trại giam. Trai giam là nơi đã biệt lập thì kiên giam 2 còn biệt lập hơn, xung quanh là những bức tường cao vút. Qua mội lối ngoặt giữa các bức tường cao mới tới cái sân nhỏ, qua cái sân nhỏ lại thì cửa buồng nằm khuất. Từ trong buồng kiên giam 2 nhìn ra thì thấy cái sân nhỏ và những bức tường cao vút. Ở đây yên tĩnh lạ lùng, khó có âm thanh nào lọt đến.

Thằng Lợi không mang đồ được vào kiên gian 2. Hàng ngày chỉ có tên tù bếp hai buổi mang cho tôi nắm cơm và ít muối. Trực trại chiều đến vào ngó buồng xem tôi sống chết ra sao rồi đi ra, ông ta chẳng buồn mở cửa buồng theo nguyên tắc kiểm tra hàng ngày. Chỉ đứng ngoài sân ngó rồi cười nhếch mép khinh khỉnh đi ra. Cứ đến giờ ông ta kiểm tra trong ngày, tôi tắm rửa sạch sẽ, bộ dạng tươi tỉnh cười đáp lại.
 
Không có ai nói chuyện, tôi lấy giấy bút ra ngồi tập viết cho có cái mà nghĩ. Câu truyện tôi viết có nhan đề

Những con chuột trong buồng kiên giam.

Phòng kiên giam ở dãy cuối trong trại tù, biệt lập. Những tù nhân thường chả có cơ hội nhìn thấy khu kiên giam, họ đi làm qua cánh cổng khu kiên giam nhìn vào bên trong gặp bức tường cao ngất, phải đi vòng qua bức tường đó mới vào được khu kiên giam. Qua bức tường đó khu kiên giam chia làm hai, phần kiên giam bên ngoài giam những tên tù vi phạm kỷ luật cần phải cách ly với các tù nhân khác. Còn khu bên trong lại đi qua cánh cổng nhỏ của một bức tương cao ngất nữa mới đến nơi, đó là nơi tận cùng của nhà tù sát với bốt gác, dưới chân bốt gác là một cái ao to. Như thế có nghĩa khu kiên giam trong cùng ấy hoàn toàn yên tĩnh. Sự yên tĩnh trong nhà tù không phải là ân huệ, trái lại đó là hình phạt, một sự cô lập hoàn toàn.

Đến bữa người quản giao khu kiên giam mở cửa cho tù bếp mang vào cho phạm nhân một nắm cơm có trộn ít muối. Tù trong không được nhận quà, không có gì khác ngoài chăn màn, quần áo được phép mang theo vào buồng kiên giam. Mọi nguồn tiếp tế của gia đình đều bị cấm ngặt, thậm chí giao tiếp với các tù nhân khác cũng hoàn toàn bị chặn triệt để.

Tù trong kiên giam khu hai là kẻ thù của tù nhân khác, không thể ở chung, nhưng cũng có lúc tù trong kiên giam là kẻ thù của chính ban lãnh đạo trại giam. Bởi thế tù trong kiên giam hai khi ra ngoài thể lực đều kiệt quệ, gầy gò, phù thũng, suy nhược…có kẻ hoảng loạn ngớ ngẩn, có kẻ lại trở thành hung hãn. Hàng tháng trời mỗi ngày hai nắm cơm to hơn quả trứng vịt, ít muối. Không có cả cọng rau, ít gia vị hay bất kỳ cái gì có thể bỏ vào miệng. Chỉ hai lần nghe tiếng mở cửa lúc mang cơm, một tên tù bếp lẻn nhanh vào đặt cái túi nilong có nắm cơm rồi nhanh chóng lẩn mất. Tù bếp là bán tự giác, chân đó phải lo lót mới có được, nên tù bếp tránh giao tiếp với tù giam khu trong vì nếu bị phát hiện đưa một điếu thuốc, một cái kẹo, cọng rau sẽ bị kỷ luật.

Hắn ở trong khu kiên giam hai, một mình một căn buồng giam rộng mênh mông. Đêm nằm nhìn dãy sàn trống trơn cảm giác lạnh người. Ngày hắn trèo lên cửa sổ bám đu người ngồi trên đó để cố gắng nhìn qua bờ tường thấy các tù nhân khác đi lại, nhưng tầm nhìn đã được người xây tường tính toán cho nên chỉ thấy lớt phớt chỏm tóc của tù nhân hay cái mũ kepi xanh của cán bộ. Ban ngày trại đi làm bên ngoài hết, nên người đi lại lâu lắm mới có một cái chỏm tóc, cái mũ thấp thoáng, còn âm thanh hầu như là không có ngoại trừ tiếng kẻng.

Những ngày đầu trong trại kiên giam, hắn nằm, ngồi nghĩ nhiều thứ, nghĩ cách thoát ra khu này về với bạn tù trong đội, nghĩ cách kiếm được mẩu thuốc, một ít gia vị, một cọng rau… đêm nằm thao thức vì đói và thèm một mẩu mỳ tôm ngâm nước lã lạnh đến lúc nở bung ra để cho hai ngón tay vào gắp, hắn sẽ đưa sợi mỳ lên cao và cho nó chạy vào cuống họng từ từ.

Khoảng một tháng sau thì hắn không thèm khát những thứ thuộc về ăn uống đấy nữa, hắn đã trở thành một người thoát khỏi những ham muốn ăn uống, kể cả giấc mơ cũng không có những thứ đó. Hắn chỉ ước nhìn thấy ai đó, nói với họ dăm câu để biết mình còn là người, ước nhặt được mẩu báo, hay giấy ghi bất kỳ nội dung gì đó để đọc tiết kiệm từng chữ một. Giờ ước mơ là những thứ thuộc về tinh thần. Nhưng cũng không có nốt, ngoại trừ ngày hai lần cánh cổng khu kiên giam hai mở toang để tên tù bếp đi như chạy đến cửa buồng giam hắn vất vào túi nilong đựng nắm cơm rồi nhanh chân biết mất.

Ngày cũng dài và đêm cũng dài hơn. Ngày thì mong đêm đến để ngủ, nhưng khi đêm đến lại chẳng ngủ được thì trằn trọc mong ngày. Cứ mong loanh quanh như vậy. Một hôm hắn chợt thấy có hai con chim sẻ bay xuống khu sân trước mặt kiếm mồi, mắt hắn bừng sáng nhìn lũ chim. Rồi hắn tưởng tượng rằng con chim nhỏ bé kia đã có lần bay qua mái ngói nhà hắn, cái bàn chân nhỏ xíu của con chim kìa, cái móng nhỏ tí tí ấy đã đậu lại trên sân thượng nhà hắn và có khi mổ đỗ xanh mà mẹ hắn phơi để dành ngày Tết gói bánh chưng. Đến bữa hôm ấy hắn dành lại một ngón tay cái cơm để ném ra sân, mong lũ chim có cái mà còn tìm đến để hắn ngắm nhìn. Mấy con chim sẻ quê ăn thóc quen, mới đầu lạ chúng rỉa hạt cơm được hai ngày thì chúng chán chẳng quay lại nữa.

Buồn lại hoàn buồn.

Một đêm bỗng hắn nghe thấy tiếng động cuối phòng giam, hắn hé mắt từ từ, nghiêng đầu rất chậm để nhìn về hướng đó. Ồ thì ra chuột. Không phải một con mà là hai con, chúng đã rúc rích chạy. Kỳ lạ ở nơi này có gì ăn mà chúng ở đây. Nhưng dù phán đoán thế nào thì bọn chuột là có thật, có khi là một đôi anh ả mới bén duyên định về đây xây tổ ấm chăng?

Hôm ấy hắn dành một nửa nắm cơm cho chuột, có bớt đi như thế cũng chả ăn thua gì vì dạ dày hắn chắc đã teo lắm rồi, còn cơ thể thì cần nhiều chứ thêm nửa nắm cơm cũng không có thêm chất là bao. Hắn quyết để nửa nắm cơm cho bọn chuột ăn. Khi rắc cơm ra và trùm chăn quan sát, hắn nhận ra là có đến bốn con chuột chứ không phải hai. À thì ra chắc mùa gặt đã đến, chúng chạy nạn ngoài đồng kéo vào đây tá túc theo ngóc ngách nào đó.

Ban ngày bọn chuột đi đâu không biết, nhưng cứ đến quãng 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng là chúng nháo nhác chạy đi, chạy lại, rúc rích đầy vẻ khẩn trương. Lúc đầu chúng còn sợ nên chạy ra ăn cơm rất rón rén, cảnh giác. Sau thì chúng bạo dạn ăn không biết e ngại nữa, chúng ăn nhoáng cái hết mấy hạt cơm rồi lại dáo dác chạy đi chạy lại rất khẩn trương. Hắn quan sát mãi mà không hiểu bọn chuột làm gì vào tầm thời gian ấy, nhìn bộ dạng chả phải là đi kiếm ăn. À chắc là giờ chúng hẹn hò cưa cẩm nhau như con người vậy. Nếu lúc tối đến những thanh niên nam nữ hẹn hò nhau ríu rít, tậm sự thì bọn chuột cũng vậy, có chăng là khác giờ thôi.

Thế rồi gần sáng một hôm, lúc hắn ngủ thiếp đi bỗng giật mình đau nhói ở ngón tay cái, mở mắt thấy máu và vết răng chuột cắn, nhìn lại thấy một con chuột đang chạy hối hả về góc nhà vệ sinh. Vết căn sưng tấy, đau nhói khiến hắn phát sốt. May là hai hôm thì hết sốt và vết thương không nhiễm trùng, nhưng vẫn tấy nhức. Điên tiết đêm đến hắn cậy hòn gạch ở bậc nhà vệ sinh đập làm hai, cầm nửa viên treo lên sàn trên sau khi rắc cơm như mọi lần.

Bọn chuột chạy ra ăn cơm, hắn nhằm cái con chuột mà hắn ngứa mắt nhất, vì thái độ nhâng nháo, và vì mọi nghi ngờ của hắn đều đổ cho con chuột ấy là thủ phạm cắn hắn. Hòn gạch ném chính xác làm con chuột lăn quay dãy vài cái rồi xuôi lơ, máu mồm ộc ra sàn. Bọn chuột còn lại chạy biến mất, máu con chuột lan ra thấm vào những hạt cơm cạnh nó.

Hắn ngồi trên sàn và nhìn con chuột chết còng queo phía dưới, lúc trước nó còn là một sinh vật nhanh nhẹn, đầy sức sống, linh hoạt và tinh ranh. Thế mà chỉ khoảnh khắc tất cả mọi thứ ấy đã vĩnh viễn biến mất chỉ còn lại một đống xấu xí, ghê tởm. Hắn cứ nhìn còn chuột dù đến lúc chả nghĩ gì nữa hắn vẫn nhìn, đơn giản vì lâu hắn không nhìn được cái gì đáng chú ý, cho nên xác một con chuột chết là thứ rất đáng nhìn sau bao nhiêu ngày đơn điệu với âm thanh và cảnh vật ở đây.

Bất ngờ hai con chuột mò ra, hắn nghĩ chúng mò ra ăn nốt những hạt cơm vương vãi. Nhưng không, hắn mở to mắt nhìn kinh ngạc. Một con chuột cắn cổ con chuột chết lôi đi, một con ủn đằng sau con chuột chết đẩy đi. Chúng tha xác con chết đi đâu? Hắn căng óc ra phán đoán mà không hiểu. Ngày bé hắn đọc truyện thấy chuột ăn cắp trứng, một con ôm một con cắn đuôi kéo, thấy không tin. Giờ nhìn cảnh đưa xác đồng loại đi thế này hắn mới tin là chuyện ăn cắp trứng của chuột là có thật. Loay hoay một hồi hai con chuột sống cũng đưa được con chuột đã chết qua cái lỗ ở góc nhà vệ sinh ra ngoài.

Hắn thẫn thờ, không tin những gì mình nhìn thấy là có thật, hắn không thể nào hình dung bọn chuột bất chấp nguy hiểm để đến mang xác đồng đội đi. Chúng mang đi như thế để làm gì, chắc không phải là làm món ăn. Thế nhưng chúng mang đi làm gì? Chả lẽ chúng chấp nhập nguy hiểm quay lại để mang xác đồng bọn đi về ổ chăng? Chúng không nỡ bỏ xác đồng đội của chúng chơ vơ lại giữa sàn nhà trống trải ấy chăng. Nếu quả thật chúng mang xác con chuột đã chết đi vì chúng không nỡ để xác đồng loại phơi thây như vậy… thì… hắn rùng mình sợ hãi.

Hắn múc nước dội sàn và lấy cái cái áo cũ làm giẻ lau sạch chỗ máu chuột, đến đêm hắn để cho lũ chuột nguyên một nắm cơm, hắn ước có que hương để thắp tạ lỗi cho con chuột bị hắn ném chết. Đêm hôm đó lũ chuột không ra ăn cơm, mấy ngày sau cũng thế. Lũ chuột bỏ đi và hắn lại nằm một mình nhìn tường, nhìn trần nhà giam.

Những tháng ngày ở trong khu kiên giam hai ở trại giam đó khiến hắn cười nhạt với cái xà lim của trại giam B14 sau này. So với khu kiên giam ấy thì B14 là một khách sạn 4 sao với cái nhà trọ bình dân. Bởi thế hắn có thể bình thản như vậy, không phải do bản lĩnh gì mà chẳng qua vì hắn trước đó đã ở những nơi tồi tệ hơn mà thôi.

Nhưng những gì để lại sau thời gian ở khu kiên giam 2 ấy, không chỉ là thói quen chịu đựng được khổ cực về vất chất, tinh thần. Mà ấn tượng lâu nhất với hắn là hình ảnh những con chuột (một loài vật được ví về sự hèn nhát, dút dát) đã không bỏ rơi đồng loại của mình.

Gần một tháng trong khu kiên giam 2 tôi viết đủ thứ, viết lại cả những câu chuyện tôi chứng kiến trong tù. Một hôm trực trại vào thấy tôi đang mải viết, ông ta hỏi khinh miệt.

- Viết đơn à?

Tôi gật đầu. Ông ta nói.

- Mày kiện ai, chứ kiện tao thì tao còn nguyên 4 sao.

Tôi nhìn quân hàm đại úy của ông ta và bộ mặt nung núc thịt nói.

- Nguyên bốn sao thì có, nhưng cũng mất chục triệu để giữ.

Ông ta bất ngờ trước câu nói của tôi, ngạc nhiên hỏi.

- Chục triệu nào?

Tôi từ tốn.

- Chục triệu dí cho đoàn thành tra cảm ơn. Giờ tôi cứ làm cái đơn gửi đến thanh tra. Thanh tra xuống đây kiểm tra, kết luận cứ cho là tôi đơn sai đi. Nhưng ông cũng biết là đoàn thanh tra thừa sức biết là nó đúng mà không cần xem đơn. Tuy nhiên họ kết luận tôi đơn sai, rồi họ đi về, kéo nhau cả đoàn xuống rồi lục tục cả đoàn về. Ai đón tiếp, ai cảm ơn họ vì không kết luận tôi đúng. Đón tiếp cơm rượu, rồi cảm ơn phong bì cho cả đoàn về lẽ nào không đến chục triệu.

Trực trại chửi thề.

- đm mày văn vở thế nào tao biết hết.

Văn vở là từ lóng chỉ mưu toan, thủ đoạn của tù. Tôi nghe từ ấy cười nhạt đáp.

- Cán bộ biết hết ”văn vở” của tù. Nhưng cũng có loại tù biết hết nghiệp vụ cán bộ. Đây thầy xem một tờ đi.

Tôi rút đại một tờ giấy trong tập đang viết, trực trại đọc xong nhìn quanh hạ giọng nói chân tình.

- Mày tự gây chuyện vào đây, không ai cố ý làm gì mày. Nhìn xem , mày chẻ sàn gỗ ra đun gần hết tao có nói gì đâu, tao chả thù oán gì với mày.

Tôi gật đầu.

- Tại thầy nói thế, chứ em cũng có ý gì với thầy đâu.

Ông ta đi ra, cầm theo tờ giấy, nói mà không quay đầu lại.

- Cho tao mượn tờ này.

Ngay sáng hôm sau, ông ta vào sớm, mở cửa bảo tôi.

- Đi ra gặp Ban, mang hết những gì viết theo.

Tôi cười.

- Thầy thu lúc nào chả được, những gì viết ra ở trong đầu, có mất cũng chẳng sao.

- Mày cứ cầm theo, ai lấy của mày mà lo.

Tôi cầm tập giấy theo, lại gặp ban Bình, ông ta hỏi tôi khỏe không, gia đình hay đến thăm không. Tôi nói tôi ở trong kiên giam 2, không được gặp gia đình, không được nhận đồ tiếp tế. Ban Bình bảo.

- Thôi chết, anh là dạng cách ly chứ có phải kỷ luật đâu mà không cho nhận quà và gặp gia đình. Để tôi báo lại dưới kia, quên đấy, họ cứ thế mà làm. Anh uống nước đi.

Tôi uống trà. Lần đâu tiên trong tù tôi được cán bộ gọi bằng anh, mà là cán bộ cao cấp của trại giam chứ không phải loại nhàng nhàng. Ban Bình nói.

- Anh cũng sắp về, chẳng còn bao lâu, thôi anh cứ ở riêng một chỗ cũng an toàn cho anh, đợi ngày về. Mọi thứ cần gì anh cứ báo với cán bộ trực trại, với anh chúng tôi rất linh động. Biết anh cũng là người nghĩa khí, sòng phẳng. Ông quan giảo anh nói tốt về anh lắm, ông ấy bảo tại chúng tôi, chứ anh ở với ông ấy bao lâu có gây chuyện gì đâu. Đây cũng là cái không may, hiểu lầm nhau từ cái này rồi dây dưa sang cái khác. Chúng tôi và anh cũng là con người, rồi anh cũng về xã hội làm người tốt. Biết đâu còn quay lại đây thăm nhau, nhiều người về rồi vẫn quay lại thăm chúng tôi đấy.

Tôi không nói gì, vẫn uống trà. Ông ta ngừng lại nhìn tôi với tập giấy trên tay. Tôi tự động vớ bao thuốc trên bàn ông ta nói.

- Xin ban điếu thuốc.

Ông ta vồn vã.

- Anh hút đi, thuốc đó cứ tự nhiên gì mà khách sáo thế, cầm cả bao mà hút.

Đợi tôi châm thuốc, nhả khói. Ông Bình hỏi.

- Anh cho tôi xem anh viết những gì được không.

Tôi cầm tập giấy đưa ông ta, đó là truyện về những con chuột trong buồng kiên giam và truyện đôi vai.
 
Đôi Vai.

Ngày ấy cả khu phố tôi không nhà nào có vòi nước riêng sinh hoạt trong nhà. Mọi người đều dùng chung cái vòi nước công cộng ở giữa phố. Hay gọi là máy nước. Hồi đó dân cũng không đông, không nhiều hàng quán như bây giờ, cho nên cái máy nước chảy lờ đờ ấy cũng đủ dùng cho cả khu phố. Người ta xếp hàng nhau đợi đến lượt, hứng nước vào thùng tôn rồi gánh về nhà. Nói đến đây lại nhớ cái ngày nghề làm thùng tôn gánh nước phát đạt thế nào.

Tôi gánh nước lần đầu tiên năm 12 tuổi, tôi để cái đòn gánh nằm giữa gáy, còng còng cái lưng gánh đôi thùng nước nặng trĩu, đôi thùng nó đung đưa bên này , bên kia khiến tôi hay mất đà loạng quoạng theo như người say rượu. Nhà tôi cách cái máy nước công cộng 50 mét. Giờ nhìn ngắn tẹo nhưng lúc nhỏ gánh nước thật xa.

Bố tôi đi làm về thấy tôi gánh nước, ông dựng xe bên tường nhà hàng xóm. Đỡ lấy gánh nước rồi gánh trên vai ông, đi rất nhẹ nhàng thư thả, bố tôi nói.

Đã gọi là gánh, là phải gánh bằng vai con ạ. Người đàn ông sinh ra đôi vai để gánh vác mọi việc nữa.

Sau lần bố dạy, tôi gánh bằng vai, đầu tiên đau lắm, cái cơ trên vai của tuổi 12 ít bắp thịt, đòn gánh đè xuống tận xương quai xanh đau điếng. Được mấy hôm tôi xoa vai nói với bố.

Bố ơi ! Gánh nước bằng vai đau lắm bố ạ.

Gánh nước. Ảnh On the net
Gánh nước. Ảnh On the net

Bố tôi xoa dầu trên đôi vai tôi, bố bảo cố gắng lên con. Sẽ quen dần, phải tập gánh bằng vai mới đúng cách và nhẹ nhàng, tối hôm đó bố ngồi uống trà, hút thuốc lào bằng cái điếu bát. Bố nói về đôi vai, bố nói nhiều nhiều, bố nói đôi vai của người đàn ông phải gánh nhiều trọng trách, gánh cơm áo cho gia đình, gánh cho họ hàng, cho bạn bè…nữa.

Tôi nghe nhưng buồn ngủ, chả hiểu gì về những gánh nặng của đôi vai ngoài hai cái thùng tôn đựng nước.

Năm sau bố tôi mắc đường ống nước về nhà, mất 5 chỉ vàng. Nhà tôi mắc đầu tiên ở phố, lúc đó không có đồng hồ nước mà người ta tính khoán theo đầu người. Cái máy nước nhà tôi cũng trở thành máy công cộng vì hàng xóm hay sang lấy nhờ cho gần, hoặc máy công cộng đông người. Tôi còn trẻ con, thấy người ta xin nhà mình nên thích ra oai. Lúc tôi cho người này, lúc tôi không cho người kia. Bố tôi ban ngày đi làm, có lần trưa ông về.Thấy có người gánh thùng không từ nhà tôi đi ra máy công cộng. Ông hỏi thì biết là tôi không cho. Bố vào nhà, ngồi bàn uống nước một lúc, sau gọi tôi lên hỏi vì sao không cho người ta lấy nước. Tôi nói tôi không ưa người đó vì họ ngứa mắt. Bố dùng cái ống đồng hay hút điếu bát bắt, tôi nằm xuống quật cho một trận lằn hết hai mông đít.Bố mắng

Mày sống ích kỷ như thế về sau chả ra gì đâu, tao phải đánh cho mày biết thương người khác. Lúc mày gánh nước mày đau vai mày có nghĩ người khác cũng thế không ?

Sau đận ấy, tôi không bao giờ tỏ thái độ khó chịu khi người ta gọi cửa xin nước, thậm chí tôi còn mở toang cửa cho ai vào lấy thì lấy. Có người còn mua ống cao su thòng ra ngoài đường ngồi giặt cùng với mấy người nữa. Họ chuyện trò tự nhiên râm ran. Tôi nghĩ chả biết bố tôi cho họ dùng nước của máy nhà mình làm gì, sao họ không bỏ tiền ra mà mắc đường ống nước về nhà. Tôi hỏi bố tôi vậy, bố nói

Họ có tiền thì đã mắc, việc gì xin mình nữa. Họ không có họ mới làm phiền mình thế thôi con ạ. Sau này thế nào các nhà cũng mắc nước hết, lúc ấy mình có muốn cho họ cũng chả được nữa. Lúc nào làm được gì tốt cho mọi người thì nên làm con ạ.Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau là vậy.

Đúng như bố tôi nói, mấy năm sau nhiều nhà mắc đường nước về, thêm thời gian nữa hầu như các gia đình trong phố mắc nước hết. Cái máy công cộng bị phá đi, san phẳng.

Chẳng còn ai sang nhà tôi xin nước.

Chẳng còn những lúc tấp nập người lấy nước hay giặt quần áo bên hông nhà tôi.

Cái vòi nước nhà tôi hình như nó cũng buồn, nó lẻ loi. Bố tôi xây cái bể nước bằng xi măng, cái vòi nước cũ nâng cao lên chảy vào trong bể. Nhà tôi dùng nước ở vòi bể xi măng. Bố làm thế vừa trữ nước vừa cho cặn lắng xuống. Cái vòi nước cũ trước kia suốt ngày chả róc rách liên tục vào những đôi thùng, chậu, xô của mọi nhà xung quanh, nay hết tác dụng bị bỏ đi.

Bố tôi mua mảnh đất ven sông, trồng rau, chuối.. thỉnh thoảng về phố mang theo những thứ bố trồng cho nhà ăn. Mỗi lần bố về hàng xóm ai cũng hớn hở gật đầu, tươi cười chào , hỏi thăm bố.

Bố tôi mất đi đến mấy năm, hàng xóm những người cao tuổi vẫn khen bố là người hiền lành, tốt tính, giản dị và khiêm tốn.

Nhưng lúc bố tôi mới mất đi, cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác. Đôi vai tôi không gánh nổi số phận của mình. Lúc ấy tôi mới hiểu thấm thía, đôi vai của người đàn ông gánh vác những thứ khác không dễ dàng. Và cuộc đời của đôi vai không chỉ là hai thùng gánh nước.

Có những lần tôi gánh rau ra chợ bán, quãng đường hơn một cây số. Đường đất đá gập gềnh, gánh rau nặng hơn 1 tạ. Bàn chân đất dẫm trên nhưng viên sỏi lổn nhổn nhưng bước chân tôi đi vững chắc. Mỗi lần nghỉ chân tôi thường vào quán nước quen, bà chủ quán có cô gái tên là Hoa học lớp 12. Hoa thường hỏi trêu tôi.

Trai Hà Nội phải làm thế này có khổ không anh ?

Tôi chỉ vào bộ quần áo xám sờn cũ kỹ, cái loại màu không có bất cứ người dân thường nào mặc. Chỉ có lũ chúng tôi buộc phải mặc, tôi nói .

Chiếc áo này không phân biệt vùng miền em ạ. Những người mặc nó quê hay thành phố đều như nhau thôi.

Hoa rất có cảm tình với tôi, có lần tôi ốm.Thằng Thắng người Thanh Hoá đi gánh rau thay, về nó kể.

Cái Hoa nó nghe thấy mày ốm, mặt nó hốt hoảng, nó hỏi mày có sao không, có thuốc men gì. Nó gửi cho mày hộp sữa đấy.

Khỏi ốm tôi không phải gánh rau ra chợ qua nhà Hoa, tôi diện bộ quần áo mới, áo có cổ, có túi, khuy áo như áo vét. Tuy vẫn là áo bà ba xám, nhưng bằng chất vải lanh mịn màng, trông cũng lịch sự lắm. Tuyệt nhất là tôi vẫn được nhởn nhơ đi lại, ghé qua quán nhà Hoa. Chúng tôi thường rủ rỉ trò chuyện về tình yêu, về cuộc sống. Dẫu màu áo tôi luôn một màu cách biệt khác người, nhưng tôi vẫn là một chàng trai hơn hai mươi tuổi chưa một lần yêu.

Hoa học đâu cách xem bói tay, bói nói linh tinh. Cầm tay tôi Hoa bảo số tôi sau này rất tốt,thành đạt và giàu có. Tôi chả tin kiểu thấy bói học cấp 3 như Hoa.Nhưng tôi vẫn cầm bàn tay Hoa rất lâu, nắm chặt nhìn nhau. Tôi nhận thấy niềm tin về những điều Hoa nói ở trong sự ấm nóng của tay Hoa truyền sang.

Có đợt cảnh sát mới về đây, có một chàng cảnh sát hơn tôi khoảng vài tuổi. Anh ta cũng hay ghé quán nhà Hoa chơi. Tôi hạn chế gặp Hoa hơn, chỉ tí buổi chiều hay sáng. Anh cảnh sát nửa đùa, nửa thật gọi mẹ Hoa là mẹ vợ. Tránh anh ấy mãi rồi cũng bị anh cảnh sát bắt gặp khi tôi bổ túc cho Hoa phân tích một bài văn. Anh ấy trừng mắt nói

Thằng kia, tao mà thấy mày ở đây lần nữa là đừng trách.

Tôi bị cấm đi con đường qua quán nhà Hoa, lần ấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Hoa. Vài lần Hoa nhắn người hỏi thăm tôi, nhưng tôi không trả lời.

Tôi muốn an phận trong màu áo xám, bởi thế tôi không dám gánh tình cảm của em.

Mười mấy năm sau. Tôi có vợ và con nhỏ, cơm áo, gạo tiền hối thúc hàng ngày. Đôi vai tôi quần quật lao động để trang trải. Còn anh, chị , cậu ài, người máu mủ gần gánh đỡ nhiều , người họ hàng xa gánh đỡ ít.

Năm năm tháng tháng, đôi vai chưa lúc nào ngơi nghỉ. Người đàn ông trong đời phải gánh vác thật nhiều thứ , tiền bạc, tình cảm, lương tâm và trách nhiệm. Gánh nào cũng không hề nhẹ. Đôi khi trong đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ bâng quơ, chạnh nghĩ gánh nước và gánh rau năm nào thật nhẹ nhàng so với những gánh khác sau này.

Ông Bình đọc xong, tháo kính lau, ông rót trà uống ngẫm nghĩ hồi lâu. Ông thở dài, gõ ngón tay lên tập giấy.

- Anh là người tốt, anh sống rất có nội tâm. Tôi nghĩ hoàn cảnh đưa anh vào đây thôi.

Tôi không nói gì, ông ta hỏi tiếp.

- Cái Hoa trong truyện này con bà T ngoài cổng phải không?

Tôi gật đầu.

Ông nói.

- Lính mới ra trường, cũng thanh niên cả. Tính khí cũng nóng, hồi tôi mới ra trường về làm trại Phú Sơn, cũng nóng tính lắm. Sau này mới hiểu dần cuộc đời. Thôi uống nước đi.

Ông ta ngắm tôi, rồi bật cười.

- Anh Hiếu này, tôi nghĩ anh là người nghĩa khí đấy. Không phải đọc những gì anh viết đâu, tôi nhìn người tôi biết. Tôi gọi anh lên đây để hỏi về những vấn đề xảy ra trong trại mà anh thấy. Thôi thì tôi nghĩ anh vì ông quản giáo của anh mà bỏ qua, ở đâu cũng có chuyện này, chuyện kia . Không cái gì toàn vẹn được.

Tôi gật đầu thưa.

- Dạ, vâng thưa ban.

Ông đứng dậy vỗ vai tôi nói.

- Vậy là anh hiểu rồi, thôi anh về buồng, thực ra chỗ đó là yên tĩnh và bình yên nhất đấy. Chỉ thiếu đồ sinh hoạt thì sẽ cải thiện cho anh.

Trực trại đưa tôi về buồng kiên giam. Ông hỏi.

- Cần chay loanh quanh lấy đồ đạc gì cứ chạy đi, chiều tối quay lại vào buồng cũng được.

Tôi đi khắp trại tìm bạn bè, hỏi han, về buồng đội cũ lấy đồ của mình. Đến chiều vào buồng kiên giam, tôi nói với trực trại.

- Thầy cho thằng Lợi nó mang đồ tiếp tế cho em.

Trực trại gật đầu. Từ đó cuộc sống tôi khá sung túc vì thằng Lợi nhớ ơn tôi, và nhà tôi cũng gửi đồ. Tôi sống yên bình cho đến ngày cuối cùng ra khỏi tù, lúc đó trời đã vào thu, trời mát mẻ.
 
Trước khi nhận giấy ra trại tù, ban Bình lại gọi tôi vào nói chuyện. Ông chúc tôi có cuộc sống tốt và không phải bao giờ quay lại đây. Tôi cám ơn, ông chìa tay để bắt tay tôi nói.

- Giờ anh là người tự do, cho tôi bắt tay anh một cái nào.

Ông chỉ tay mời tôi ngồi xuống ghế. Ông luống cuống giây lát, chắc ông tìm cách nói chuyện với tôi thế nào cho hợp lý. Chỉ còn vài phút nữa ông ấy chả còn quyền gì với tôi, có khi ngay tại bây giờ tôi chưa cầm lệnh tha. ông ấy cũng chẳng còn quyền gì. Hơn nữa khi tôi còn án tù, tính mạng ở trong tay ông ta tôi còn không sợ, bây giờ tất nhiên lại càng không.

Ông suy nghĩ một lát rồi bắt đầu nói.

- Hôm nay anh về, tôi đại diện cho trại cũng có đôi lời, trước là chúc anh trở về với gia đình, có được tương lai ổn định.

Ông đưa chén nước cho tôi, giọng ông trầm như giãi bày tâm sự.

- Anh biết đấy, ở đâu cũng có mặt này, mặt khác. Cán bộ của trại thì đông, phạm nhân cũng đông, khó lúc nào mà làm đúng hết được. Đôi khi cũng có người xuê xoa thế này, thế kia. Nhưng nói về cá nhân anh trong thời gian ở đây với chúng tôi, tôi thấy anh được đối xử cũng không có vấn đề gì. Chỉ có giai đoạn sau này có đôi chỗ hiểu nhầm…

Tôi cắt lời.

- Thưa ban, chuyện này ban đã nói rồi, những lần trước em không phản đối, giờ lúc em về em cũng không phản đối. Em không dính gì đến những đơn từ khiếu nại về trại, đó là điều em hứa chắc chắn với ban.

Ông Bình dãn nét mặt, cười tươi, đứng dậy bắt tay tôi.

Tôi đi ra cổng trại, mùa thu, trời xanh, nắng nhẹ, gió hiu hiu, cánh đồng lúa vàng tái chỉ vài hôm nữa là vào vụ gặt. Người trực cổng trại cuối cùng xem tờ giấy ra trại của tôi nói.

- Án lâu nhỉ?

Tôi cầm tờ giấy ra trại cất vào túi, bỗng bật cười. Nhiều lần tôi đã đi qua cái cổng này ra ngoài đường mà không cần giấy tờ, chỉ cần chào người gác cổng. Làm ở đội rau bên ngoài, nhiều lúc tôi phải đi ra đi vào trại để nhập rau, lấy phân bón, lúc đầu còn có quản giáo dẫn giải. Sau các gác cổng nhẵn mặt , tôi cứ thế đi ra đi vào cả năm trời có bao giờ trình giấy đâu.

Nhưng lần trình giấy duy nhất lại là lần cuối cùng tôi ra khỏi cổng trại ấy.

Tôi đi ngang qua nhà Hoa, ghé vào ngồi uống cốc nước. Cảm giác làm người tự do khó tả, vừa lâng lâng sung sướng, vừa thoáng thoáng nhớ nơi đây.

Tuấn Còi đến đón tôi, Tuấn Còi kém tôi 10 tuổi, lúc nó mới vào đội tôi giúp đỡ nó nhiều. Nó về sớm, vẫn nhớ ngày tôi hết án để đến trại đón tôi. Sau này Tuấn Còi lại đi thêm 10 năm tù vì tội trấn lột, không biết bây giờ nó thế nào. Trại tù không phải là nơi giáo dục cho kẻ lầm đường, nó là nơi để kẻ lầm đường học lại những bài học mới để tiếp tục sai lầm lớn hơn. Bởi thế tỉ lệ số phạm nhân quay lại nhà tù rất cao, Lâm Thần Đèn là ví dụ.

Lâm Thần Đèn cao to, hắn phải cao tầm 1 mét 80, da đen, mồm vẩu, tóc xoăn. Mẹ Lâm Thần Đèn lai Tây da đen. Người ta đồn bà ngoại hắn bị Tây đen hiếp, đẻ ra mẹ hắn. Những năm đầu 80 ở bến xe điện Bờ Hồ mẹ Lâm Thần Đèn bán nước rong, nếu ai là người Hà Nội chắc nhớ một gia đình là một phụ nữ lai đen, tóc xoăn tít dẫn theo mấy đứa con bán nước chè quan quẩn khu đền Ngọc Sơn, ga tàu điện Bờ Hồ, đài phun nước.

Lâm Thần Đèn tội trộm xe đạp, dân tù gọi là “bắn chim sẻ”. Án vặt, bị kết án có 8 tháng tù giam, ở trong tù tiền gia đình tiếp tế Lâm đều dùng mua thuốc phiện chích. Có lần ngồi giữa buồng giam chích xong phê, nó chửi.

- Đm ở xã hội, chích choác bị bắt liền, ngồi đây yên tâm chích thoải mái, có công an canh cho mà chích.

Tất nhiên nếu công an trại mà thấy Lâm chích, thì hắn sẽ đi cùm. Hắn nói canh ở đây là canh giữ nhà tù, chứ không phải canh cho hắn chích. Tuy nhiên thì thuốc phiện mua và dùng trong trại thì khá tự do, sướng hơn bên ngoài nhiều. Phạm nhân đợi giờ điểm buồng xong, trực trại khoá cửa buồng là tha hồ đun nấu, chích choác. Có nơi nào mà khó xâm nhập được hơn buồng giam cơ chứ.

Phê thuốc, Lâm nằm lim rim chửi đổng cuộc đời.

- Đm tù thế này thì về xã hội làm gì cơ chứ, về rồi cũng phải đi “cổn” tiền mua thuốc, cũng lại vào đây. Thà ở mẹ luôn đây mà vẫn có thuốc, vẫn có ăn sướng hơn không, đi đi lại lại làm gì.

Lâm Thần Đèn là “lái xe” cho đội trưởng, lái xe tức là người phục vụ, giặt quần áo, cơm nước, hầu hạ. Bù lại Lâm không phải lao động, không phải mất tiền ăn vì đồ ăn của đội trưởng thừa mứa. Tiền gia đình tiếp tế Lâm chỉ tiêu cho việc mua thuốc phiện. Cái xó của Lâm khuất góc, ở chỗ đó nó tha hồ chích, tha hồ chửi đổng. Mỗi khi hầu hạ đội trưởng xong xuôi, buông màn cho đội trưởng là công việc cuối cùng trong ngày.

Lâm thần đèn hết án, hôm ấy đúng chủ nhật, cả đội ở trong buồng không đi làm bên ngoài trại. Trực trại gọi tên, Lâm đi ra giữa sân giơ tay vẫy hét.

- Anh em mạnh khoẻ, hẹn gặp lại nhé, cố gắng cải tạo nhé, nhé nhé.

Bọn bên trong đáp lại.

- Về mạnh khoẻ nhé, nhớ anh em thì lại vào nhé nhé nhé.

Lâm thần đèn cười tươi, giờ thì mặt mũi nó sáng bừng, không còn cái vẻ rón rén mọi khi vẫn hầu hạ đội trưởng nữa. Nó đã là người “xã hội”.

Ba tháng sau, một đợt “lính mới” từ “Hoả Lò” xuống trại. Đội đi làm về đàng xếp hàng đôi qua cổng trại, bỗng một thằng chỉ đám lính mới kêu.

- Lâm thần đèn kìa.

Cả đội dướn mắt nhìn, dáng Lâm cao, đen lừng lững trong đám “lính mới” chả lẫn vào đâu được. Mấy hôm học nội quy xong, Lâm lại được phân về đội cũ. Đội trưởng đã có “lái xe” mới, Lâm thần đèn đành lủi thủi ra ruộng cuốc đất, tưới rau như bao người. Phải lao động, ăn uống không được miễn phí như xưa, tiền phải dành mua thuốc chích. Lao động thì nặng, ăn toàn cơm với lạc rang, muối vừng và có đồng nào là chích đồng ấy. Lâm Thần Đèn gầy nhẳng, vêu vao. Bọn tù bảo giờ gọi là Lâm Bàn Đèn, không gọi là Thần Đèn nữa.

Lâm Thần Đèn về nhà được đúng một tuần thì lại bị bắt lại, vẫn tội “bắn chim sẻ” vì tái phạm nên lần này toà xử 12 tháng. Hơn lần cũ 4 tháng. Thời gian trôi lại đến ngày Lâm Thần Đèn hết án. Lần này nó được gọi ra từ sớm, lúc đội chuẩn bị đi làm. Tiếng chia tay lại ầm ĩ. Lâm lần này chia tay có vẻ văn hoa hơn lần trước.

- Về nhé, chào các bác em ngược, các bác ở lại gắng cải tạo làm công dân tốt, có ích cho xã hội nhé. Thực hiện 4 tiêu chuẩn cải tạo tốt để hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước nhé.

Bọn tù lại lâu nhâu đáp.

- Về xong lại vào Lâm nhé, đến hẹn lại lên Lâm nhé….

Những tiếng nhé nhé nhé vàng rên sân trại.

Lần thứ hai Lâm về, nhiều kẻ ngậm ngùi. Dù sao Lâm cũng về nhà đến hai lần, trong khi ấy bao nhiêu kẻ ở đây ngày về còn mịt mù xa tắp. Chứng kiến đồng đội hai lần về với xã hội, khỏi nói thì cũng hiểu trong sâu thẳm những kẻ tội phạm này nỗi nhớ day dứt nhà, nhớ người thân đến đâu.

Vẫn là tầm ba tháng sau, Lâm Thần Đèn lại vào trại cải tạo. Nó kể bị bắt được đúng lúc về là 20 hôm, ăn cắp đến cái xe đạp thứ 4 thì bị túm, lấy của con hàng rau, chở cả rau đi. Nhưng vì vật thuốc, xe rau nặng đạp không nổi. Bị phát hiện cuống cuồng đạp mấy chục mét thì ngã lăn quay , tay chân run lẩy bẩy. Nó chép miệng nói giá như lúc ấy đủ thuốc thì đừng hòng đuổi được nó. Lần này thì 16 tháng, lại hơn lần trước 4 tháng. Lâm thần đèn vì án vặt lên xử rất nhanh, sau khi bắt chỉ một tháng là xử. Có án toà là nó xin được đi trại cải tạo luôn, nó biết xuống trại cải tạo nhanh còn xoay sở chứ ở trong buồng tạm giam thì có mà “bóp dái” (tức là khổ đủ mọi thứ) chết.

Lại chích, lại xoay sở để có cái chích. Lần này Lâm thần đèn khôn hơn, nó đã biết lợi dụng đi làm bên ngoài để mua thuốc phiện của dân rồi về bán lại cho bọn tù trong trại không được đi làm bên ngoài. Biết tích vốn để phòng ngày mai, ngày kia…lại còn biết làm “luật” với tù “thi đua”, tù “trật tự” để việc mua bán êm xuôi. Một đêm Lâm ngồi kiểm tiền, tất cả phải đến gần 2 triệu tiền mặt. Tôi lại gần xem nó đếm tiền, những cử chỉ vuốt tiền cho phẳng, ngắm nghía xếp loại tiền nào ra tiền ấy ngay tại trong nhà tù khiến tôi thấy nó như lão hà tiện trong truyện của Bandac, ngẩng đầu thấy tôi, nó bảo.

- Làm một nhát chứ, tôi đãi ông.

Tôi lắc đầu, Lâm chửi.

- Đm tôi là thằng toà, tôi phải xử ông nặng gấp 3 lần. Ông đéo nghiện, đéo cờ bạc, đéo ăn chơi thì ông vì cái gì mà phải vào tù. Như thân tôi nghiện ngập mới phải xoay sở đến nỗi vào đây.

Tôi hỏi Lâm một điều tôi vẫn băn khoăn, đó là khi bị bắt, ở trong buồng tạm giam quận, hoả lò những ngày đầu lấy đâu ra thuốc mà nó vẫn chịu được. Như tôi hiểu thì cơn nghiện chỉ hành hạ con nghiện mấy ngày đầu, chừng 1 tuần là nhiều, vật vã, đau bụng, ỉa chảy …rồi hết bay rất nhanh. Một tuần sau con nghiện trở thành người bình thường dù chả có loại thuốc nào hỗ trợ, mấy cái loại thuốc lá thần dược, rồi Bi Min cái nghiện gì đó đều vớ vẩn hết. Tôi từng chứng kiến và khẳng định chắc chắn rằng cứ bị nhốt một tuần đổ ra không có thuốc là cai được hết, khoẻ hết. Tôi kể điều ấy cho nó nghe và hỏi:

- Tại sao mày lại không bỏ luôn lại dùng, khi chuyện bỏ cũng không khó, cũng bỏ được đấy thôi? Mày phải bỏ được nghiện thì mới không bị vào đây nữa.

Lâm thần đèn thở dài, nó bảo:

- Ông có nghiện đâu mà biết, khi không có thì tự sẽ cai được, nhưng khi thấy có thằng dùng thì không thể nào nhịn được nữa. Tốt nhất đừng có nghiện, mà nghiện rồi thì miễn trả lời tại sao.

Lần thứ ba, tôi chứng kiến Lâm Thần Đèn hết án ra về. Lại xôn xao khắp trại, giờ ai cũng biết tiếng tăm Lâm Thần Đèn vì đạt kỷ lục về ra vào trong thời gian ngắn nhất.

Mười mấy năm sau đó, không bao giờ tôi thấy Lâm Thần Đèn, nhiều khi đi qua khu nhà nó cố nán lại hàng nước xem có nó không. Chả dám hỏi hàng xóm về nó, cứ ngồi mong tình cờ thấy thì gọi, không thấy thì thôi.
 
đọc văn tù rất cuốn . mà thằng nào chê dài chứ bộ tù nào có ngắn đâu
 
Nghiện là khổ lắm , nhà tao ở xóm thuốc nghiện vào nhiều vl . Nhưng bỗng đến 1 ngày vắng vl hoá ra là chết hoăch nghiện cái khác phê hơn , toàn mấy ông 8x
Thế mà ra đời va chạm tao mới biết đc có 1 thằng sn 92 còn nghiện hê
 
link full thằng nào thích thì vào đọc nhé, vẫn đang viết tiếp.

truyện trên fb này là phần viết riêng hồi ức về tuổi 20 đến 27. đầy đủ và chi tiết hơn so với trong truyện từ ngõ phất lộc tới weimar.
 
Top