Hồi ký của một người tù (copy Hiếu gió)

Tuổi Hai Mươi- Phần 1.

...............................

Năm ấy tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà, tôi ở với bố tôi căn nhà bên sông Hồng, ở bãi Phúc Tân. Đó là một căn nhà cấp 4, mái ngói đỏ, kiểu nhà phổ biến ở các vùng quê. Có một khoảng vườn đằng trước, một vạt sân và một khoảnh vườn đằng sau, một chái bếp vách nứa, mái rạ. Có cái chum đựng nước mưa. Tuy rằng nó chỉ cách nhà Phất Lộc tầm 800 mét, nhưng cảnh vật y như quê.

Tôi xin đi làm được ở một chỗ làm ép cao su, người ta gọi văn hoa là lưu hoá. Công việc là ép má phanh, ép lốp, dây cua roa và cả dép cao su.

Ông chủ cơ sở nghiện thuốc phiệ.n, chỉ có hai người thợ làm là tôi và anh Thảo, ông chủ chỉ về lấy hàng mang đi đổ hay mang vật liệu về, dặn chúng tôi làm gì rồi ông đi. Nói là ông chủ nhưng chỉ hơn tôi vài tuổi. Có lúc về thì ông chủ mắt lim dim, mơ màng ngồi một chỗ.

Thuốc phiệ.n ngày ấy rẻ, 3 bi thuốc phiện bằng một bao thuốc lá. Nhưng ông chủ lại thêm món xóc đĩa, chẳng mấy chốc hết vốn và phá sản.

Xóc đĩa và thuốc phiệ.n là hai thú chơi phổi biến của lứa thanh niên vào những năm 85 đến 95.

Bố tôi bảo tôi về quê Đình Bảng học nghề thịt lợn , học thêm cả nghề mộc bên làng Đồng Kỵ. Câu chuyện này tôi đã viết nên chỉ kể sơ qua.

Lúc tôi ở quê thì bố tôi mất. Tôi về lại căn nhà ở ven sông, ở một mình.

Năm ấy tôi sắp tròn 21 tuổi.

Tôi tìm gặp anh Thảo, người làm cao su trước kia với mình để xem có việc gì làm, anh dẫn tôi đến bàn đèn của anh Tiến Lợn chỗ bãi Long Biên gặp mấy anh em làm bến bãi. Dạo đó dân giang hồ thường làm bến bãi. Bất cứ ở đâu cũng thành bến, thi tiền bốc vác bảo kê. Mấy anh em kia tên Huy, Chính M làm ở phố Lãn Ông. Hàng ngày các xe xích lô chở thuốc đến hay đi đều thu tiền theo bao.

Các anh nói ở chỗ các anh thừa người, không nhận thêm được.

Anh Tiến Lợn than dạo này hàng mua khó ( hàng tức thuốc p.hiện). Tôi chợt nhớ ở đơn vị mình có thằng Khoa người Nghệ An, lúc nào nó cũng có tiền tiêu pha thuộc loại khá giả nhất đơn vị, Khoa nói với tôi nhà nó buôn thuốc phi.ện, tôi nhớ có lần nó về phép rủ thằng Tiến ở Hàng Thiếc về cùng. Tôi nói anh Tiến Lợn có thể có nguồn mua.

Tôi đến nhà thằng Tiến, hỏi địa chỉ nhà thằng Khoa, nó vẽ đường cho tôi.

Tôi về nhà hỏi mẹ bố có để lại ít tiền nào để tôi làm vốn không. Mẹ tôi lắc đầu bảo không. Thôi con đến vay dì xem sao.

Dì tôi cho tôi mượn 2 chỉ vàng. Tôi bán đi được hơn 1 triệu. Nhảy xe vào Nghệ An, tìm đến nhà thằng Khoa.

Khoa gặp tôi nó mừng, thết đãi người bạn cùng quân ngũ cũng đâu ra đó, khi tôi ngỏ chuyện muốn mua hàng. Nó bảo nhà nó giờ đã chuyển sang buôn gỗ, nhưng nó cũng giới thiệu cho tôi nhà người quen. Tôi mua được 8 lạng thuốc phiệ.n giá 1 triệu, dắt vào người rồi nhảy xe về Hà Nội.

Tiến Lợn xem hàng rất kỹ, sau này tôi mới biết anh ta chẳng kinh nghiệm mẹ gì trong việc mua hàng sống, anh ta chỉ hút xong mới biết hàng tốt hay không, lúc đó anh ta ra vẻ xem để dìm hàng tôi. Xem xong anh ta trút luôn 8 lạng của tôi vào nồi và nấu. Chẳng nói gì đến chuyện trả tiền.

Một ngày anh nấu xong, hút thử hai chục điếu, nói hàng này cũng thường.

Khách đến hút, anh ta đổ những viên thuốc ph.iện nhỏ ra đánh cho họ hút. Khách khen hàng đợt này được. Anh ta cũng chẳng nói đến chuyện trả tôi tiền, buộc lòng tôi phải ở nhà anh ta chờ tiền. Khoảng một tuần anh ta trả tôi 1, 5 triệu.

Hoá ra Tiến Lợn chẳng có tiền vốn gì cả, khách người ta mua thuốc phiệ.n đóng túi nylon ở Đào Duy Từ đến chỗ anh ta hút, trả công tiền chỗ bằng bằng tỷ lệ 3 và 7. Họ hút 7 điếu cho anh ấy 3. Nhờ có 8 lạng thuốc phiện của tôi mà anh ta có số vốn nhanh chóng trong vòng nửa tháng.

Tiến Lợn là thương binh chống Mỹ, anh ta ỷ thế thương binh bị bệnh tật, hút thuốc phiệ.n giảm đau. Công an cũng chẳng làm gì gay gắt, họ biết nhưng chỉ nhắc nhở và chẳng làm khó gì anh ta mấy.

Mỗi tháng anh ta lấy 1 lần, 1 lần chỉ 1 cân, tôi được lãi 500 nghìn. Tôi thấy cần làm gì thêm, nên nấu thuốc phiện và cắt thành từng viên nhỏ, đóng túi nylon loại 20,30,50 giao cho ông Cường Qùe bán ở gốc cây bàng ngã ba Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ.

Cái gốc cây bàng ấy nổi tiếng đến nỗi nó thành một địa danh của dân nghiện, cứ nói đến Gốc Cây Bàng là lẽ ra phải viết hoa, quanh gốc cây bàng ấy là nhà tiêm chích, nhà bàn đèn, nhà bán mang về như một trung tâm phục vụ con nghiện ở đất Hà Nội. Dân nghiện gọi đó làm Tam Giác Vàng vào đầu những năm 90.

Dân nghiện bàn đèn có nhiều loại, nhưng họ thường khá giả hơn dân hút. Trong đám dân nghiện hút có những người làm cán bộ, là chủ cơ sở sản xuất, là chủ cửa hàng, có cả nhà văn hay nhà báo hoặc những tay giang hồ anh chị có số má như Đội Tường, Phúc Phật, Cương Lùn..và có cả công tử con một như thằng Hiệp bên Ba Lan bây giờ, thằng Hiệp mà năm 2016 cầm của tôi số đồng hồ trị giá 50 nghìn euro đưa cho ông Thích Minh Hiền trụ trì ở chùa Hương, giờ vẫn chưa đòi được ông ấy tiền.

Tôi không phải người buôn lớn, tôi làm đủ sống và dư dật chút, có nhiều thời gian. Tôi mua sách đọc, tôi ham đọc sách từ nhỏ, bẵng đi vài năm đi quân đội không đọc. Lúc đó có thời gian, tôi đọc rất nhiều, sách mua về phải đóng mấy giá đựng. Trong căn nhà cấp 4 ở ven sông ấy, chẳng có gì giá trị, tôi nấu ăn bằng bếp dầu, có mấy cái nồi nhôm đen đúa và mấy cái bát và một cái xe đạp Pơ Giô nam màu đen bố tôi để lại treo ở trong bếp, vì chẳng còn mấy ai đi xe đạp nữa.

Có lẽ cái xe đạp ấy là của bố tôi để lại cho tôi, có người trả tôi 90 nghìn, tức bằng khoảng 1 phần 5 chỉ vàng. Nhưng tôi không bán, tôi treo nó để nhớ bố tôi.

Một ngày tôi về không thấy cái xe, chắc trộm đã trèo tường vào lấy nó đi, tôi cũng không tiếc lắm về giá trị, chỉ áy náy là xe của bố đi mà mất. Sau này khi làm giám đốc công ty quảng cáo, có tiền tôi cũng cố lùng mua cái xe như thế không được. Mãi đến năm 2021 thấy ở Pháp có người bán cái xe như thế, tôi đã sang tận nơi mua và gửi về cho anh chị tôi, nói hãy giữ cái xe đó với căn nhà mà bố tôi đã di chúc cho tôi.

Ở bàn đèn người ta hay xích mích, khách nhiều khi giận chủ lò chuyển sang lò khác hút. Tiến Lợn lúc không có vị gì thì ngon ngọt, lúc có điều kiện lại giọng kênh kiệu khinh người. Mấy anh em làm bến Lãn Ông giận bỏ đi, họ gặp tôi bảo hay là mày mở mẹ bàn đèn ở nhà đi, nhà mày rộng, không có ai. Cho anh em có chỗ tụ tập.

Tôi nghe có lý, vì cũng rảnh, thế là tôi sắm bàn đèn.

Ở tuổi 21, tôi trở thành một huyền thoại.

Có điều đó là huyền thoại trong làng bàn đèn thuốc ph.iện. Tôi là người duy nhất mở bàn đèn mà không bao giờ hút một điếu thuốc phiệ.n nào, không có ai bằng tuôi tôi có thể nhìn bằng mắt thường hàng sống mà đánh giá được chất lượng của thuốc phiện khi thành điều hút. Có vô vàn loại hàng từ các vùng như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thượng Lào, Hạ Lào...chúng được gói trong giấy bản, trong túi nylon. Các chủ bàn đèn thường khêu một tí, nấu qua, hút thử đợi một hai tiếng thuốc ngấm mới đánh giá được. Tôi chỉ cần cầm cái que vạch vài nhát và nhìn là đánh giá được. Có tay buôn mang đến 5 kg hỏi tôi mua, tôi nói chỉ mua được 2 kg. Anh ta loay hoay tìm cách chia, tôi bảo đưa cả bọc đây, tôi nâng nâng ướm thử rồi câm kéo cắt một nhát dứt khoát đưa lại cho anh ta. Anh ta cân một chỗ 2 kg, ngạc nhiên anh ta cần chỗ còn lại đúng 3 kg. Anh ta nhìn tôi ngỡ ngàng hỏi.

- Mày là người hay là ma.

Ai cũng nghĩ tôi nghiện, từ lúc đó đến giờ đã 30 năm, nhiều người vẫn nghĩ tôi nghiện.

Nhưng 30 năm qua ấy, chưa có ai nói rằng họ nhìn thấy tôi dùng thuốc phiện bao giờ cả, dù là bất cứ loại ma t.uý gì cũng thế, chẳng ai nhìn thấy tôi dùng.

Mở bàn đèn là một sai lầm, nếu như buôn thì không phải giao tiếp với các người nghiện, chỉ giao dịch với chủ lò hay người bán như ông Cường Què. Mở bàn đèn hàng ngày phải giao tiếp, phục vụ những người nghiện. Khi họ thiếu thuốc, lúc họ phê thuốc hay lúc họ không có tiền, có tiền và đủ thứ chuyện khác nữa như chuyện vợ, bố mẹ họ đến tìm.

Và những đêm đông cô độc, trong căn nhà ven sông, gió bấc rào rạt thổi trên mái nhà, một mình bên ngọn đèn dầu lạc ma mị, liêu trai. Nằm đọc sách dưới ánh sáng của ngọn lửa từ bóng đèn hút thuốc phiệ.n hắt ra. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi không thử làm vài điếu.

Cho đến giờ đã hơn 30 năm qua, ở tuổi đã quá ngũ tuần. Tôi nhận ra được lúc đó mình tránh được cám dỗ bởi có một thứ ngăn cản.

Nghe có vẻ giáo điều và vớ vẩn.

Đó là những cuốn sách mà tôi đã đọc, thứ mà đã ngăn cản tôi không sa vaò những gì tệ nạn và bị nô lệ bởi tệ nạn. Khi tôi đọc chuyện ma thời xưa, có những chàng thư sinh ban đêm chong đèn đọc sách. Những hồn ma không thể hại họ.

Thuốc ph.iện có tên gọi khác là ma tu.ý tức con ma làm hại người ta say mất tri giác.

Có lẽ vì đọc quá nhiều sách, chúng tạo trong con người tôi một tính cách, một bức tường phòng ngự để ngăn những điều tệ hại xâm nhập vào.

Nếu bạn đọc đến đây, cho tôi là hoang tưởng. Nhưng bạn đặt câu hỏi, vậy thứ gì ngăn tôi không trở thành kẻ nghiện ngập ? Trong hoàn cảnh như thế, xuất thân như thế, điều gì ngăn cản tôi không bị tệ nạn cám dỗ?

Thôi, tôi trở lại với tuổi hai mươi của mình, tôi viết để cho mình nhớ lại những thời khắc xa xưa. Tôi sẽ cố gắng mỗi ngày dành thời gian viết một đoạn, tôi sẽ dừng lại ở tuổi 27.

Phần 2


Tuổi hai mươi-phần 2.

Những người khách đến bàn đèn tôi đa số đều là thanh niên. Công việc của họ người làm bến bãi, người lái xe lam và trộm cắp phụ tùng ô tô. Quanh đi quẩn lại cùng toàn anh em quen với nhau. Thường ngày người ta đến vào buổi sáng và tối. Giữa thời gian đó tôi có thể đi chơi hoặc làm việc khác, như đi tìm mối bán buôn.

Anh Khanh Bái lái xe lam, loại xe ba bánh chở khách thịnh hành lúc ấy. Xe đón khách ở bến xe Long Biên đi về các nơi như dạng taxi bây giờ. Tuỳ theo khách, gặp khách quê hay người lành, anh chở nửa đường dừng lại đòi tiền. Lý do tiền đòi thêm là tiền vào bến, tiền qua trạm thu phí và tiền trời ơi gì đó muôn hình muôn vẻ. Khách mà cứng đầu anh lôi thanh sắt dắt sau ghế ngồi ra, người anh ghè vào chân, người anh ghè vào đầu. Đa phần họ đều sợ mà trả tiền như anh muốn cho xong.

Có lần tôi đi với anh, anh bảo tôi, mày giả vờ làm khách, lúc tao doạ lấy tiền, mày vờ sợ trả tiền tao cho chúng nó làm theo.

Một cặp vợ chồng ở tỉnh lên Hà Nội mua tivi nội địa hàng bãi của Nhật, chở từ bến xe Gia Lâm sang đến giữa cầu Chương Dương thì anh dừng lại bảo thu tiền. Anh đòi 5 nghìn một người, trong khi lẽ ra chỉ 2 nghìn một người. Tôi bảo giá chỉ 2 nghìn, anh rút cái gậy sắt ra dí mặt tôi chửi.

- Đm thằng ôn con thích mặc cả không.

Nói rồi anh vụt nhưng trúng vào cái sắt khung sườn xe lam, tiếng sắt va chạm nhau khiến vợ chồng kia mặt xanh lét, tôi móc tiền trả anh 5 nghìn rồi ngồi im thin thít.

Anh quay sang bảo vợ chồng kia trả 15 nghìn, họ ấp úng nói sao 2 nghìn đã thành 5 nghìn một người, giờ 2 người lại là 15 nghìn.

Anh Khanh bảo.

- Đm chúng mày ngoại tỉnh, thỉnh thoảng mới đi, giá nó khác. Người ta ở đây hay đi giá nó khác.

Họ bảo người đâu cũng là người, sao lại ép họ như vậy.

Anh Khanh cầm thanh sắt như chuẩn bị vụt, mắt anh long sòng sọc chửi.

- Thế đccm chúng mày có thấy bọn Tây nó cũng là người, nó đi tàu xe hay vào ăn có giá như người Việt không, lý sự bố cho một nhát bây giờ.

Nói rồi anh cầm cái cây sắt thọc vào hông người ta.

Tôi đưa mắt nhìn họ như bảo thôi trả cho xong. Họ cũng chẳng biết làm gì hơn, đành trả 15 nghìn.

Một ngày anh Khanh kiếm được đến 100 nghìn, anh hút thuốc phi.ện hết 30 nghìn. Anh chỉ khoảng 24,25 tuổi nhưng đã có vợ con. Hàng ngày anh đánh xe lam quanh quẩn dọc phố Nguyễn Văn Cừ, bến xe Long Biên, ngã ba Câù Chui để săn khách. Chẳng biết lúc anh thiếu thuốc, chưa hút thì thế nào. Nhưng anh đến chỗ tôi hút xong, tôi đi cùng anh thì thấy anh linh hoạt, nhanh nhẹn và sục sạo hau háu nhìn những người đi đường mời chào rất tràn trề sinh lực. Anh ngọt ngào chào khách.

- Bác ơi, anh ơi, chị ơi đi đâu em chở cho nhanh, trời nắng chờ xe buýt làm gì, đi xe ôm làm gì, xe em có che nắng, thoáng mát, em chở tận tình đến nơi đến chốn.

Lúc ấy anh tươi tắn, đon đả và lễ phép lắm. Nhưng khách lên xe rồi đi một đoạn thì anh sẽ như đoạn vừa kể trên. Anh còn phanh áo ngực lộ hình xăm con đại bàng và đặc biệt nhất thái độ anh cầm cây sắt khiến người ta cảm giác là anh đã vụt nhiều người rồi chứ không phải là doạ.

Nhưng có lần gặp một bà già, anh liến thoắng u ơi u này, anh chở bà đến nơi và lấy đúng giá 2 nghìn.

Anh nói với tôi, cũng nhìn tùy người mà vặt thôi em à.

Đến một hôm tôi không thấy anh đi làm, anh hút xong nằm thở dài. Hỏi sao không đi làm, anh kể xe đặt rồi, đặt 2 triệu, đánh xóc đĩa thua rồi. Anh bảo đêm nay đi đánh phục thù, một là mất xe thì đi ăn cắp cùng bọn thằng Tuyển. Tối đó anh quay lại, hút xong rồi bảo tôi đi với anh, cầm tiền cho anh.

Anh đưa tôi 7 triệu dắt trong bụng, chúng tôi đi xe ôm lên hàng Giấy, sới xóc đĩa của nhà Oánh Phở.

Dân giang hồ Hà Nội đầu những năm 90 ai cũng biết sới nhà Oánh Phở.

Chúng tôi trả tiền vào cửa, lên trên gác sới bạc đang diễn ra. Ông Hùng Riềm trùm bến Hải Phòng cùng các ông Hùng Lan, Dân Chấn quây quanh và nhiều con bạc khác. Ông Tân Hàng Tre thì ôm bảng vị. So với các ông ấy bọn chúng tôi là tiểu yêu, lên chỉ đứng ở tuyến hai chứ không đủ tuổi ngồi.

Đặt xe 2 triệu, lấy thêm 7 triệu nữa cầm theo, tôi thấy anh Khanh Bái ngồi rón rén đánh cao lắm 2, 3 trăm nghìn một, nghĩ đánh thế này có khi chẳng đủ tiền trả lãi vay và tiền vào cửa, nhìn ngứa mắt nhưng chẳng dám thúc anh ấy đánh bạo tay.

Lúc này bạc đang đổ cả cầu chẵn, mấy cái sấp đôi rồi về sấp bốn, rồi lại sấp đôi và ngửa tư.

Sau tiến ngửa tư cả làng hầu như đánh mặt chẵn, chỉ có một người đánh 200 nghìn bên lẻ.

Cái kiểm tiền xướng.

- Chẵn thừa triệu rưỡi, bán chẵn triệu rưỡi.

Cả làng im lặng, cái hô thêm ba câu, chuẩn bị hô chẵn về thì tôi ở tuyến ba nói.

- Đắt chẵn triệu rưỡi.

Cả làng ngước nhìn tôi, ông Hùng Riềm nhận ra tôi vì ông ấy cũng là dân hút, ông nói.

- Cho nó vào đây chạm bát.

Người ngồi dưới rẽ ra để tôi vào đặt tay lên bát. Ông Khanh Bái mặt xám ngooét, hổn hển nói.

- Thôi đánh vậy thôi nhé.

Tôi gật đầu, ông Tân Hàng Tre cầm bảng vị nói kháy.

- Mở ra xem cái sấp đôi vào mặt.

Tôi quay qua anh Khanh hỏi đánh đâu rồi, anh bảo đánh 200 nghìn bên chẵn. Tôi hỏi anh Hùng Riềm có rút 200 ấy về được không. Tất nhiên thì anh Hùng mừng, vì đang ế chẵn. Tôi cầm 200 ấy lạnh lùng đặt lên bảng vị sâp 1 của anh Tân Hàng Tre.

Tôi hỏi mở được chưa, anh Hùng gật đầu. Tôi gõ vào đít bát nói.

- Lẻ còn thừa 5 triệu.

Lúc ấy cả làng giật mình, chẳng ai nghĩ thằng tiểu tốt như tôi dám thách lại sới. Toàn các anh chị trùm bến, ai cũng kết chẵn rồi mà giờ có thằng ôn con nó thách lại như vậy, để im thì không được. Mấy anh lầm lì không nói, người ném xuống mặt chẵn 1 triệu, người 2 triệu, người ném cái bật lửa ra báo 3 triệu.

Anh Hùng Riềm kiểm mặt chẵn, anh đanh giọng.

- Trước sau tổng cộng chẵn thừa 8 triệu.

Tôi lôi bọc tiền ra nói.

- Em chỉ có sáu triệu rưỡi mang theo thôi.

Bây giờ dân đánh bạc nhiều tiền, đánh một lúc bay cả nhà. Nhưng hồi đó đánh canh bạc tiền đến như vậy cũng là to. Anh Hùng Riềm bảo người báo bật lửa 3 triệu giảm đi nửa, người kia đồng ý.

Tôi chạm vào bát, sới bạc im ắng, tay tôi không run. Tôi nhìn mắt anh Khanh Bái thấy sự tinh anh khi đủ thuốc của anh không còn, thay vào đó là ánh mắt của kẻ mộng du. Anh không thể ngăn tôi được, ở sới bạc toàn những đại ca tên tuổi, không có chuyện lộn xộn giằng co ngăn cản như bạc ngoài đường. Một lời nói ra là không thể lui lại.

Tôi nhẹ nhàng mở bát ra nói.

- Xem ba trắng đây này.

Trên lòng đĩa 3 quân bài hình tròn màu trắng, một quân màu đen.

Ba trắng hay còn gọi là sấp một.

Tôi nhận số tiền anh Hùng Riềm đếm trao, rồi quay ra thu tiền cược vị sấp một của anh Tân Hàng Tre.

Nhận tiền xong , tôi lại khiêm tốn về tuyến hai đứng.

Mấy tiếng bạc qua, tôi không đánh gì, anh Khanh đánh vài trăm lúc được, lúc thua. Cuối cùng anh bảo anh đi về, chúng tôi cùng về.

Ra đến đường, anh Khánh ôm ngực nói.

-Đm tao bây giờ mới hết đau tim, tao sợ mày quá Hiếu ạ.

Tôi cười.

- Thôi gọi xem ôm về nhà em nằm, mai đi lấy xe về đi làm.

Về nhà đếm tiền, mang đi 7 triệu thì mang về 11 triệu. Hoá ra ông Khanh cũng ngại, nên lúc đó đánh đi đánh lại thua thêm mấy triệụ mới đứng dậy đi về, sợ mang tiếng ăn non. Tôi nghĩ anh ấy làm thế cũng phải.

Đêm ấy bên bàn đèn, anh bảo.

- Tao giờ vẫn chưa hoàn hồn, sao mày liều thế, thua tiếng ấy thì sao ?

Tôi bảo.

- Đéo hiểu anh cầm tiền đi sới mà anh lại bảo thua thì sao, đã cầm đi là chấp nhận chơi chỗ ấy, thế anh đặt xe thêm 7 triệu để cầm đi cho oai, hay để đánh vài trăm một cho đến sáng à? Đánh nhiều mụ người chứ làm cái mẹ gì, cờ bạc ăn nhau ở vận, mà đã là vận thì một nhát cũng xong.

Anh Khanh bảo.

- Nhưng mày đi chỉ cầm tiền cho tao thôi mà.

Tôi nói.

- Nếu mà thua thì anh cứ đến đây hút dần, đằng đeo nào mà ngày nào anh chả phải hút. Được thì em đánh hộ anh, thua thì anh đến em cho hút dần trừ nợ.

Anh Khanh chả biết nói gì, cứ nhìn tôi một lúc rồi chép miệng, rồi thở dài.

Sáng tôi cầm số tiền hôm qua đánh bạc kiểm xong đặt cạnh bàn đèn, đưa cho anh bảo anh đi chuộc xe, anh đưa lại tôi một triệu.

Tôi không nhận, tôi bảo nói thế thôi, lúc đó em kết quá, trong đầu đinh ninh sấp một như nhìn thấy, nên cứ thế phang chả nghĩ thua sẽ thế nào, chắc mà thua thì anh chịu chứ đâu phải em. Nên em không cầm đâu , tiếng đó là em đánh hộ anh mà.

Anh cứ dúi bảo cầm lấy lộc, nói mãi tôi chỉ nhận 200 nghìn.

Mấy ngày sau tiếng bạc sấp một ấy được râm ran quanh bàn đèn, lan cả ra ngoài. Ai cũng nghĩ tôi là con bạc gớm lắm. Người ta đồn tôi từng đánh lớn ở trên rừng, nơi có bãi vàng, có bãi đá đỏ.

Anh Khanh lớn tuổi hơn tôi, nhưng từ canh bạc đó, anh đối xử với tôi như người hơn tuổi, làm gì anh cũng hỏi ý kiến tôi và nghe theo.

Trong giới giang hồ nhiều đại ca tên tuổi lừng lẫy, thành tích đâm chém nhiều vô kể. Nhưng ít ai biết rằng vô số tay giang hồ bản chất liều lĩnh và độ ngông cuồng còn hơn rất nhiều. Có điều họ chết sớm vì nhiều lý do, hoặc họ giã từ giang hồ, hoặc bệnh tật hay vùi đời trong nghiện ngập. Nhiều giang hồ đã rời khỏi cuộc đời rất sớm ở tuổi đôi mươi, có người vì gây án lớn phải chịu án tử hình, chung thân khi chỉ ngoài hai mươi tuổi.

Một trong những người như thế đến bàn đèn tôi hút là thằng Tuyển Si nhà ngõ Báo Khánh....
 
Phần 3

Tuổi hai mươi-phần 3.

................................

Tuyển Si đẹp trai, da trắng, vóc dáng to khoẻ và có mái tóc bồng bềnh của ca sĩ Tuấn Vũ. Nó chuyên đi vặt đồ xe ô tô. Ngày ấy ô tô không nhiều, đa số xe ô tô thường quanh quẩn khu vực các trụ sở chính quyền hoặc các toà đại sứ, khu quốc tế, ngoại giao đoàn.

Đêm đến Tuyển Si dắt đồ nghề đi tháo đèn pha, bẻ gương, cậy logo, có lần nó tháo luôn cả cái ba đờ xốc của xe Nisan vác bộ đi từ Nhà Hát Lớn về chỗ tôi mà chẳng gặp chuyện gì.

Người yêu nó là hàng xóm của tôi, cô gái ấy hơn tôi một tuổi, rất xinh. Tôi và cô ấy gọi nhau bằng mày tao. Nhà cô ấy rất nghèo.

Tuyển Si đi ăn cắp lấy tiền hút thuốc phiện và nuôi người yêu. Có lúc không có tiền, nó vay tôi vài trăm nghìn, đến khi lấy được gì nó bán, trả tôi dư thêm một ít gọi là tiền lời.

Nó không thích kết băng đảng như nhiều thằng khác, một mình độc lập tự làm. Gặp va chạm hay mâu thuẫn gì, mình nó thủ dao tự giải quyết kể cả đối thủ có 3 hay 4 người nó cũng chẳng thèm bận tâm. Nhanh nhẹn, hung dữ và liều lĩnh. Khối giang hồ nhìn nó e ngại. Khi đi hành sự, ngoài đồ đạc như kìm, tuốc nơ vít...nó còn lận theo con dao chọc tiết lợn. Gặp người đi đường ban đêm mà thấy nó đang vặt đồ, tính chuyện bắt nó là nó xiên lại kiếm đường chạy thoát.

Vì nó yêu bạn tôi, nên nhiều lúc bên bàn đèn có hai thằng, tôi hỏi chuyện tương lai. Nó bảo tính làm tích ít tiền làm vốn, rồi cưới vợ, có vốn cho vợ buôn bán gì đó. Đại khái tương lai của chúng tôi đều mơ hồ thế, trả lời để gọi là có chứ làm gì có gì cụ thể. Tích là bao nhiêu vốn, rồi buôn bán cái gì đều xa tít tắp.

Tôi có cô người yêu làm tóc thuê cho một tiệm làm tóc. Cô ấy kém tôi 4 tuổi. Tôi nói sẽ làm dành tiền để mở cho cô một tiệm làm tóc, còn tôi sẽ mua một chiếc xe gắn máy tốt và đi làm xe ôm. Chờ khách ở trước tiệm tóc. Hàng ngày chở vợ đến tiệm tóc rồi chờ khác luôn đó, tối hai vợ chồng về. Cô ấy cũng cần phải vài năm để học thành thạo nghề tóc, muốn mở tiệm thì làm ở tiệm tóc chưa đủ, cần phải đi học hẳn hoi, có khi phải vào Sài Gòn để học.

Nhưng bàn đèn của tôi khách toàn anh em bạn bè, gần như tôi chỉ để chỗ cho anh em tụ tập, chẳng lờ lãi gì. Nguồn thu chính của tôi là việc nấu thuốc và cắt thành viên đóng túi đi giao cho mấy bàn đèn khác, tôi lại không có thời gian mở rộng việc ấy vì ngày phải trông bàn đèn để anh em đến hút. Cho nên chỉ đủ sống và không dư ra được bao nhiêu.

Người yêu nó đến bàn đèn tôi , tôi mới nhớ ra hai hôm nay không thấy nó đến, người yêu nó bảo nó bị bắt rồi. Cô ngồi khóc rồi nói muốn đi thăm nó mà không có tiền, tôi đưa cô một chút tiền. Nó bị xử tù 3 năm, xử xong được gặp. Tôi và người yêu nó đi gặp nó, qua song sắt nó bảo.

- Cố chờ anh về nhé em yêu.

Nửa tháng sau lần gặp đó, người yêu nó đến tìm tôi, cô ấy thổ lộ.

- Hiếu ơi, tao thấy có lỗi với Tuyển. Nhưng mày biết hoàn cảnh tao, tao có biết làm gì để sống đâu. Giờ tao có người cũng tốt với tao, anh ấy cũng biết hết chuyện tao và Tuyển nhưng vẫn muốn cưới. Mày giúp tao khi nào Tuyển về nói hộ, chứ tao sợ tính ông ấy lắm.

Tôi gật đầu hứa, người yêu nó cám ơn tôi.

Tôi là người giữ lời hứa, chẳng cần đợi thằng Tuyển hết án tù về để nói. Tôi vào trại gặp nó để nói chuyện, khuyên can nó chấp nhận sự thật.

Tôi không vào với tư cách thăm gặp nó, như thế khoảng cách quá. Nó lại bảo ông ở ngoài, tôi ở trong thì ông nói gì chả được.

Để cho thuyết phục, tôi vào khuyên nó với tư cách cũng vẫn là bạn như trước, nhưng lần này chúng tôi còn là bạn tù.

Cũng hoàn cảnh như nhau, tôi còn bảo người yêu tôi thôi đừng chờ nữa, cuộc sống của em khó khăn, cần người nương dựa, anh đi như này em vừa chờ đợi, vừa lo cho anh phí cả tuổi xanh. Người yêu tôi khóc nói sẽ chờ, nhưng mà tôi nghĩ cô ấy sẽ không chờ được.

Chúng tôi ở hai buồng tù khác nhau, tôi làm tự giác chia cơm canh, quà cáp nên đi lại được bên ngoài. Lời tâm sự về tương lai lần này thật chua chát, không phải bên ngọn đèn dầu lạc và mùi hương thuốc ngạt ngào, chúng tôi nói chuyện qua song sắt của buồng giam.

Sau này ra tù chúng tôi còn gặp lại nhau vài lần, rồi dòng đời mỗi đứa đi một hướng. Tôi và nó bặt liên lạc với nhau. Cô người yêu cũ của Tuyển Si có cuộc sống tốt, chồng cô làm ăn giàu có.

Chẳng biết Tuyển Si giờ thế nào, chắc nó đang có một gia đình êm ấm.

Quay lại chuyện trước đó, tôi mở bàn đèn, có người khách tên Dũng ở gần đó nói với tôi.

-Mày làm thế này phải nộp phế cho công an, chứ không chẳng yên được. Tao quen thằng Dưa đội trưởng hình sự phường ( phường Phúc Tân chỗ tôi đặt bàn đèn), mày gặp mỗi tháng đưa nó một ít.

Tôi nghĩ làm ăn, chuyện phải nộp cũng bình thường. Ông Dũng đưa tôi gặp thằng Dưa ( nó lúc đấy khoảng 45 tuổi).

Thằng Dưa nhà cũng ở Phúc Tân, nó có tướng mạo vừa ác vừa nham hiểm. Tôi đến nhà nó nói chuyện, nói xin mỗi tháng nộp 500 nghìn. Nó cười rất vui vẻ, nhận 500 nghìn tháng đầu tiên khi nói chuyện.

Cứ mỗi tháng tôi qua nhà nó, đưa nó 500 nghìn. Mỗi lần nó nhận tiền, nó đều thân thiết như tôi và nó là anh em. Chưa lần nào tôi thấy nó mặc sắc phục công an cả.

Lần đầu tiên tôi thấy nó mặc quần áo công an, là lần nó dẫn quân xộc vào bàn đèn của tôi, khám xét và đưa tôi đi gặp thằng Tuyển Si bạn tôi....



Phần 4

Tuổi hai mươi-phần 4.

Anh Chiến đưa đến chỗ tôi một thanh niên rất trẻ, cậu ta chỉ khoảng 19 tuổi, mặt mũi thư sinh, hiền lành. Cái áo len cậu ta mặc giá đến cả chỉ vàng lúc đó.

Cậu em chào hỏi mọi người rất lễ phép, tôi tưởng anh Chiến chỉ chở cậu đi đâu, anh tạt vào làm vài điếu. Tôi nói.

- Anh đưa nó vào đây làm gì.

Anh Chiến.

- Cho nó hút.

Tôi gắt.

- Anh đưa nó vào đời làm gì, khổ nó ra, em không cho nó hút. Nó chưa biết thì đừng để nó dây vào.

Anh Chiến cười khà khà.

- Con xin bố, nó lạị chả hút đến mấy năm rồi.

Cậu em cười xuê xoa.

- Em nghiện từ năm 15 tuổi rồi anh ạ.

Tôi nửa tin, nửa ngờ, đưa cái dọc thuốc để cậu ta tự làm. Rất thành thạo, cậu em vê thuốc đánh ngoay ngoáy tra và lõ diện, nâng dọc mời anh em đúng cách chơi, rồi kéo thiện nghệ đến khi điếu thuốc chui sạch vào lõ. Người chưa hút thế nào cũng bị dập điếu thuốc tắt nửa chừng. Thuốc ph.iện hút cũng giống thuốc lào là tra thuốc vào lõ rồi dí vào ngọn lửa. Nhưng nó là nhựa, người hút phải biết điều chỉnh hơi nếu không nhựa chảy nhanh hay chậm đều dẫn đến tắc.

Thằng em làm một bữa đúng 10 điếu, cữ của một kẻ nghiện có thâm niên kha khá.

Tên nó là Hiệp, nhà có 2 chị em. Bố mẹ nó cưng nó như vàng, ông bố làm nghề vẽ biển quảng cáo được rất khá tiền. Trước ông làm ở văn hoá tuyên truyền, chuyên làm băng rôn cho lễ lạt, hội nghị, viết thiếp, bằng khen..về hưu nhân nhà mặt phố, ông mở nghề vẽ biển quảng cáo kiếm được rất khá tiền.

Nhà thằng Hiệp ở gần Cổng Tử Trưởng bên Gia Lâm, đó là khu vực đầu đường vào trường trung học Nguyễn Gia Thiều. Chẳng hiểu thời ông Trọng tổng bí thư đi học ở trường đó, cái tên đó đã có chưa. Nhưng những năm 90 thì cái tên Cổng Tử Trưởng là cái tên rất quen thuộc với dân nghiện ở bên Gia Lâm.
Từ học cấp 3 nó đã hút rồi, trong một lá thư bố nó viết cho nó vào năm 1995, ông cũng khẳng định điều ấy. Thế nhưng ông vẫn có đoạn viết về những thành phần bạn của nó, trong đó ông viết thằng Hiếu Phất Lộc là một trong những thằng rủ rê con ông ấy sa ngã.
Tôi và thằng Hiệp chỉ biết nhau chừng một năm, đến năm 1994 tôi đi tù, từ đó biệt tăm nhau đến năm 2015 mới gặp lại. Tức bẵng hơn 20 năm chúng tôi không biết gì về nhau.
Nó sau này được bố chạy cho đi Ba Lan, lấy vợ con bên đó, không còn nghiện nữa. Nó nhắn tin tôi qua Facebook với cái hình của nó năm 2015 và hỏi tôi có nhận ra ai không.
Tôi nhìn lúc nhận ra, nó mừng lắm và hôm sau sang thăm tôi.
Nó kể năm 2010 khi tôi và nhà văn Võ Thị Hảo có gặp một số người ở Ba Lan nói chuyện về văn học, nó có nghe tên quen nhưng không nghĩ đó là tôi.
Thăm tôi với túi quà khệ nệ, anh em hàn huyện chuyện ngày xưa, rồi nó về.
Một tuần sau nó gọi điện cho tôi nói.
- Anh ơi, có người chuyển cho em 270 nghìn, anh nhận hộ và giữ cho em.
Có cặp vợ chồng đến nhà tôi, họ sắp tiền ra và bảo tôi đếm rồi ký nhận.
Tôi bảo tôi chỉ nhận hộ, tôi không đếm và không ký nhận gì cả. Nếu tin thì đưa, không thì cầm về.
Cặp vợ chồng gọi điện cho Hiệp, cuối cùng họ đồng ý cứ thế đưa tôi bọc tiền.
Một tuần nó cũng chẳng sang, rồi nó gọi điện.
- Anh ơi, em không sang được vì bận, anh cầm tiền sang Thuỵ Sĩ, ở khách sạn này, anh gặp người này và đưa tiền cho họ, họ sẽ giao lại cho anh 7 cái đồng hồ và 2 cái điện thoại. Anh cầm về giữ, lúc nào em sang em lấy.
Tôi đi chuyến xe khách rẻ tiền sang Thuỵ Sĩ, tiền để trong chiếc ba lô cũ, cũ và xoàng như bộ quần áo tôi mặc trên người. Lúc xe xuống nghỉ trạm ăn uống, như bao người khác, tôi cũng chẳng thèm xách cái ba lô ấy theo người.
Cái khách sạn ấy là tâm điểm của dân buôn đồng hồ tứ xứ trên thế giới đổ về. Tôi đưa tiền cho một gã Tây Ban Nha, gã ấy đã sắp ra đúng những món đồ mà Hiệp dặn.
Tôi trở về cất những món đồ ấy kỹ trong nhà, khi Hiệp sang đưa lại cho nó. Nó nói với tôi về chuyện buôn đồng hồ. Lúc đó tôi chỉ có vốn hơn 15 nghìn, đó là tiền học bổng tôi dè sẻn và tiền bán cuốn Nói Trong Im Lặng cho một nhà xuất bản bên Hà Lan. Tôi bắt tay buôn bán đồng hồ, nhưng chỉ hạng thấp như Omega, Longines, Poljot loanh quanh tầm trên dưới 1 nghìn eu một cái. Trung bình mỗi cái lãi từ 1 đến 2 trăm euro, tháng tôi bán được đến vài chục cái. Có ngày bán đến 7, 8 cái. Nhiều người mua chẳng đeo, để đó. Họ nói mua chơi của Hiếu Gió một cái làm kỷ niệm.
Vì tôi nói chỉ viết đến năm 27 tuổi, cho nên mạch về Hiệp phải kể luôn. Bây giờ chúng tôi người mang quốc tịch Đức, người mang quốc tịch Ba Lan.
Dưới đây là lá thư bố Hiệp viết cho nó vào năm 1995. Ông đã mất rồi, tiếc ông không còn sống để tôi thanh minh với ông rằng ngày xưa đó, Hiệp nghiện không phải do tôi rủ rê.
Hết phần về một số anh em cũ, tôi sẽ chuyển sang phần viết về quãng đời trong tù vì tội tàng trữ, tổ chức sử dụng chất ma tuý. Tôi có nhiều người quý mến, họ không biết lắm về quá khứ của tôi. Đến lúc tôi kể thật những gì mình đã làm hồi trẻ.
Tôi không có mơ ước mình trở thành người thế này thế nọ mà phải cần lý lịch trong sáng, cho nên quá khứ thế nào thì cứ viết vậy.
 
Phần 5



Tuổi Hai Mươi - phần 5.

.........................

Tối ngày 9 tháng 10 năm 1994, có hai người khách đến. Họ vừa đặt lưng nằm xuống cạnh bàn đèn thì có tiếng phá cửa ầm ầm. Tôi hối thúc họ nhảy qua bờ tường trốn, nhưng họ không chịu nhảy. Vì nếu có gì tội họ cũng bị phạt hành chính, nhảy sang tường sang nhà người khác lại thành chuyện nọ kia mà chắc gì sang đó đã thoát.

Công an phá cửa xông vào, người chỉ huy chính là thằng Dưa. Tôi hỏi nó sao chú lại làm vậy. Thằng Dưa bảo.

-Thôi cứ về đồn rồi nói chuyện.

Nó cho quân khám xét nhà tôi, vẫn may là tôi chôn 1 kg ngoài vườn. Công an chỉ bắt được vài điếu lẻ trên bàn đèn. Tôi bị đưa về đồn Phúc Tân, thằng Dưa mất tích đâu, còn tôi bị cùm chân đến sáng thì trưởng đồn làm biên bản giao tôi lên quận.

Sáng đó tôi nghe loáng thoáng chuyện chỉ tiêu quận giao cho phường về xử lý tệ nạn.

Biên bản hỏi cung làm xong thì công an phường lấy sợi dây trói tay tôi cho ngồi xe mô tô ba bánh đưa lên quận.

Ở quận Hoàn Kiếm có 5 buồng giam, 4 cho nam một cho nữ, 1 trong 4 buồng giam có 1 buồng tội nhẹ phạt vi cảnh. Tôi bị đưa vào buồng hình sự.

Buồng giam từ thời Pháp, chỉ có một cửa sổ nhỏ và cửa ra vào bằng sắt. Có một nền xi măng cho tù nằm, cuối buồng là cái can nhựa 20 lít bị cắt một góc làm chỗ đi vệ sinh, cái chỗ hở được đậy bằng miếng vải. Theo lần lượt cũ mới tôi phải nằm cuối cùng cạnh cái can vệ sinh ấy.

Tầm ấy trời vẫn còn nóng, tù nằm san sát nhau. Đến tối thằng đại ca trùm buồng tên là Hồng gọi tôi lên hỏi han tội tình, nó cầm dép vả vào mang tai tôi chục nhát, rồi bắt tôi cầm cái quạt giây quạt cho nó ngủ. Tôi phải thức cả đêm ngồi thay tay bên này sang tay bên kia quạt cho nó. Nó chẳng ngủ ngay mà còn lải nhải chửi bọn tù khác đủ thứ. Nó đã có 9 tiền sự, tức bị bắt những chưa bị ra toà, ra toà người ta gọi là tiền án. Đêm ấy bị nó hành làm tôi quên cả việc số phận của mình đang ở tù, chỉ mong sáng thì ai về chỗ ấy, không bị nó hành hạ nữa.

Sáng hôm sau đội trưởng quản giáo quận đến. Tôi ở cuối buồng, nghe tiếng ông ta ngoài sân đã mừng. Y rằng ông ta xem sổ sách rồi gọi lớn từ ngoài.

- Thằng mới vào ở Phất Lộc đâu, ra đây xem nào.

Tôi từ cuối buồng đi ra cửa sổ, ông ý nhìn tôi rồi lấy chìa khoá mở cửa bảo tôi ra ngoài.

Ông ý bảo từ nay hàng ngày ra ngoài chia cơm canh cùng với anh Thọ tù vì tội cờ bạc chuyên nghiệp. Ở trong quận được chia cơm canh là việc quá ước mơ, đến buồng trưởng cũng mơ mà không được. Mỗi lần chia cơm anh lầu bầu chửi đời tù nhục nhã. Có người như tôi ra làm thay cho anh việc đó, anh chỉ đứng lượn lờ chỉ đạo tôi làm cho cán bộ thấy là anh có làm.

Ông đội trưởng quản giáo quận tên Bình, ông lấy vợ ở ngõ nhà tôi. Trước ông làm công an giao thông ở đồn 90 Trần Nhật Duật sau chuyển làm công an quản giáo quận.

Tôi được chuyển sang phòng anh Thọ, anh Thọ thực ra là người hiền lành, anh chỉ máu cờ bạc. Nhưng cuộc đời giang hồ không có chỗ cho người hiền. Dù gì anh vẫn là lưu manh già nhiều kinh nghiệm và nhà anh có tiền, có quan hệ. Anh không bắt nạt và hành hạ người khác, cho nên nhìn thằng Hồng tinh tướng anh rất ngứa mắt, có điều nó cũng ở gần chợ Đồng Xuân, quen cả ở bên ngoài nên anh không tiện làm gì. Thằng Hồng có ông chú làm trưởng ban giám thị Hoả Lò tên là Hoắc, vì thế nó cũng dạng có số má trong tù.

Ngoài chia cơm canh hai buổi, còn phải quét sân, phục vụ nước nôi cho cán bộ, kiểm tra quà của phạm nhân. Thằng Hồng ở buồng tôi mới vào, vẫn nghĩ tôi nhát, nó gọi sai tôi lấy nước sôi cho nó. Anh Thọ hỏi.

-Mày có dám đánh nhau tay đôi với nó không ?

Tôi gật đầu.

- Em dám.

Tôi không biết thằng Hồng có chú làm to nhất ở trại Hoả Lò ( tức trại giam số 1 Hà Nội)

Anh Thọ nói với quản giáo trực gì đó, quản giáo gật đầu đưa chìa khoá các phòng. Anh Thọ nói là kiểm tra từng buồng. Lần lượt từng thằng tù đi ra cửa, tôi khám xét người, cứ ba thằng một rồi chúng được anh Thọ đưa sang phòng khác. Sau đó không còn ai thì vào kiểm tra, khám xét buồng.

Thằng Hồng và hai thằng tù mới được đưa vào phòng vi cảnh, anh Thọ hất hàm ra hiệu cho tôi vào phòng vi cảnh, tôi vào anh khoá cửa lại quát to.

- Mày cũng không tin được, vào trong. Bao giờ khám xét xong cho ra, không mày lại xe cộ linh tinh.

Xe cộ tiếng lóng là chuyển đồ cấm.

Tôi vào buồng đi thẳng đến thằng Hồng, đá luôn cái vào mặt và đấm túi bụi. Nó đấm lại và chửi toáng, nhưng vì nó bất ngờ nên bị tôi đánh nhiều hơn. Anh Thọ vội vã chạy lại chửi.

-Dm cái bọn này lộn xộn, làm sao, cái gì.

Anh mở cửa gọi tôi ra, bợp tai tôi mấy nhát rất mạnh.

- Đm cái thằng mới này định bật à ?

Thằng Hồng chửi doạ nọ kia, anh Thọ nói.

- Mày thôi đi, thích thì tao mở cho mày ra sân, tao xin cán bộ cho hai thằng giải quyết tay đôi.

Thằng Hồng biết tay đôi thì nó thua, ở trong buồng nó còn đồng bọn nó.

Quản giáo lúc đó đã đi ra ngoài. Cái khu tù trong quận Hoàn Kiếm nó hơi loằng ngoằng kiểu hình chữ Z, tạo ra nhiều khoảng khuất tầm nhìn. Qua cái sân là còn cái cửa sắt nữa, nhiều lúc cán bộ đi đâu chỉ khoá cái cửa sân, cầm chìa khoá các phòng mang theo. Có tôi và anh Thọ là lởn vởn trong khoản sân ấy, thời gian trống cán bộ chỉ nhiều cũng tầm mươi mười lăm phút, nhưng từng ấy là đủ để xong một cuộc ẩu đả.

Tối đến anh Thọ nói.

- Đm mày đánh như trẻ con, đéo ăn thua gì. Đấm đá như mèo.

Tôi mới biết lúc đó anh Thọ mất 500 nghìn để ông quản giáo chứng kiến xong việc chia buồng nhốt xong, để anh Thọ khám , còn ông đi ra ngoài 10 phút rồi quay lại theo dõi việc trả lại các tù nhân về buồng cũ.

Ngoài việc chia cơm, quà còn việc đi đổ rác. Hàng ngày chiều đến anh Thọ và tôi khiêng thùng rác ra đằng sau quận, chỗ cuối phố Nhà Chung. Ở đó có cái hàng nước, đổ rác anh Thọ ghé vào đánh nhanh con số đề, mua thuốc lá hay rượu. Nghĩ lại ông Bình quản giáo cũng liều, ông bảo lãnh cho tôi làm tự giác như thế, lỡ tôi mà bỏ trốn thì chắc ông bị sa thải khỏi ngành.

Nhưng tôi không phải loại người làm hại người đã giúp mình. Hơn nữa trốn rồi cũng bị bắt lại chứ chẳng thoát mãi được.

Ở buồng giam nữ có một cô gái chừng tuổi tôi mới vào. Cô ấy bị tội buôn người, đưa người sang Trung Quốc bán. Cô ở Hà Nam, ăn mặc giản dị, dáng vẻ hiền lành. Chả biết nguồn cơn dây dưa nào lạ dính đến vụ buôn người.

Cô ấy không ăn uống gì, cơm chia đến bỏ đó, đến hai ngày chẳng ăn gì, cứ úp mặt vào đầu gối, quay lưng lại. Tôi khuyên cô ấy ăn cho có sức, rồi hỏi cô có cần tôi giúp gì không. Cô chẳng nói gì, tôi hỏi mãi cô bảo có xà phòng và lược thì cho cô xin.

Tôi lấy cho cô bánh xà phòng và cái lược. Cô hỏi lúc nào cô được tắm.

Ở góc sân có một cái bể cho tù tắm, nhưng nói là thế rất ít khi tù được tắm, ai giam được một tuần mới được một lần tắm. Tù nam tắm còn có người trông, tù nữ tắm phải đợi cái bà làm danh chỉ bạ đến, bà ý trông hộ thì tù nữ mới tắm được. Chỗ tắm nữ có quây cái bạt dứa che.

Tôi bảo để chia cơm canh xong, tôi sẽ lấy chậu đựng cơm canh để trước cửa buồng cô, cô dùng cốc nhựa múc mà tắm, đợi bà cán bộ lấy danh chỉ bạ thì không có lúc 3 hôm không đến vì không có tù mới.

Cái buồng giam nữ lại khác buồng giam nam, là nó toàn song sắt , nhìn thông thống cả vào bên trong, nhưng may nó ở góc đầu chữ Z , nên ai đi vào đó mới nhìn được, các buồng khác không nhìn thấy.

Tôi múc nước đầy hai chậu cho cô, cô cảm ơn và nói.

- Anh đứng ngoài kia không cho ai vào nhé.

Tôi gật đầu, đứng ở đầu góc canh. Lúc này tầm nhìn tôi chỉ ngang cửa, thấy cánh tay con gái thò ra múc từng cốc nước ở cái chậu.

Hôm sau thì cô đã ăn cơm. Nhìn cô xinh hơn hôm mới vào rất nhiều.

Tôi phân vân chả biết vì cô mới bị bắt buồn mà không thiết ăn, hay vì đầu bù tóc rối không muốn người ta thấy, nên tôi hỏi là cô ngồi quay lưng, cắm mặt vào hai đầu gối.

Cô hỏi tôi giặt quần áo thế nào, tôi xin anh Thọ nói quản giáo cho cô ra giặt quần áo, tôi sẽ đứng trông.

Lúc đứng canh cô giặt bộ quần áo, nhìn chiếc quần lót dính màu đỏ của phụ nữ. Tôi quay đi, hôm sau xin tiền anh Thọ nhờ bà hàng nước mua hộ cái phụ phẩm lót hàng tháng cho phụ nữ, bà hàng nước hiểu chuyện không đợi đến hôm sau nữa tôi ra đổ rác đưa, mà đi mua luôn rồi vào trong quận gọi tôi ra cái sân đưa. Vì cán bộ quận biết bà ấy cả, nghĩ bà ấy mang thuốc nước, bia bọt cho phòng nào, nên chẳng ai hỏi bà ấy đi vào đây làm gì.

Tôi đưa gói vệ sinh phụ nữ cho cô bạn tù. Cô ấy cầm, nhìn tôi rất khó tả

Các cán bộ điều tra hàng ngày vào khu giam nhận tù đi hỏi cung. Họ nói với nhau cô bị nhẹ nhất cũng phải 7 năm tù.

Đến ngày thứ 14 trong quận, ông Bình bảo.

- Mai mày phải lên Hoả Lò rồi. Chuẩn bị đồ mai đi.

Tối vào buồng nói mai em đi Hoả Lò, anh Thọ sắp đồ. Anh ấy tù nhiều, lúc đó mình nhìn anh thấy cảm động. Anh bảo phải lấy cái này, bỏ cái kia, rồi chỉ dẫn làm gì.

Anh Thọ có người thân là đại ca lớn trong giang hồ, thời điểm ấy anh có đi đến bất cứ trại tù nào ở Việt Nam , các loại đầu gấu trong trại phải e ngại. Tuy nhiên anh không bao giờ hống hách, bắt nạt, chèn ép người khác yếu thế hơn mình.

Anh bị 8 lần bắt vì tội đánh bạc phạt vi cảnh được về, lần này thì phải ra toà vì không thể không xử được.

Chúng tôi có 8 người chuyển lên trại giam thành phố, trong cái xe sắt bít bùng, chỉ có một ô cửa nhỏ. Tôi nhìn đường phố Hà Nội người đi tấp nập trong ánh nắng thu vàng qua cái ô cửa nhỏ có song sắt, lúc xe dừng đèn đỏ, có hai thanh niên đi xe máy dừng bên cạnh, họ nhìn tôi và cười gật đầu chào như muốn thông cảm hoàn cảnh tôi.

Tôi không nhìn ra cửa sổ nữa, nhắm mắt nghĩ đến quãng đời phía trước.
 
Tuổi hai mươi-phần 6.

Thời gian tôi vào Hoả Lò là cuối tháng 10 năm 1994, người ta quen gọi như thế. Thực ra Hoả Lò cũ đã được chuyển hết phạm nhân sang Trại Tạm Giam Số1 CAHN ở Từ Liêm. Vì mới nên người ta quen tên cũ, gọi là Hoả Lò mới.

Tốp tù từ chúng tôi từ quận lên được dẫn qua hai cổng sắt, vào đến một căn phòng có một người công an râu quai nón đã cạo, mấy tên tù xì xào.

- Ông Tính Xồm đấy.

Cán bộ Tính Xồm ở phòng hồ sơ tiếp nhận phạm nhân đưa đến, ông đọc qua hồ sơ rồi sẽ phân loại vào những buồng nào. Tù nào nhiều tiền án, tiền sự thì vào khu nhiều tiền án, tiền sự. Tù nào lần đầu vào khu lần đâù, tù nào tội kinh tế vào khu kinh tế, khu người nước ngoài, khu cán bộ, khu tử hình hay chung thân.

Ngày ấy buôn bán thuốc phiện được trại xếp vào tội kinh tế, vì số phạm nhân án kinh tế lúc đó đa phần là buôn lậu, số lượng không nhiều, buồng ít người nên một số người phạm tội buôn bán ma tuý lần đầu được nhốt chung.

Tôi được phân mẩu giấy có ghi số 3790 Q. Mỗi người vào trại giam sẽ được phân loại số như thế, các con chữ là mã năm, con số là thứ tự. Tức năm 1994 những người mới vào sẽ lấy chữ Q và số theo thứ tự. Tôi là người thứ 3790 nhập trại giam trong năm 1994.

Chúng tôi ngồi đợi ở khoảng trống hành lang từ phòng hồ sơ đến khu giam, khoảng trống này có rào sắt và có mái tôn che. Lúc sau những người quản giáo trong khu giam ra đọc số, đến số ai thì xếp hàng đứng trước mặt quản giáo. Tôi có một mình một hàng, ông quản giáo dẫn tôi vào buồng giam.

Phòng giam ở Hoả Lò mới rất thoáng, chỉ toàn song sắt chứ không làm cửa bít bùng. Có hai lớp song sắt, giữa hai lớp song sắt là khoảng trống để tù nhân đến giờ ăn ra đó, quản giáo đứng ngoài nhìn thấy hết bên trong làm gì. Đằng sau lại có hai cửa sổ song sắt cao, cho nên về độ thoáng rất tốt. Phòng cũng rộng và sạch, cuối phòng là vệ sinh và bể nước tắm nước lúc nào cũng đầy ắp.

Phòng tôi vào chỉ có 14 người. Những tù đi trước bảo ở Hoả Lò cũ phòng như này phải nhốt hơn trăm người. Tôi còn nghe kể phòng tù được phân loại như trưởng buồng, bộ đội, ưu tiên 1 và ưu tiên 2, cuối cùng là tầng lớp nhân dân.

Tầng lớp nhân dân luôn bị hành hạ, đánh đập, bóc lột. Quà cáp gia đình gửi vào bị bọn bộ đội lột sạch, hàng ngày chúng tra tấn để buộc nhân dân phải viết thư về nhà xin tiền, nếu có tiền tuỳ theo mức độ chúng đưa lên ưu tiên 1 hay ưu tiên 2.

Nhưng cái phòng giam tôi vào thì mới, chưa hình thành hệ thống cai trị. Còn các khu khác đã đâu vào đó rồi.

Mấy người cũ hỏi tôi tù tội gì, nhà ở đâu, rồi họ bảo.

-Ở đây không có trưởng buồng, tất cả đều mới, của ai người ấy ăn. Nhìn nhau giữ gìn vệ sinh, trật tự cho thầy ( quản giáo ) đỡ nói thôi.

Ở trong buồng có 2 thằng tù tội đua xe, chúng đều là con nhà giàu, bị bắt nhiều lần ở quận tội đua xe, gia đình lo lót được. Nhiều lần quá cũng không thể thoát, lần này chúng bị lệnh tạm giam chờ xử. Hai thằng chỉ 18, 19 tuổi. Nhà chúng gửi đồ nhiều, nên chúng có thế lực nhất. Chúng cho đồ ăn những người khác đổi lại họ phục vụ chúng như đun nước, dọn cơm, rửa bát, giặt quần áo. Khoản thuốc lào, thuốc lá thì chúng phát miễn phí cho cả buồng.

Tù mới nhập trại, gia đình phải làm sổ tiếp tế, xin chứng nhận công an phường , thủ tục mất một đến hai tuần. Những ngày đầu tôi chỉ ăn cơm với ít bột canh của thằng bên cạnh chia sẻ.

Cuộc sống lần đầu ở trong Hoả Lò mới khác ngược những gì ghê rợn mà những tù đi trước kể. Thằng chia sẻ gia vị bột canh cho tôi ấy, nó chẳng có thân thế gì, nó ở quê lang thang lên Hà Nội. Nó rất hiền, kể chuyện đi lên Hà Nội xin việc ở quán phở, quán cơm những không ai nhận. Tiền không có, đói quá thấy cái xe đạp của người ta hở ra, nhẩy lên đạp bị phát hiện người ta đuổi. Nó đói mấy ngày nên đạp một đoạn không còn sức nữa, người ta bắt đánh một trận rồi đưa vào công an.

Nếu trong công an nó khai tên tuổi, quê quán để người ta xách minh, họ thấy nó phạm tội lần đầu, ở quê nghèo có khi họ cũng tha luôn. Nhưng nó sợ ở quê mang tiếng gia đình, nó bảo bị bỏ rơi từ bé, không biết nhà ở đâu, bố mẹ là ai. Công an đành cho nó lên trại giam thành phố cho nó đi tù để tạm thời nó có chỗ ăn ở. Cái này cũng không trách công an được, vì không xác minh lý lịch nó rõ ràng thế nào, biết đâu nó từng phạm tội gì ở đâu nữa. Cái gói gia vị bột canh mà nó dè sẻn quý như vàng ấy là do người bên cạnh nó đã ra tù, cho lại nó.

Đêm đến, nó thủ thỉ tâm sự, nó đã bị chuyển mấy nơi giam, ở buồng này nó thấy hạnh phúc nhất.

Tôi cũng thấy buồng giam này thật yên bình, thầm cảm ơn ông Tính Xồm đã công minh phân loại.

Nhưng tôi không biết rằng, chỉ ngay phòng bên cạnh thôi, cuộc sống của những tù nhân bên đó như địa ngục, đúng như người ta từng kể về cuộc sống ở Hoả Lò cũ.

Chẳng qua cái buồng tôi ở là buồng như dạng vị cảnh, những thằng bị giam ở đó chỉ vài bữa là được về, được chuyển đi nơi khác. Tôi là dạng quận gửi chờ trích xuất, tức chỉ dăm hôm tôi lại phải về quận để ra toà. Ông Bình quản giáo quận biết tôi sẽ xử ở quận, nên ông ghi chú tôi là dạng quận gửi chờ trích xuất, ông Tính Xồm theo đó mà phân tôi vào cái buồng ngắn hạn chờ đi.

Vì là buồng chờ đi, nên quản giáo không phân trưởng buồng, vì được vài ngày lại phân thằng khác mất công.

Thằng bên cạnh có đêm nó còn làm thơ, rồi nó hỏi tôi có biết Đặng Thai Mai không, ông ấy là nhà phê bình thơ rất hay. Nó kể đoạn thơ nào đó, rồi ông Mai kia bình ra sao. Ánh mắt nó mơ màng khi kể.

Tôi nghĩ mắt nó thế là vì nó đói, cơm trại ăn với bột canh, làm gì có chất. Nó đói và thiếu chất hai tháng rồi, mắt lờ đờ cũng phải.

Buồng tôi có một thằng mới vào, đó là thằng tù chuyên nghiệp đúng nghĩa, nó xăm trổ khắp người. Nó cũng dạng trích xuất về tỉnh. Vào buồng im lặng một hôm quan sát, đến hôm sau nó lân la với hai thằng đua xe, tính thiết lập chế độ cai trị trong buồng, chúng tuyên bố sẽ giữ gìn trật tự trong buồng.

Được một hôm thì một trong hai thằng đua xe được thả về, thằng còn lại buồn thất vọng, lại có người ra người vào liên tục. Thằng xăm trổ kia cũng bó tay buông luôn mộng làm đại ca trong cái buồng như trạm xe buýt này.

Đêm đến thằng xăm trổ nó hát những bài về nhà tù.

Trăng mờ soi, trăng mờ trăng soi ngục tối.

Đường đời con đi lạc lối

Nên người ta bắt vô đây.

Nhiều nước mắt, xót xa mẹ nhớ con.

Tình yêu thương đong đầy hai khoé mắt

Trại xa xôi, trại cao đèo hút gió.

Bóng con xa mờ, con lạy mẹ con đi.

Mãi đến phải 20 năm sau, tôi mới biết bài nó hát chế từ bài Anh Ở Đây của các các nhạc sĩ Thục Vũ- Đức Nghiêm về lính VNCH đi cải tạo ở Suối Máu, Sơn La.

Bài nguyên bản ở link đây.

https://thanhthuy.me/.../anh-o-day-nhac-loi-1-nhac-si.../

Tôi nghe nó hát, nước mắt chảy ròng. Lần đầu tiên từ khi bị bắt, đã hơn một tháng, tôi khóc vì thương mẹ. Tôi chưa làm gì được cho mẹ tôi. Hình dung viễn cảnh mẹ tôi mang đồ tiếp tế, đi xe khách đến một tỉnh xa nào, rồi lếch thếch xác đồ leo đường đất đến thăm tôi.

Thằng tù chuyên nghiệp kia, hát xong nó ngồi ôm mặt khóc.

Nếu buồng giam này là buồng giam nghiệt ngã như các buồng khác, nó sẽ chẳng khóc. Nhưng ở cái buồng chờ xe buýt này, gồng mình nên làm đại ca chẳng có tác dụng gì. Nó khóc vì biết lần đi này sẽ dài hơn lần trước. Hình như quê nó ở đâu đó trên mạn Thái Nguyên, Cao Bằng gì. Nó gây án trộm cắp ở quê, trốn xuống Hà Nội lại gây án tiếp. Nó chờ ngày trích xuất về quê xử, rồi lại về Hà Nội xử. Án chồng án. Nó cũng mới chỉ 22, 23 tuổi. Bố nó án chung thân lúc nó 12 tuổi, mẹ nó bỏ đi biệt xứ. Từ lúc 12 tuổi nó quanh quẩn bến xe móc túi , làm chân sai vặt cho các đàn anh sống qua ngày. Bị bắt đi trường giáo dưỡng, rồi về lại ăn cắp, lại đi tù. Tính cả đi trường giáo dưỡng, nó có thâm niên đến 10 năm tù.

Ba ngày sau, cái thằng đua xe còn lại được về nốt. Thằng tù chuyên nghiệp kế thừa được ít đồ ăn còn lại. Nó ăn hết rồi lân la đi xin người khác. Mình nó không thể tạo lên uy quyền để người ta tự cống nạp. Người mới vào thì chẳng có gì, người cũ có quà thì họ cũng thuộc loại hiểu tình thế bên trong, nó chỉ còn cách làm tư vấn hướng dẫn cuộc sống trong tù cho người ta để được chia sẻ ít quà từ họ.

Tôi thầm khinh nó vì miếng ăn mà quỵ luỵ, đói thì chịu, thèm thì chịu. Sao phải vì miếng ăn mà kiếm chuyện làm quà như thế.

Ý nghĩ của kẻ tù đầu ngây thơ.

Tôi không biết cuộc sống của những người tù không gia đình, tôi không hiểu đói ăn, thiếu chất sẽ dẫn đến bệnh tật phát triển, cơ thể mất sức đề kháng. Những kẻ tù nhiều lần họ kinh nghiệm, lúc nào kiếm được chất chác gì bồi bổ cơ thể thì tận dụng, vì chẳng biết những ngày sau sẽ ra sao, cơ thể có chất nạp vào lúc nào hay lúc đó.

Tuần đầu tôi ăn cơm với gia vị bột canh của thằng bắn chim sẻ ( tiếng lóng nhẩy xe đạp). Lúc nó đi, tôi ăn cơm với muối trắng trại phát.

Đến ngày thứ 15 trong Hoả Lò mới, tức tròn một tháng tôi bị bắt, thìa cơm rắc chút muối bỗng trở nên ngọt lừ, đậm đà. Mỗi thìa cơm với hai hay ba hạt muối nhai tan trong miệng, tôi thấy chất bổ từ chúng từ dạ dày chuyển hoá thành chất lan đi trong cơ thể mình. Mỗi một tuần trại cho bữa ăn thêm miếng thịt mỡ bằng bao diêm. Tôi nhấm nháp miếng mỡ kho ấy chậm chạp với sự sung sướng.

Ở tuổi đôi mươi, đói và thiếu chất. Giấc ngủ đến rất lạ kỳ, khi đói quá ngủ thiếp đi, cảm thấy như thiếu máu, thiếu dưỡng khí, thiếu sinh lực, cơ thể bồng bềnh như trôi trên mây.

Tôi có thể chịu đựng bị đánh đập vì chúng đông hơn tôi, sau này có cơ hội báo thù rửa nhục. Nhưng xin ăn sẽ là nỗi nhục khó bao giờ rửa được. Tôi luôn thầm ước người bên cạnh sẽ tự chia sẻ cho tôi ít muối vừng, môt miếng thịt bằng hai đốt ngón tay hoặc vài hai con tôm rang trong phần quà nhà họ gửi. Tôi sẽ nhớ họ suốt cuộc đời này. Như đã nhớ đến thằng bắn chim sẻ vô gia cư cho tôi ít gia vị bột canh.

Nhưng họ quay lưng lại khi chúng tôi ngồi ăn cạnh nhau.
 
Phần 7

Tuổi Hai Mươi- Phần 7.

......................

Tôi có lệnh mang hết đồ đạc theo ra khỏi phòng. Người cán bộ dẫn giải đưa tôi đến khoảng sân nhỏ giữa phòng hồ sơ và khu giam bảo đứng chờ.

Đây là nơi tù nhân giam cứu hay gặp nhau nhất, người đi xử về, người đi xử hay đi cung, đi chuyển chỗ khác đều chờ ở đây ít phút.

Tôi nhìn thấy thằng bạn ở Lý Thường Kiệt đi xử về, tay và chân nó đều bị xích. Ngạc nhiên tôi hỏi.

- Án thế nào.

Nó nhìn xa xăm buông thõng.

- Tử hình.

Hồi cấp ba tôi học trường Trần Phú ở Hai Bà Trưng, thằng kia thuộc dạng đầu gấu quanh đó hay bắt nạt học sinh trong trường. Nó bị án g.iết người. Nó và người yêu đi chơi, gặp người bán chó. Nó hỏi mua thế nào mà hai bên chửi nhau, nó rút dao chém con chó mấy nhát, chủ chó xông vào nó chém luôn. Cả chó và chủ đều chết. Toà xác định tính hung đồ nên loại trừ nó ra khỏi xã hội.

Tôi ra khỏi phòng hồ sơ, chuẩn bị lên cái xe ô tô thùng thì nhìn thấy anh chị tôi. Bây giờ họ mới có sổ vào gửi quà. Người cán bộ dẫn giải bảo tôi đi về quận xử luôn trưa nay, nhà tôi đi xe máy về đó mà đợi.

Toà án quận ở cạnh cái khách sạn Solaria trên phố Báo Khánh bây giờ, phiên toà ở tầng 2 có chủ toạ và hai thẩm phán, viện kiểm sát. Vì tôi một mình một vụ nên họ xử loáng cái xong.

- 45 tháng tù và 2 năm quản chế địa phương.

Tôi hỏi người thư ký toà 2 năm quản chế là cứ ở nhà không được đi đâu à ? Anh thư ký toà nói là toà tuyên vậy thôi , chứ đi làm nọ kia công an phường người ta chẳng cấm đâu.

Tôi gặp anh chị, nhận quà và xe đưa tôi về nhà giam quận.

Ông Bình trực ở quận, ông hỏi án tù tôi rồi bảo vào phòng cất đồ, ra ngoài quét dọn vệ sinh , chia cơm như trước kia. Anh Thọ vẫn còn ở quận, anh bảo tội mày kể ra xử thế cũng nặng. Nếu nhà mày mà chạy đúng cửa có khi chỉ 18 tháng.

Biết vậy nhưng nhà tôi lúc đó không ai có tiền để mà lo chạy cả.

Chiều tôi vẫn khiêng rác cùng anh Thọ ra phố Nhà Chung đổ, đổ rác xong anh vẫn la cà đánh đề. Tôi đứng chơ vơ vỉa hè nhìn người qua lại, nghĩ cũng lạ lùng tôi và những người đi đường này nhìn giống nhau, nhưng tôi đang là tù nhân mang bản án 45 tháng tù.

Hàng sáng quản giáo mở cửa lúc 8 giờ 30 cho tôi và anh Thọ ra. Anh Thọ chẳng làm gì chỉ đi lang thang các cửa buồng chuyện trò, thỉnh thoảng anh lấy cho buồng này ít nước sôi, cho tí lửa. Anh chỉ làm mỗi việc kiểm tra quà cáp gia đình họ gửi vào.

Còn tôi phải quét sân khu giam, lau dọn phòng cán bộ quản giáo. Đợi đến giờ cơm thì chia cơm canh. Thấy tôi làm chăm, cán bộ điều tra hay các phòng khác họ bảo tôi làm xong thì đến phòng họ dọn và quét cả sân của quận, quét ra cả tận ngoài đường mà chẳng ai sợ tôi bỏ trốn.

Bà công an làm danh chỉ bạ đến lấy vân tay và nhận dạng tù nhân. Bà thấy tôi đứng xem hỏi tôi viết chữ có đẹp không ? Tôi gật đầu, bà bảo tôi viết thử, bà nhìn khen chữ đẹp quá, mày chắc học giỏi.

Bà lăn tay tù, nhìn mặt họ bà đọc cho tôi viết.

- Nốt rồi cách mắt trái 1,5 cm, dái tai chúc, sống mũi gẫy...

Tôi làm giúp bà đến hôm thứ ba thì bà mải buôn chuyện, tù nhân cứ đứng chờ. Tôi tự ý nhìn nhận dạng tù nhân rồi ghi vào giấy, cầm tay tù lăn lấy dấu. Bà quay lại thấy tôi làm xong cho 2 người, bà đối chiếu xem lại và chẳng nói gì. Từ đó bà ý đến chỉ ngồi buôn chuyện với quản giáo trực, còn tôi thì làm hết việc lấy danh chỉ bạ. Có hôm bà đưa giấy và đồ lăn tay cho tôi, bảo tôi làm cho mấy người mới vào, bà đi có việc tí quay lại.

Tôi xem sổ sách có những ai mới vào, gọi tên họ ra làm. Quản giáo bảo.

- Mày giờ như cán bộ.

Nhưng ở quận thời gian không được lâu, ông Bình giữ tôi lại tối đa trong quyền của ông ấy. Hôm ấy có cán bộ điều tra, bà danh chỉ bạ ngồi nói chuyện, ông Bình bảo mai thằng này đi trại.

Ông nói và hất hàm về phía tôi.

Bà danh chỉ bạ nói.

- Hay xin cho nó ở đây, thằng này sáng dạ, chăm, được việc.

Ông Bình nói.

- Nó án dài thế, xin sao được.

Cán bộ điều tra nói.

- Ông cứ đề xuất, tôi nói thêm cho.

Bà danh chỉ bạ nói.

-Cứ thử đề xuất xin nó đi, tôi đề xuất cùng.

Ông Bình lắc đầu.

- Tôi cũng muốn, nhưng dài thế xin không được đâu.

Tất nhiên ông Bình không thể nào xin được, còn mấy tháng thì người ta châm chước, tính ra lúc đó tôi còn đến hơn 43 tháng thì luật nào cho giữ ở quận.

Chiều hôm ấy ông Bình cho tôi gặp anh trai, tôi bảo anh cho 100 nghìn. Anh tôi đưa 2 tờ 50 nghìn.

Sáng trước khi lên xe ô tô chuyển quay lại Hoả Lò mới, tôi lấy ít hạt bánh trưng dính mỗi cổ tay một tờ 50 nghìn rồi phủ tay áo sơ mi dài xuống che.

Cơm canh bê vào, ông Bình bảo tôi chia cơm xong, ăn cơm rồi đi.

Cơm ở quận khá ngon, gạo trắng, rau xanh sạch, thịt rang thơm. Bữa nào cũng thế, có lần tôi khen cơm đây ngon gấp vạn lần cơm ở Hoả Lò. Ông quản giáo bảo bếp ở đây nấu cho cán bộ ăn, chúng mày được ăn ké, chỉ có thịt ít hơn thôi chứ mọi cái đều chung với cán bộ quận cả.

Mỗi mình tôi một xe ô tô từ Hoàn Kiếm lên Từ Liêm. Tôi không bị khoá tay vì ông dẫn giải là ông quản giáo cấp phó của ông Bình, khi xe đỗ lại ở sân trước cổng trại Hoả Lò mới, ông mới lấy còng sống 8 ra bảo tôi đưa tay cho ông khoá để dẫn vào bàn giao.

Bàn giao xong, ông mở khoá rồi nói.

- May mắn, chấp hành tốt nhé.

Vẫn Tính Xồm ngồi ở phòng hồ sơ, lẽ ra tôi tiền án tiền sự lần đầu, tôi phải được vào phòng tiền án tiền sự lần đầu. Nhưng Tính Xồm nó bán tôi cho quản giáo phòng nhiều tiền án, tiền sự. Nó nhìn hồ sơ thấy tôi trẻ, phạm tôi buôn bán, nhà lại ở phố cổ nên nó nghĩ nhà tôi có tiền, nó viết giấy đưa tôi vào phòng nhiều tiền án, tiền sự. Tức tôi phải ở được phòng đã có án xử ở bên khu chẵn.

Tôi bây giờ là dạng có án, không phải dạng giam cứu chờ xử hay điều tra.

Tính Xồm phân tôi sang bên lẻ, nơi có những kẻ án dài, phạm tội nhiều lần. Tên quản giáo buồng 1-3 nhìn tôi hài lòng, như nhìn con cừu. Nó không biết nhà tôi chẳng còn gì, anh chị tôi lo ăn từng bữa.

Tôi phải cám ơn ông Bình một lần nữa, đến giờ phút sắp không trong vòng tay ông ấy, ông không can thiệp được nữa, ông cho tôi gặp anh tôi và để anh tôi đưa tôi 100 nghìn trước mặt ông. Điều ấy là vi phạm, nhưng ông lờ đi để tôi có 100 nghìn mang theo hộ thân. Anh tôi bảo cứ lên đấy sẽ có người lo.

Đến phòng cán bộ dãy 1-3. Cán bộ bắt cởi quần áo để khám xét. Tôi cởi quần trước, rồi mới cởi áo, lúc trút cái áo ra khỏi tay là tôi xoay cổ tay lại và giơ hai tay trên cao. Phía cổ tay dán tiền xoay về phía tôi.

Tôi được đưa vào phòng đầy những kẻ xăm trổ, dữ tợn nhìn tôi hau haú. Tên trưởng buồng bắt tôi ngồi xổm để hỏi han, đằng sau là hai thằng to lớn cầm cái khăn dài. Tôi hiểu là chúng sắp tròng khăn vào cổ để tôi không kêu la, rồi đánh đập. Tôi bảo luôn.

- Em có tiền.

Tên trưởng buồng giật mình, hắn ngạc nhiên hỏi.

- Sao mày mang được tiền vào, tiền đâu ?

Tôi lấy hai bên tay ra hai tờ 50 nghìn đưa hắn. Hắn cầm nói.

- Thằng này được, cho ngồi ưu tiên 1.

Chúng mua một túi nylon rượu từ hội bếp hết 50 nghìn, 50 nghìn chúng mua thuốc phiện. Tối đó chúng chích và uống rượu rất vẻ sung sướng mãn nguyện. Chúng gọi tôi lên cho điếu thuốc lào, vừa ngon ngọt, vừa đe doạ. Ý chúng bảo khi đi gặp gia đình phải mang vào cho chúng 300 nghìn, nếu không thì nhừ đòn.

Tôi thầm mong gia đình tôi đừng gặp tôi lúc này, và mong người mà anh tôi nói lo cho tôi sẽ đến.

Khoảng 5 hôm, tôi thấy có người công an đi qua phòng tôi, tay cầm tờ giấy đi đến phòng quản giáo, tôi nhìn ông ấy thấy quen.

-3790 Q

Tiếng quát của trực chính ( tức tù tự giác bên ngoài, thường là những tay anh chị số má giang hồ ) ngoài cửa.

Tôi bật dậy kêu có, trực chính hỏi tên tuổi, án phạt rồi bảo.

-Lấy hết đồ, chuyển buồng.

Tôi lấy đồ, nhìn mặt bọn đấu gấu buồng đang nhìn tôi tiếc rẻ.

Tôi ra cửa, người công an kia cầm tờ giấy nhìn tôi cười và bảo.

- Đi theo tôi.

Tôi đi theo ông ta, qua cái dãy buồng 1-3 đến chỗ tiếp nối khu lẻ và chẵn, ông hỏi tôi.

- Có biết bà Quý Hàng Gai không ?

Tôi gật đầu trả lời.

- Bà ý là bạn từ thời con gái của mẹ cháu.

Ông cán bộ cười hiền hoà, rồi đưa tôi về phòng tiền án tiền sự đầu. Trực chính ở đây là anh Đạt nhà ở Ngã Tư Sở. Anh Đạt hỏi tôi nhà cửa, tội danh và thấy lý lịch ngon, kiểu như thấy cừu mà hội bên kia thể hiện. Anh là kẻ nhiều tiền án, nhờ lo lót được sang khu này làm trực chính. Ông cán bộ vào phòng quản giáo ghi tên tôi rồi quay ra, anh Đạt bảo.

- Thầy cho thằng em này về phòngg em, em quen biết nó ngoài kia.

Mỗi một buồng giam có 4 phòng, ví dụ buồng 1-3 là có 8 phòng. Mỗi phòng giam từ 30 đến 50 tù nhân. Mỗi phòng có trưởng phòng, có trật tự, bộ đội. Trực chính là cấp cao hơn 8 trưởng phòng, tức là trưởng buồng.

Ông cán bộ kia quát.

- Mày vớ vẩn, nó người nhà tao, tao vừa xin nó bên lẻ về.

Ông đưa tôi vào phòng cuối cùng tính từ lối đi vào, đó là phòng 6D.

Phòng cuối cùng bao giờ cũng đặc biệt hơn phòng khác, nó xa phòng cán bộ và ở góc cuối trại. Có thể nó là phòng tiêu diệt, nơi khắc nghiệt nhất và cũng có thể là nơi dễ chịu nhất. Vì ở góc cuối ít bị quan sát. Cán bộ trong trại đi lại cũng không qua mặt phòng, hơn nữa là trong phòng làm gì đã thấy cán bộ đi từ xa.

Ông quản giáo buồng 6-8 mở cửa phòng 6D, ông quát.

- Kỳ đâu.

Một tù nhân trắng trẻo, tầm 37 tuổi chạy ra. Ông bảo.

- Cho thằng này nằm cạnh mày. Không cho nó làm gì hết cả.

Anh Kỳ dẫn tôi vào phòng và chỉ chỗ tôi nằm cạnh anh.

Anh là trưởng buồng, nằm cạnh anh phải là người đứng thứ hai trong buồng. Đây là buồng án kinh tế, tiền án đầu hoặc tiền nhiều. Nằm cạnh anh là tôi được ăn uống cùng anh Kỳ. Cái lệnh không cho tôi làm gì hết sau tôi mới hiểu là tôi không phải đánh ai, không phải hăm doạ, bắt nạt ai, không phải trấn lột quà cáp.

Anh Kỳ người Sóc Sơn, anh bị án giết người xử 17 năm. Anh là trưởng công an xã, dân bắt được thằng trộm, anh hô

- đánh chết mẹ nó đi

Dân đánh chết thật, thế là anh đầu vụ đi tù 17 năm.
 
Phần 8

Tuổi hai mươi- phần 8.
Ở trong phòng 6D không có bộ đội, không có trật tự. Chỉ có anh Kỳ trưởng phòng và một câụ trẻ chia cơm canh. Ai có quà thì tự bớt lại một ít biếu anh Kỳ. Gia đình anh ở quê nghèo, đi tiếp tế xa. Vợ anh vài tháng mới đi gửi quà cho anh một lần, quà của anh chỉ có muối vừng, ít hoa quả, túi thịt kho.

Quản giáo họ cũng thương anh vì là đồng nghiệp, nên cho anh làm trưởng phòng.

Anh Kỳ hay tâm sự với anh Vinh, hai anh trạc tuổi nhau. Anh Vinh dáng người nhỏ nhắn, nho nhã, thư sinh. Anh bị tội làm vé xe đạp giả để trông xe thu tiền. Án tù đến 4 năm.

Anh Vinh hay làm thơ, khi làm được bài thơ nào anh lại nhờ người chia cơm canh, vệ sinh bên ngoài chuyển hộ sang cho ông bạn tù bên phòng 6A đọc. Anh và ông ý trước giam chung ở phòng giam cứu. Tôi cũng mượn giấy bút của anh làm thơ cùng cho khuây khoả. Bài thơ đầu tiên tôi viết trong đời mình là viết trong nhà tù.

... Thằng bé nhà bên đặt trùng tên

Mẹ nó gọi, mẹ con giật mình thảng thốt

Hiếu con à ! Chốn đó sống sao con ?...

Anh Vinh bảo, nếu bài thơ này in ở đâu, không ai nghĩ là một thằng tù viết. Chị tôi đến gặp, tôi bảo chị đưa mảnh giấy có bài thơ về cho mẹ. Lần sau chị gặp bảo thôi mày đừng làm thơ, mẹ đọc khóc nhiều lắm.

Khi tôi ra tù không có việc làm, ở nhà bán hàng nước giúp mẹ, một hôm buồn giở những kỷ vật mẹ giữ trong cái hòm sắt ra xem, có bài thơ tôi viết và những tấm ảnh trong tù, mẹ tôi giữ lại cẩn thận. Tôi lặng người.

Bây giờ trong văn phòng của tôi ở Berlin, bày biện những đồ cổ đắt tiền từ ngà voi, sừng tê giác. Lúc tôi đeo Patek, lúc tôi đeo Rolex, khi đi Lexus, khi đi Porsche..toàn tiền tôi mua chứ không mượn của ai cả.

Có người thân mắng tôi là khoe mẽ, thể hiện.

Họ không biết, tôi cũng chẳng muốn làm thế để làm gì.

Tôi làm thế để mẹ tôi ở quê nhà, thấy đứa con xa xôi không biết bao giờ gặp lại, mẹ tôi biết rằng tôi sống ở chốn xa đó rất đầy đủ và sung túc.

- Chốn đó sống sao con ?

Người cha, người mẹ nào mà trong lòng không khắc khoải câu hỏi ấy khi đứa con của mình ở một nơi mà mình không biết cuộc sống ở đó thế nào.

Tôi bảo với chị ở trong Hoả Lò này mà có giấy bút, làm đươc thơ là thuộc dạng điều kiện cao cấp rồi, mẹ thấy thơ tôi gửi về đừng có buồn.

Rồi tôi lại gửi mẹ bài thơ nữa, đó là bài thơ cuối cùng tôi viết trong tù và hình như là đó là lần cuối tôi làm thơ cho đến giờ.

...con sẽ về thôi mẹ thương ơi

Dầu cho cách trở một phương trời

Sa cơ, lỡ bước đời lao ngục

Trăm đắng phần con, vạn xót lòng người.

Nhưng tôi đang ở trong tù, những cảm xúc lâm ly về tình mẹ con cũng phải có lúc nhường chỗ cho thực tế cuộc sống đầy khắc nghiệt trong buồng giam.

Có anh Hùng ở Bạch Mai là lính mới vào buồng, anh có nhiều tiền án, nhà anh quen biết nên lo cho anh vào phòng này. Anh mặc bộ quần áo ga Tô Châu, thứ đồ của những tay anh chị mặc, người anh xăm trổ loang lổ.

Anh nhận quà gia đình, chẳng thèm bớt lại cho anh Kỳ. Đã thế anh đi lại nghênh ngang, khệnh khạng. Lần sau nữa anh nhận quà, thằng chia cơm canh trong phòng nói rất nhẹ nhàng với anh.

- Anh bớt ít cho anh Kỳ.
 
Anh Hùng trừng mắt chửi.

- Đm chúng mày, định trấn à, của ai người ấy cải tạo nghe chưa ?

Anh Kỳ bảo thằng chia cơm thôi không nói gì nữa. Không khi trong phòng trở nên ngột ngạt, những thứ vui vẻ, hoà đồng đã biến mất. Chắc chả mấy nữa anh Hùng sẽ nắm quyền và thiết lập kỷ luật trong buồng như các phòng giam khác.

Anh Vinh không còn tâm trạng làm thơ, anh và anh Kỳ thỉnh thoảng nhìn anh Hùng lo lắng.

Lại có người mới vào, đó là một thằng bé tội giết người, nó chỉ án có 6 năm. Nó đánh nhau thế nào đâm chết thằng hay bắt nạt nó, trấn lột tiền nó.

Khi nó rón rén vào chào các chú, các anh. Anh Hùng gọi nó xuống cuối phòng hỏi. Anh ngồi trên bục, còn thằng bé ngồi dưới như quan toà hỏi tội bị cáo.

Đó là điều chỉ xẩy ra ở những buồng giam khắc nghiệt và chỉ có đầu gấu nhất buồng mới được phép hỏi han người mới vào như thế.

Anh Hùng hỏi tội gì, án gì, nhà ở đâu, vào đây có biết luật không ?

Mọi người ai cũng nín thinh nhìn anh Hùng hỏi thằng bé.
Lúc anh Hùng cầm cái dép đế dày, chuẩn bị phang vào mang tai thằng bé. Tôi nghĩ đến lúc thằng Hồng đánh tôi ở quận cũng như thế, sự căm tức của tôi trỗi dậy. Tôi đi đến sau anh Hùng, đạp một cái làm anh ngã lộn cổ và chửi.

- Đm mày định làm đầu gấu ở đây à?

Tôi nhảy tiếp xuống dưới, đạp cho anh mấy cái, anh ngoi lên nhưng tôi quật ngã và đấm liên tục vào mặt. Mọi người xô vào kéo ra.

Tôi dõng dạc nói.

- Từ giờ anh Kỳ là trưởng buồng, còn tao giữ trật tự, thằng nào thích bật thể hiện luôn đi.

Mọi người đều đã sống với tôi cả tháng, con người tôi sống chan hoà thế nào họ cũng đã thấy. Tất nhiên họ ủng hộ và đều gật đầu.

Cái buồng tôi ở là buồng ai vào cũng lo tiền hay quan hệ họ hàng dây mơ rễ má với cán bộ. Chính vì thế cán bộ quản giáo để được thoải mái. Anh Hùng nhìn thấy toàn con cừu béo, nên nảy ý muốn làm trùm để chăn dắt, làm tiền. Ý đồ của anh ai cũng đọc được.

Thằng Tuấn Lò Lợn đứng ra bảo.

- Nhất trí Hiếu làm, tôi đồng ý, ai bật thì chơi luôn đi.

Anh Kỳ, anh Vinh và mấy anh lớn tuổi đều nói đồng ý.

Anh Hùng thấy bất lợi, anh ngồi im không nói gì nữa. Đêm hôm đó âm thầm, anh mài cái bàn chải đánh răng nhọn hoắt mà không ai biết.

Sáng hôm sau, khi cả buồng đứng cho cán bộ điểm danh xong, ông cán bộ trực hôm ấy là người đỡ anh Hùng. Ông đóng cửa và đi khuất, anh Hùng rút bàn chải vót nhọn lao từ phía sau đâm tôi.

Thế nào lúc sắp hàng, tôi thấy mắt anh nhìn tôi le lói âm mưu. Nên khi ông cán bộ đi, tôi quay lại xem anh ấy thái độ gì, vì đúng ca trực người đỡ của anh ấy tôi càng phải xem thái độ anh. Khi quay lại thấy anh cầm vật nhọn lao, tôi né được và nắm tay anh quật mạnh qua vai mình, đập anh xuống nền xi măng, anh nằm quay lơ. Tôi tước cái bàn chải và bảo anh Kỳ gọi cán bộ lập biên bản.

Mọi người bàn tán, cân nhắc. Anh Hùng bị đau ngồi im, mấy người lớn đến khuyên can, nói cho anh tính chất của phòng, ai cũng có người đỡ cả, không thể duy trì cuộc sống kiểu khắc nghiệt như buồng khác, đây chỉ là nơi tạm chờ đi trại cải tạo. Xuống trại mới là nơi sống đích thực.

Anh Hùng thấy không thể làm gì được, anh nhận sai và xin lỗi mọi người, hứa sống hoà đồng. Anh bắt tay tôi nói có va chạm mới biết nhau, tôi vui vẻ và thôi bỏ ý định báo cán bộ, đưa lại cái bàn chải vót nhọn cho anh Kỳ.

Đến tối mọi người quây quần, pha trà, cuộn thuốc lào, nói chuyện vui vẻ như chưa có gì xảy ra.

Nửa đêm tôi tỉnh dậy đi vệ sinh, thấy thằng bé mới vào án giết người đang ngồi gục cạnh bể nước. Tôi tưởng nó làm sao, lay vai nó. Nó quay lại nước mắt đầm đìa. Tôi bảo nó về chỗ ngủ đi, nó bảo.

- Em nhớ mẹ em lắm anh ơi.

Tôi dỗ nó về chỗ ngủ, quay về chỗ mình nằm. Chắc mẹ nó cũng như mẹ tôi, trong lòng đang khắc khoải câu hỏi.

- Chốn đó sống sao con?

Tôi lau nước mắt đang chảy và cố ngủ.
 
Phần 9

Tuổi hai mươi -phần 9.

.................

Tôi ra gặp gia đình, chị tôi đưa theo người yêu. Tôi bảo.

- Em đừng chờ anh, lo cho cuộc sống của mình.

Cô người yêu khóc, tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, trước mặt tôi là một quãng dài thời giam tăm tối. Cô khó có thể mà theo được ở tuổi mới 19, hơn nữa còn người quen dị nghị yêu thằng tù.

Tôi quay sang nói chuyện với chị tôi và hai thằng cháu mới lên 3, thằng Muối lấy chân đạp vào song sắt bảo thằng Phan.

- Tao và mày phá cái cửa này là cậu ra được.

Hai thằng bé con đạp vào hàng song sắt nhỏ ngăn cách giữa phạm nhân và người thân. Tôi bảo thôi đừng phá, rồi cậu sẽ ra. Cậu chỉ ở đây mấy ngày thôi.

Lúc sắp hết giờ thăm, tôi đưa cho người yêu mẩu giấy của anh Kiên cùng buồng viết gửi gia đình. Nhà anh Kiên và nhà người yêu tôi cách nhau không xa. Cô tưởng tôi viết nhắn gì riêng cho cô, nhưng nghe nói là gửi hộ người ta, cô lại nấc lên khóc.

Tôi gặp gia đình trở về buồng, nghĩ thương cô ấy. Nhưng biết sao được, để cô ấy tự do tốt cho cô ấy hơn. Vả lại con đường đợi tôi phía trước chông gai và gian nan lắm, ai đi theo mình chỉ có khổ. Người thân ruột thịt đã đành...

Anh Kỳ đi trại cải tạo, chức trưởng phòng trống. Đúng hôm anh Kỳ đi thì anh Thọ ở quận lên . Anh Thọ được cán bộ quản giáo dẫn vào phòng giới thiệu trịnh trọng.

-Đây là Thọ, em rể K...

Như nói ở phần tù dưới quận bài trước, anh Thọ là em của một đại ca mà tất cả giang hồ Việt Nam lúc đó đều nể, anh Thọ cũng nhiều tiền án, tiền sự. Anh có thể vào bất kỳ buồng nào, phòng nào xưng danh và làm đại ca , hưởng thụ mọi thứ từ có người đấm bóp, quạt, hầu hạ...nhưng sao anh vào phòng nhộn nhạo này ? Cả cái Hoả Lò bao nhiêu buồng, bao nhiêu phòng. Anh lại chọn phòng bình đẳng nhất để ở, anh không sợ ảnh hưởng số má giang hồ sao. Ở đây anh sẽ tự phục vụ mình như các tù nhân khác, ăn ở ngang hàng với mọi người.

Tất nhiên tôi và anh Thọ lại ăn chung, tôi cư xử như trước kia dưới quận ở đúng địa vị là em út của anh.

Nhiều tay anh chị số má ở các buồng khác chạy sang thăm anh Thọ, họ mời anh về buồng họ ( tù mà được chạy từ buồng này sang buồng khác như thế toàn là cỡ điều kiện khủng ). Anh lắc đầu.

- Thôi tôi còn có mấy ngày, ở đây với thằng em này.

Anh chỉ sang tôi. Nhiều tay anh chị lạ lắm, với thân thế của anh bao nhiêu tù nhân có tiếng tăm muốn anh về ở cùng không được, anh lại chọn tôi.

Anh Thọ là người dạy tôi bài học quý giá và hữu ích nhất trong cuộc đời tù, cái mà tôi áp dụng suốt những năm sau đó trong trại.

Sống trong tù chỉ cần bình yên đến ngày về. Mọi thứ như số má, tiếng tăm chỉ là thứ hão huyền, càng cố số má đời càng thảm. Chỉ mấy năm sau đó, anh K bị bắt và kết án tử hình. Tôi càng thấm lối sống của anh Thọ hơn.

Tôi hiểu vì sao nhà tôi dặn người đỡ cho tôi.

- Không cho nó làm gì cả.

Có nghĩa không cho làm trách nhiệm, làm trưởng buồng, làm trật tự...chỉ sao sống yên là được.

Nhưng đó là lối sống khó nhất trong tù, nơi chỉ có hai loại người là loại đi chèn ép và loại bị chèn ép. Nói theo tiếng lóng là bộ đội và nhân dân. Bộ đội là trưởng buồng, trưởng phòng, trực chính, trật tự..còn nhân dân là những kẻ ngồi bó gối suốt ngày, duỗi cái chân ra cũng bị đánh thành thương tật. Ngước mắt nhìn cũng bị quy tội nhìn đểu, soi đểu ăn đòn thấu xương.

Anh Thọ làm buồng trưởng, nhưng mọi thứ vẫn như cũ, của ai người ấy ăn, ai làm gì thì làm. Đi lại nói chuyện hay gọi sang buồng khác ời ời anh cũng chẳng quan tâm.

Anh Kiên có chút dây dưa quen biết với quản giáo nên được vào phòng này, anh xin quản giáo cho đi làm trưởng phòng 8D, anh rủ tôi đi cùng nhưng tôi không đi.

Có anh Sơn ở khu nhiều tiền án, tiền sự chuyển sang vào phòng, anh Sơn gần nhà anh Hùng Bạch Mai, họ biết nhau nên ở cùng nhau. Tuy nhiên thì uy của anh Thọ như đã nói, đến vài chục anh Hùng cũng chẳng là gì với anh Thọ ngoài xã hội cũng như trong tù. Nếu phân chia cấp bậc như quân đội trong giang hồ thì anh Thọ phải tầm trung tướng, còn các anh kia chỉ cấp uý.

Anh Thọ hết án về, anh chỉ bị xử 4 tháng 15 ngày.

Hôm anh về, không phải ca trực của người đỡ tôi, mà cả trực của quản giáo khác. Một buồng như 6-8 có hai quản giáo chính trực thay nhau ban ngày, ban đêm thì các quản phụ trực đêm. Người đỡ tôi là phó, còn người kia tên Quốc là chính.

Ông Quốc chính là người dẫn anh Thọ vào, ông cũng là người mở khoá niềm nở chào anh Thọ thông báo anh ra tù.

Tôi ra cửa chia tay anh Thọ, ông Quốc nói từ giờ tôi là trưởng phòng.

Anh Hùng và anh Sơn đều là người ông Quốc đỡ, anh Thọ về rồi. Tối đó cả hai anh bảo tôi ngồi nói chuyện, lại là chuyện hai anh muốn làm trật tự phòng. Các anh bảo phải đưa phòng vào quy củ. Tôi bảo để tôi nghĩ đến chiều mai sẽ quyết.

Sáng hôm sau ông Quốc vẫn trực, chẳng thấy người đỡ tôi đâu. Tôi xin ông Quốc.

- Cháu ít tuổi, mới tù lần đầu không làm trưởng phòng được ạ, thầy cho cháu sang ở với anh Kiên.

Ông Quốc bảo.

- Mày muốn thì tao cho thôi, nhưng mai mày nói với ông B là mày xin nhé, không ông lại tưởng tao chuyển mày.

Tôi khăn gói sang buồng 8D, ông Quốc mở cửa cho tôi vào, gọi to.

- Kiên, ra mà đón em mày naỳ.

Anh Kiên mừng quýnh chạy ra đón tôi vào, chỉ chỗ nằm cạnh anh. Chỗ của anh ở trên đầu rộng đến hai cái chiếu đôi. Cách chỗ anh khoảng tầm một cái chiếu đôi mới có mấy người ngồi san sát nhau.

8D mới là nơi thực sự diễn ra đúng những gì khốc liệt nhất của nhà tù, nó chỉ cách 6D vài chục mét nhưng có thể so sánh đó là thiên đường với địa ngục trong tù.

Cả hai hàng tù nhân ngồi bó gối im phăng phắc, anh Kiên uy dũng đi lại giữa buồng, một vài cái nhìn trộm vào tôi rồi cúp xuống rất nhanh.

Anh Kiên bảo tôi đi tắm.

Tôi bước chân vừa xuống khu tắm thì một thằng chạy sộc tới, tôi giật mình hoảng sợ tưởng bị đánh. Ngẩng đầu lên thấy nó cầm gáo nhựa bảo.

- Anh gội đầu để em múc nước cho.

Tôi cúi đầu để nó dội nước từ tốn, cẩn thận. Tắm xong tôi lên chỗ anh Kiên, thấy có thằng đang kính cẩn pha trà, cuốn thuốc laò. Cuốn xong nó đốt qua cho cái vỏ báo cuốn thuốc cháy thành than nhưng rất khéo là không bị vỡ, như thế để người hút không bị mùi giấy báo, rồi nó hai tay trịnh trọng dâng điếu thuốc đưa cho anh Kiên.

Cơm chiều dọn lên, anh Kiên ngồi khoanh chân, người bưng cái này, kẻ bê cái kia, người cầm quạt quạt. Tôi và anh ngồi ăn, ở bên một thằng đứng để chờ anh sai gì, một thằng quạt, một thằng đi đun nước để chúng tôi ăn xong có trà uống.

Ăn xong, lúc uống nước, cả buồng im không tiếng động, anh Kiên gằn giọng.

- Thằng gặp gia đình hôm nay đâu, lên đây.

Thằng gặp gia đình khúm núm đi đến, nó tự giác quỳ ở dưới thềm, trước mặt anh.

Anh Kiên hỏi.

- Sao mày không chấp hành ?

Chấp hành có nghĩa là bảo nhà đưa tiền mang vào, thằng đó bảo nhà nó không mang, lần sau gặp sẽ mang.

Anh Kiên bảo nó nằm sấp xuống, anh từ tốn thong thả đứng dậy, lấy gót chân dận mạnh xuống hai bên mạng mỡ nó, anh đánh từng cái thịch, thằng kia oằn người, anh đánh nhẩn nha cho cả buồng xem đến lúc thằng kia lịm đi, anh bảo hai thằng đệ tử bên cạnh khiêng về chỗ.
 
Anh Kiên nhà ở trong chợ Gia Lâm, chỗ soát vé từ Hà Nội sang rẽ phải vào, anh làm nghề sửa chữa khoá. Mấy thằng trộm rủ anh đi phá khoá trộm cửa hàng. Anh trước ở buồng 6D rất hiền, sau này tôi ra tù có gặp anh đang có cái bàn chữa khoá ở chợ, anh vẫn hiền.

Ở với anh Kiên đến sáng hôm sau thì ca trực của ông B. Ông thấy tôi chuyển phòng, mở cửa cho tôi ra phòng ông hỏi chuyện.

- Sao không thích ở kia nữa à?

Tôi nói ông Quốc cho tôi làm trưởng buồng, tôi không muốn làm nên xin sang anh Kiên.

Ông B gật đầu hài lòng, ông đưa tôi về phòng và bảo anh Kiên.

- Anh em bảo nhau chấp hành cho tốt nhé.

Anh Kiên mừng rơn, vâng dạ rối rít. Thì ra anh vẫn ngại ông B, tuy được ông Quốc đỡ nhưng mà được lòng cả ông B càng tốt hơn, vì thế anh rất muốn tôi về cùng anh.

Có người mới vào, tối hôm đó anh Kiên gọi hỏi han, xong anh hất hàm ra hiệu cho hai thằng đệ tử lôi người mới xuống dưới khu tắm.

Chúng bắt người mới nằm sấp và dận hai bên mạng mỡ, sau đó nằm ngửa chúng dận vào ngực. Cuối cùng chúng dùng dép quật vào hai bên mang tai người mới.

Tôi chứng kiến mà rợn hết người vì sợ, nghĩ lại lúc mới vào bên lẻ, may là có 100 nghìn anh Hưng tôi cho và sự làm ngơ của ông Bình. Nếu không có sự sắp xếp tưởng như vô tình ấy của ông Bình, chắc hôm đó tôi đã chịu trận đòn khốc liệt như này.

Nghĩ đến chuyện Thuỷ Hử đã xaỷ ra mấy trăm năm trước, những anh hùng bị đi đày, đến nhà lao cũng phải cúi đầu xin xỏ và dâng bạc để thoát trận phủ đầu, tưởng chỉ là trong chuyện kể không ngờ mấy trăm năm sau ở trong nhà tù cũng vẫn vậy.

Người bị đánh lịm đi, dường như bọn đánh đã quen nên chúng mới lôi xuống khu đấy đánh, chúng dội nước lên người bị đánh một lúc thì người kia mở mắt và bò về chỗ nằm dưới sự giám sát của hai thằng đao phủ.

Tù ma mới bắt nạt ma cũ, tù mới không có tiền, không có người quen, không có số má tên tuổi vào kiểu gì cũng phải ăn đòn. Kể cả người can trường , dũng cảm vào mà chống lại. Một thằng thít cổ, hai thằng bẻ tay, hai thằng đánh vào ngực và mạng mỡ.

Bị đánh xong, còn bị đi kỷ luật cùm chân. Bọn đầu gấu trong buồng chỉ cần báo cán bộ thằng mới vào thái độ không chấp hành nội quy, là cán bộ không cần hỏi nhiều cho án kỷ luật đưa đi cùm. Nếu không đánh thế, tù gặp gia đình không chịu mang tiền vào thì tiền đâu cho cán bộ. Bọn đánh người kia thực ra chỉ là tay sai của cán bộ. Làm gì có chuyện cán bộ không biết người mới vào bị đánh thế nào.

Có nhiều người anh hùng, bất khuất bước vào nhà tù bị đầu gấu bắt quỳ hỏi han, đã thái độ đứng dậy và kết cục là một trận mưa đòn, sau đó tàn phế suốt đời hoặc chết luôn lúc đó.

Anh Kiên lạnh lùng rít hơi thuốc rồi đưa cho tôi hút, anh nói.

- Tù không tiêu diệt là nó lấn, cờ đến tay ai người ấy phất, lúc mình bị đánh thì lúc khác mình cũng đánh người.

Tôi vẫn choáng váng bởi chứng kiến trận đòn ban nãy. Bị người ta đánh thế không chỉ đau lúc ấy mà còn ảnh hưởng di chứng đến nhiều năm sau. Đánh người ta như thế, lỡ tàn phế là cầm chắc thêm án tù, chưa kể người ta thù đến lúc cờ đến tay họ, gặp họ ở phòng khác thì xác định chết chín phần mười.

Tôi càng nể anh Thọ, anh ấy có đủ điều kiện để sống trong tù không phải đánh ai cả mà vẫn ung dung. Còn hầu hết đều phải chấp nhận đứng trong hàng ngũ của phe cai trị để miếng ăn của mình ngon hơn người, quyền lợi hơn người và chỉ đánh người chứ không bị người đánh.

Gia đình tôi còn khuya mới đủ lực lo cho tôi đứng ngoài vòng xoáy tàn khốc của nhà tù trong thời gian dài, tôi không ở bên này sẽ bị đẩy xuống tận đáy của bên kia. Tôi không muốn đánh ai và càng không muốn ai đánh mình cả.

Tôi găp gia đình, nói hoàn cảnh. Nhà tôi bảo sẽ nói với ông B.
 
Đăng tiếp đi m hoặc cho link đọc trực tiếp sao seach google ko ra truyện này nhỉ
 
Đăng tiếp đi m hoặc cho link đọc trực tiếp sao seach google ko ra truyện này nhỉ
Này hình như bên facebook
Mà face Hiếu Gió bị hack liên tục nên khứa nào lưu đc bài thì h chia sẽ thôi
 
Còn up tiếp đi mày!
Tuổi Hai Mươi- Phần 1.

...............................

Năm ấy tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà, tôi ở với bố tôi căn nhà bên sông Hồng, ở bãi Phúc Tân. Đó là một căn nhà cấp 4, mái ngói đỏ, kiểu nhà phổ biến ở các vùng quê. Có một khoảng vườn đằng trước, một vạt sân và một khoảnh vườn đằng sau, một chái bếp vách nứa, mái rạ. Có cái chum đựng nước mưa. Tuy rằng nó chỉ cách nhà Phất Lộc tầm 800 mét, nhưng cảnh vật y như quê.

Tôi xin đi làm được ở một chỗ làm ép cao su, người ta gọi văn hoa là lưu hoá. Công việc là ép má phanh, ép lốp, dây cua roa và cả dép cao su.

Ông chủ cơ sở nghiện thuốc phiệ.n, chỉ có hai người thợ làm là tôi và anh Thảo, ông chủ chỉ về lấy hàng mang đi đổ hay mang vật liệu về, dặn chúng tôi làm gì rồi ông đi. Nói là ông chủ nhưng chỉ hơn tôi vài tuổi. Có lúc về thì ông chủ mắt lim dim, mơ màng ngồi một chỗ.

Thuốc phiệ.n ngày ấy rẻ, 3 bi thuốc phiện bằng một bao thuốc lá. Nhưng ông chủ lại thêm món xóc đĩa, chẳng mấy chốc hết vốn và phá sản.

Xóc đĩa và thuốc phiệ.n là hai thú chơi phổi biến của lứa thanh niên vào những năm 85 đến 95.

Bố tôi bảo tôi về quê Đình Bảng học nghề thịt lợn , học thêm cả nghề mộc bên làng Đồng Kỵ. Câu chuyện này tôi đã viết nên chỉ kể sơ qua.

Lúc tôi ở quê thì bố tôi mất. Tôi về lại căn nhà ở ven sông, ở một mình.

Năm ấy tôi sắp tròn 21 tuổi.

Tôi tìm gặp anh Thảo, người làm cao su trước kia với mình để xem có việc gì làm, anh dẫn tôi đến bàn đèn của anh Tiến Lợn chỗ bãi Long Biên gặp mấy anh em làm bến bãi. Dạo đó dân giang hồ thường làm bến bãi. Bất cứ ở đâu cũng thành bến, thi tiền bốc vác bảo kê. Mấy anh em kia tên Huy, Chính M làm ở phố Lãn Ông. Hàng ngày các xe xích lô chở thuốc đến hay đi đều thu tiền theo bao.

Các anh nói ở chỗ các anh thừa người, không nhận thêm được.

Anh Tiến Lợn than dạo này hàng mua khó ( hàng tức thuốc p.hiện). Tôi chợt nhớ ở đơn vị mình có thằng Khoa người Nghệ An, lúc nào nó cũng có tiền tiêu pha thuộc loại khá giả nhất đơn vị, Khoa nói với tôi nhà nó buôn thuốc phi.ện, tôi nhớ có lần nó về phép rủ thằng Tiến ở Hàng Thiếc về cùng. Tôi nói anh Tiến Lợn có thể có nguồn mua.

Tôi đến nhà thằng Tiến, hỏi địa chỉ nhà thằng Khoa, nó vẽ đường cho tôi.

Tôi về nhà hỏi mẹ bố có để lại ít tiền nào để tôi làm vốn không. Mẹ tôi lắc đầu bảo không. Thôi con đến vay dì xem sao.

Dì tôi cho tôi mượn 2 chỉ vàng. Tôi bán đi được hơn 1 triệu. Nhảy xe vào Nghệ An, tìm đến nhà thằng Khoa.

Khoa gặp tôi nó mừng, thết đãi người bạn cùng quân ngũ cũng đâu ra đó, khi tôi ngỏ chuyện muốn mua hàng. Nó bảo nhà nó giờ đã chuyển sang buôn gỗ, nhưng nó cũng giới thiệu cho tôi nhà người quen. Tôi mua được 8 lạng thuốc phiệ.n giá 1 triệu, dắt vào người rồi nhảy xe về Hà Nội.

Tiến Lợn xem hàng rất kỹ, sau này tôi mới biết anh ta chẳng kinh nghiệm mẹ gì trong việc mua hàng sống, anh ta chỉ hút xong mới biết hàng tốt hay không, lúc đó anh ta ra vẻ xem để dìm hàng tôi. Xem xong anh ta trút luôn 8 lạng của tôi vào nồi và nấu. Chẳng nói gì đến chuyện trả tiền.

Một ngày anh nấu xong, hút thử hai chục điếu, nói hàng này cũng thường.

Khách đến hút, anh ta đổ những viên thuốc ph.iện nhỏ ra đánh cho họ hút. Khách khen hàng đợt này được. Anh ta cũng chẳng nói đến chuyện trả tôi tiền, buộc lòng tôi phải ở nhà anh ta chờ tiền. Khoảng một tuần anh ta trả tôi 1, 5 triệu.

Hoá ra Tiến Lợn chẳng có tiền vốn gì cả, khách người ta mua thuốc phiệ.n đóng túi nylon ở Đào Duy Từ đến chỗ anh ta hút, trả công tiền chỗ bằng bằng tỷ lệ 3 và 7. Họ hút 7 điếu cho anh ấy 3. Nhờ có 8 lạng thuốc phiện của tôi mà anh ta có số vốn nhanh chóng trong vòng nửa tháng.

Tiến Lợn là thương binh chống Mỹ, anh ta ỷ thế thương binh bị bệnh tật, hút thuốc phiệ.n giảm đau. Công an cũng chẳng làm gì gay gắt, họ biết nhưng chỉ nhắc nhở và chẳng làm khó gì anh ta mấy.

Mỗi tháng anh ta lấy 1 lần, 1 lần chỉ 1 cân, tôi được lãi 500 nghìn. Tôi thấy cần làm gì thêm, nên nấu thuốc phiện và cắt thành từng viên nhỏ, đóng túi nylon loại 20,30,50 giao cho ông Cường Qùe bán ở gốc cây bàng ngã ba Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ.

Cái gốc cây bàng ấy nổi tiếng đến nỗi nó thành một địa danh của dân nghiện, cứ nói đến Gốc Cây Bàng là lẽ ra phải viết hoa, quanh gốc cây bàng ấy là nhà tiêm chích, nhà bàn đèn, nhà bán mang về như một trung tâm phục vụ con nghiện ở đất Hà Nội. Dân nghiện gọi đó làm Tam Giác Vàng vào đầu những năm 90.

Dân nghiện bàn đèn có nhiều loại, nhưng họ thường khá giả hơn dân hút. Trong đám dân nghiện hút có những người làm cán bộ, là chủ cơ sở sản xuất, là chủ cửa hàng, có cả nhà văn hay nhà báo hoặc những tay giang hồ anh chị có số má như Đội Tường, Phúc Phật, Cương Lùn..và có cả công tử con một như thằng Hiệp bên Ba Lan bây giờ, thằng Hiệp mà năm 2016 cầm của tôi số đồng hồ trị giá 50 nghìn euro đưa cho ông Thích Minh Hiền trụ trì ở chùa Hương, giờ vẫn chưa đòi được ông ấy tiền.

Tôi không phải người buôn lớn, tôi làm đủ sống và dư dật chút, có nhiều thời gian. Tôi mua sách đọc, tôi ham đọc sách từ nhỏ, bẵng đi vài năm đi quân đội không đọc. Lúc đó có thời gian, tôi đọc rất nhiều, sách mua về phải đóng mấy giá đựng. Trong căn nhà cấp 4 ở ven sông ấy, chẳng có gì giá trị, tôi nấu ăn bằng bếp dầu, có mấy cái nồi nhôm đen đúa và mấy cái bát và một cái xe đạp Pơ Giô nam màu đen bố tôi để lại treo ở trong bếp, vì chẳng còn mấy ai đi xe đạp nữa.

Có lẽ cái xe đạp ấy là của bố tôi để lại cho tôi, có người trả tôi 90 nghìn, tức bằng khoảng 1 phần 5 chỉ vàng. Nhưng tôi không bán, tôi treo nó để nhớ bố tôi.

Một ngày tôi về không thấy cái xe, chắc trộm đã trèo tường vào lấy nó đi, tôi cũng không tiếc lắm về giá trị, chỉ áy náy là xe của bố đi mà mất. Sau này khi làm giám đốc công ty quảng cáo, có tiền tôi cũng cố lùng mua cái xe như thế không được. Mãi đến năm 2021 thấy ở Pháp có người bán cái xe như thế, tôi đã sang tận nơi mua và gửi về cho anh chị tôi, nói hãy giữ cái xe đó với căn nhà mà bố tôi đã di chúc cho tôi.

Ở bàn đèn người ta hay xích mích, khách nhiều khi giận chủ lò chuyển sang lò khác hút. Tiến Lợn lúc không có vị gì thì ngon ngọt, lúc có điều kiện lại giọng kênh kiệu khinh người. Mấy anh em làm bến Lãn Ông giận bỏ đi, họ gặp tôi bảo hay là mày mở mẹ bàn đèn ở nhà đi, nhà mày rộng, không có ai. Cho anh em có chỗ tụ tập.

Tôi nghe có lý, vì cũng rảnh, thế là tôi sắm bàn đèn.

Ở tuổi 21, tôi trở thành một huyền thoại.

Có điều đó là huyền thoại trong làng bàn đèn thuốc ph.iện. Tôi là người duy nhất mở bàn đèn mà không bao giờ hút một điếu thuốc phiệ.n nào, không có ai bằng tuôi tôi có thể nhìn bằng mắt thường hàng sống mà đánh giá được chất lượng của thuốc phiện khi thành điều hút. Có vô vàn loại hàng từ các vùng như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thượng Lào, Hạ Lào...chúng được gói trong giấy bản, trong túi nylon. Các chủ bàn đèn thường khêu một tí, nấu qua, hút thử đợi một hai tiếng thuốc ngấm mới đánh giá được. Tôi chỉ cần cầm cái que vạch vài nhát và nhìn là đánh giá được. Có tay buôn mang đến 5 kg hỏi tôi mua, tôi nói chỉ mua được 2 kg. Anh ta loay hoay tìm cách chia, tôi bảo đưa cả bọc đây, tôi nâng nâng ướm thử rồi câm kéo cắt một nhát dứt khoát đưa lại cho anh ta. Anh ta cân một chỗ 2 kg, ngạc nhiên anh ta cần chỗ còn lại đúng 3 kg. Anh ta nhìn tôi ngỡ ngàng hỏi.

- Mày là người hay là ma.

Ai cũng nghĩ tôi nghiện, từ lúc đó đến giờ đã 30 năm, nhiều người vẫn nghĩ tôi nghiện.

Nhưng 30 năm qua ấy, chưa có ai nói rằng họ nhìn thấy tôi dùng thuốc phiện bao giờ cả, dù là bất cứ loại ma t.uý gì cũng thế, chẳng ai nhìn thấy tôi dùng.

Mở bàn đèn là một sai lầm, nếu như buôn thì không phải giao tiếp với các người nghiện, chỉ giao dịch với chủ lò hay người bán như ông Cường Què. Mở bàn đèn hàng ngày phải giao tiếp, phục vụ những người nghiện. Khi họ thiếu thuốc, lúc họ phê thuốc hay lúc họ không có tiền, có tiền và đủ thứ chuyện khác nữa như chuyện vợ, bố mẹ họ đến tìm.

Và những đêm đông cô độc, trong căn nhà ven sông, gió bấc rào rạt thổi trên mái nhà, một mình bên ngọn đèn dầu lạc ma mị, liêu trai. Nằm đọc sách dưới ánh sáng của ngọn lửa từ bóng đèn hút thuốc phiệ.n hắt ra. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi không thử làm vài điếu.

Cho đến giờ đã hơn 30 năm qua, ở tuổi đã quá ngũ tuần. Tôi nhận ra được lúc đó mình tránh được cám dỗ bởi có một thứ ngăn cản.

Nghe có vẻ giáo điều và vớ vẩn.

Đó là những cuốn sách mà tôi đã đọc, thứ mà đã ngăn cản tôi không sa vaò những gì tệ nạn và bị nô lệ bởi tệ nạn. Khi tôi đọc chuyện ma thời xưa, có những chàng thư sinh ban đêm chong đèn đọc sách. Những hồn ma không thể hại họ.

Thuốc ph.iện có tên gọi khác là ma tu.ý tức con ma làm hại người ta say mất tri giác.

Có lẽ vì đọc quá nhiều sách, chúng tạo trong con người tôi một tính cách, một bức tường phòng ngự để ngăn những điều tệ hại xâm nhập vào.

Nếu bạn đọc đến đây, cho tôi là hoang tưởng. Nhưng bạn đặt câu hỏi, vậy thứ gì ngăn tôi không trở thành kẻ nghiện ngập ? Trong hoàn cảnh như thế, xuất thân như thế, điều gì ngăn cản tôi không bị tệ nạn cám dỗ?

Thôi, tôi trở lại với tuổi hai mươi của mình, tôi viết để cho mình nhớ lại những thời khắc xa xưa. Tôi sẽ cố gắng mỗi ngày dành thời gian viết một đoạn, tôi sẽ dừng lại ở tuổi 27.

Phần 2


Tuổi hai mươi-phần 2.

Những người khách đến bàn đèn tôi đa số đều là thanh niên. Công việc của họ người làm bến bãi, người lái xe lam và trộm cắp phụ tùng ô tô. Quanh đi quẩn lại cùng toàn anh em quen với nhau. Thường ngày người ta đến vào buổi sáng và tối. Giữa thời gian đó tôi có thể đi chơi hoặc làm việc khác, như đi tìm mối bán buôn.

Anh Khanh Bái lái xe lam, loại xe ba bánh chở khách thịnh hành lúc ấy. Xe đón khách ở bến xe Long Biên đi về các nơi như dạng taxi bây giờ. Tuỳ theo khách, gặp khách quê hay người lành, anh chở nửa đường dừng lại đòi tiền. Lý do tiền đòi thêm là tiền vào bến, tiền qua trạm thu phí và tiền trời ơi gì đó muôn hình muôn vẻ. Khách mà cứng đầu anh lôi thanh sắt dắt sau ghế ngồi ra, người anh ghè vào chân, người anh ghè vào đầu. Đa phần họ đều sợ mà trả tiền như anh muốn cho xong.

Có lần tôi đi với anh, anh bảo tôi, mày giả vờ làm khách, lúc tao doạ lấy tiền, mày vờ sợ trả tiền tao cho chúng nó làm theo.

Một cặp vợ chồng ở tỉnh lên Hà Nội mua tivi nội địa hàng bãi của Nhật, chở từ bến xe Gia Lâm sang đến giữa cầu Chương Dương thì anh dừng lại bảo thu tiền. Anh đòi 5 nghìn một người, trong khi lẽ ra chỉ 2 nghìn một người. Tôi bảo giá chỉ 2 nghìn, anh rút cái gậy sắt ra dí mặt tôi chửi.

- Đm thằng ôn con thích mặc cả không.

Nói rồi anh vụt nhưng trúng vào cái sắt khung sườn xe lam, tiếng sắt va chạm nhau khiến vợ chồng kia mặt xanh lét, tôi móc tiền trả anh 5 nghìn rồi ngồi im thin thít.

Anh quay sang bảo vợ chồng kia trả 15 nghìn, họ ấp úng nói sao 2 nghìn đã thành 5 nghìn một người, giờ 2 người lại là 15 nghìn.

Anh Khanh bảo.

- Đm chúng mày ngoại tỉnh, thỉnh thoảng mới đi, giá nó khác. Người ta ở đây hay đi giá nó khác.

Họ bảo người đâu cũng là người, sao lại ép họ như vậy.

Anh Khanh cầm thanh sắt như chuẩn bị vụt, mắt anh long sòng sọc chửi.

- Thế đccm chúng mày có thấy bọn Tây nó cũng là người, nó đi tàu xe hay vào ăn có giá như người Việt không, lý sự bố cho một nhát bây giờ.

Nói rồi anh cầm cái cây sắt thọc vào hông người ta.

Tôi đưa mắt nhìn họ như bảo thôi trả cho xong. Họ cũng chẳng biết làm gì hơn, đành trả 15 nghìn.

Một ngày anh Khanh kiếm được đến 100 nghìn, anh hút thuốc phi.ện hết 30 nghìn. Anh chỉ khoảng 24,25 tuổi nhưng đã có vợ con. Hàng ngày anh đánh xe lam quanh quẩn dọc phố Nguyễn Văn Cừ, bến xe Long Biên, ngã ba Câù Chui để săn khách. Chẳng biết lúc anh thiếu thuốc, chưa hút thì thế nào. Nhưng anh đến chỗ tôi hút xong, tôi đi cùng anh thì thấy anh linh hoạt, nhanh nhẹn và sục sạo hau háu nhìn những người đi đường mời chào rất tràn trề sinh lực. Anh ngọt ngào chào khách.

- Bác ơi, anh ơi, chị ơi đi đâu em chở cho nhanh, trời nắng chờ xe buýt làm gì, đi xe ôm làm gì, xe em có che nắng, thoáng mát, em chở tận tình đến nơi đến chốn.

Lúc ấy anh tươi tắn, đon đả và lễ phép lắm. Nhưng khách lên xe rồi đi một đoạn thì anh sẽ như đoạn vừa kể trên. Anh còn phanh áo ngực lộ hình xăm con đại bàng và đặc biệt nhất thái độ anh cầm cây sắt khiến người ta cảm giác là anh đã vụt nhiều người rồi chứ không phải là doạ.

Nhưng có lần gặp một bà già, anh liến thoắng u ơi u này, anh chở bà đến nơi và lấy đúng giá 2 nghìn.

Anh nói với tôi, cũng nhìn tùy người mà vặt thôi em à.

Đến một hôm tôi không thấy anh đi làm, anh hút xong nằm thở dài. Hỏi sao không đi làm, anh kể xe đặt rồi, đặt 2 triệu, đánh xóc đĩa thua rồi. Anh bảo đêm nay đi đánh phục thù, một là mất xe thì đi ăn cắp cùng bọn thằng Tuyển. Tối đó anh quay lại, hút xong rồi bảo tôi đi với anh, cầm tiền cho anh.

Anh đưa tôi 7 triệu dắt trong bụng, chúng tôi đi xe ôm lên hàng Giấy, sới xóc đĩa của nhà Oánh Phở.

Dân giang hồ Hà Nội đầu những năm 90 ai cũng biết sới nhà Oánh Phở.

Chúng tôi trả tiền vào cửa, lên trên gác sới bạc đang diễn ra. Ông Hùng Riềm trùm bến Hải Phòng cùng các ông Hùng Lan, Dân Chấn quây quanh và nhiều con bạc khác. Ông Tân Hàng Tre thì ôm bảng vị. So với các ông ấy bọn chúng tôi là tiểu yêu, lên chỉ đứng ở tuyến hai chứ không đủ tuổi ngồi.

Đặt xe 2 triệu, lấy thêm 7 triệu nữa cầm theo, tôi thấy anh Khanh Bái ngồi rón rén đánh cao lắm 2, 3 trăm nghìn một, nghĩ đánh thế này có khi chẳng đủ tiền trả lãi vay và tiền vào cửa, nhìn ngứa mắt nhưng chẳng dám thúc anh ấy đánh bạo tay.

Lúc này bạc đang đổ cả cầu chẵn, mấy cái sấp đôi rồi về sấp bốn, rồi lại sấp đôi và ng
 
anh Thọ với anh Kiên sao lại tốt với nhân vật chính vậy ae, t đọc nãy giờ mà k hiểu
 
Ông B có quan hệ gì đó gia đình với bác Quý, bác là bạn mẹ tôi từ thưở 13, 14. Tôi không rõ ông B là gì, nhưng ông ấy kính trọng bác Quý như bác là mẹ ông ấy.

Anh chị nghèo không có tiền lo lót, mẹ tôi càng nghèo. Nhưng mối quan hệ bạn bè từ thời mồ ma ma thực dân Pháp của mẹ tôi với bà Quý đã giúp tôi thoát được những hiểm nguy trong trại Hoả Lò. Nếu như mối nâng đỡ của ông B mua bằng tiền, thì số tiền ấy rất lớn, ông Quốc cũng phải được chia, các cấp trên ông B cũng được phần. Nhưng họ biết ông B với tôi là chỗ gia đình, ******* có luật ngầm của *******, chỗ nào ăn tiền, chỗ nào là tình cảm thực sự.
Tôi không trách thằng Dưa, bởi tôi quan hệ với nó là tiền, tiền không đủ thì nó thịt. Mối căm thù với nó tan nhanh, thứ mà đọng lại trong tôi suốt mãi cuộc đời này là mẹ tôi.

Mẹ tôi có thể nghèo, bà không có tiền cho tôi. Thế nhưng mẹ tôi phải sống nghĩa tình lắm với bạn bè, để từ khi còn thiếu nữ đến lúc thành bà nội mà cái nghĩa tình ấy dư sức cho tôi trải qua gian nguy, lúc mà tiền bao nhiêu cũng khó đủ lo cho được.

Ông B mở cửa cho tôi ra ngoài, ông bảo từ giờ tôi ở bên ngoài làm vệ sinh và phục vụ cán bộ.

Một buồng như 1-3 hay các buồng khác như 6-8 có từ 300 đến 400 tù nhân, chỉ có 2 đến 3 phạm nhân ở bên ngoài. Một là trực chính, hai là cơm canh, cùng lắm mới có thêm người phục vụ cán bộ. Số bên ngoài ấy thường phải có quan hệ từ ban giám thị.

Tôi làm bên ngoài chăm chỉ, nghĩ ra việc mà làm. Những người ở bên ngoài đều là anh chị tên tuổi lừng lẫy, họ làm chỉ lấy lệ. Tôi thì làm thật, khác biệt với những người khác là dùng việc chạy ngoài để tạo số má, quan hệ. Tôi thì cắm đầu quét dọn, lau chùi, giặt quần áo, rửa ấm chén, khơi cống thoát nước.

Các quản giáo trực ngày họ không đề phòng tôi như những tù nhân khác, họ coi tôi là thằng bé ngoan, vô hại. Các quản giáo phụ trực đêm cũng vậy. Lẽ ra hết giờ quản chính về, tất cả trực ngoài phải vào buồng khoá chốt. Quản đêm không được phép cho ai ra ngoài. Nhưng lúc giao ca tôi vẫn làm gì đó chưa xong, nên quản ngày không bắt vào, quản đêm thì kệ cho tôi làm. Lúc nào tôi báo xong , xin thầy cho về phòng thì họ mở cửa cho tôi vào. Ban bệ đi kiểm tra thấy tôi trái quy định ngoài giờ, nhưng họ nhìn thấy tôi làm thật chưa xong, chẳng ai nỡ nói gì. Lâu dần ông Dũng đội trưởng quản giáo còn bảo tôi tối ra phòng ông dọn dẹp.

Thích nhất là đi dọn phòng cho ông Dũng, đi được đoạn xa, trên đầu là bâù trời đêm.

Tôi cố làm nhiều vì để không phải ở trong phòng, chứng kiến cảnh tù hành hạ tù. Trưa và chiều tôi ăn cơm ở cái phòng kho của cán bộ, đến tối vào phòng là chỉ nằm ngủ, chẳng phải nhìn thấy gì.
Nhiều người tù nhìn thấy người khác bị đánh, họ cảm tưởng họ ở đẳng cấp khác. Họ ăn uống có người khác hầu hạ khúm núm , họ lừ mắt cái người khác không dám thở. Họ nghĩ như thế là số má, là oai trong tù để sau này kể lại vào đó họ chất chác như nào. Tôi sợ như thế lắm, bị hành hạ tôi đã sợ mà vào giới hành hạ người khác, nhìn miếng ăn mẹ họ tốn công làm gửi cho họ, mình cướp ăn còn họ cúi đầu nhịn nhục.

Tôi còn sợ hơn nếu vào cảnh phải hành hạ người khác như thế.
 
Top