Việt Nam tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 'lần đầu mời Pháp tham dự'

Hình ảnh các tư lệnh quân đội Pháp

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHOTOQUEST/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh các tư lệnh quân đội Pháp thất trận, đầu hàng trước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và rời khỏi tập đoàn cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ vào năm 1954
5 tháng 5 2024
Việt Nam đã lần đầu tiên mời Pháp tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một sự kiện lịch sử được xem là quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu sẽ đại diện Pháp tham dự lễ kỷ niệm vào ngày 7/5 tới đây, đánh dấu 70 năm quân đội viễn chinh Pháp bị quân Việt Nam đánh bại ở Điện Biên Phủ.
Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 tới đây tại sân vận động tỉnh Điện Biên với sự tham gia của hơn 12.000 người.
Đây là lần đầu tiên một vị bộ trưởng của nước Pháp chính thức tham dự sự kiện kỷ niệm này của Việt Nam.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam mời Pháp tham gia sự kiện tưởng niệm này, một chỉ dấu cho thấy mong muốn của Việt Nam trong việc tạo lập mối quan hệ tương lai," đài RFI hôm 3/5 dẫn thông báo từ Bộ Quân đội Pháp.
"Hai bên cùng mong muốn nhìn về lịch sử Chiến tranh Đông Dương một cách minh bạch và rộng mở," cũng theo Bộ Quân đội Pháp.
Ngày Chủ nhật 5/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đã tiếp Bộ trưởng Sébastien Lecornu, gọi đây là chuyến đi "có ý nghĩa rất quan trọng", mang tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp”.
Vào ngày thứ Hai 6/5, dự kiến ông Sébastien Lecornu sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Ông Lecornu theo dự kiến sẽ đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.
Hồi tháng 3, Bộ Quân đội Pháp cho biết Pháp có kế hoạch hồi hương từ Việt Nam thi thể của 6 binh sĩ Pháp tử trận trong trận chiến này, trong đó 5 người được chôn trong những ngôi mộ vô danh.
Đài France 24 dẫn thông báo từ Bộ Quân đội Pháp vào ngày 29/3 cho biết 6 thi thể binh sĩ Pháp tử trận "được chôn ở ba địa điểm khác nhau" và chính quyền Việt Nam cũng đã chấp thuận việc hồi hương các thi thể này vào ngày 25/3.
Một ngày sau đó, tức 26/3, các thi thể này đã được khai quật và sẽ đưa về Pháp để giám định, theo đài France 24.
Hợp tác về an ninh và quốc phòng cũng nằm trong chương trình nghị sự trong chuyến đi lần này của ông Sébastien Lecornu.
Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu là quan chức cấp cao thứ 3 của Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, nhưng lại là người đầu tiên đến dự kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

NGUỒN HÌNH ẢNH,MIGUEL MEDINA/AFP/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu là quan chức cấp cao thứ ba của Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, nhưng lại là người đầu tiên đến dự kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
Ông Sébastien Lecornu là quan chức cấp cao thứ ba của Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, nhưng lại là người đầu tiên đến dự lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trước đó, cố Tổng thống Pháp François Mitterrand đã đến thăm Việt Nam vào tháng 2/1993.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào ngày 12/4/1973.
Ông François Mitterrand đã trở thành lãnh đạo Phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam sau năm 1975.
Tháng 11/2018, Thủ tướng Pháp khi đó là ông Édouard Philippe cũng đến thăm Việt Nam và đến thăm các địa điểm lịch sử tại Điện Biên Phủ.
Ông Édouard Philippe đã đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm chiến sĩ Pháp và Việt Nam tại Điện Biên Phủ vào ngày 3/11/2018.
Theo tường thuật từ đài RFI vào ngày 3/11/2018, ông Philippe đã nói: "Việt Nam luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm tưởng người Pháp. Bởi vì chúng ta có một lịch sử chung, vừa vinh quang vừa bi thảm. Bởi vì trong rất nhiều gia đình người Pháp, người ta vẫn nhớ lại về một thời kỳ, về mối quan hệ hết sức gần gũi và mãnh liệt."
Pháp hiện đang muốn gia tăng hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2023, Việt Nam và Pháp đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược.
Hồi tháng 3/2024, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Pháp lần đầu tiên vượt Nga để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chiếm 11% tỷ trọng thị trường vũ khí toàn cầu, với các sản phẩm tối tân, có thể kể đến như chiến đấu cơ Rafale.
Cũng theo dữ liệu do SIPRI công bố hôm 11/3, lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt giữa lúc nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.
Số liệu của SIPRI cho thấy Nga - nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ - có lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu sụt giảm đáng kể vào năm ngoái.

Chiến thắng Điện Biên Phủ​

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

NGUỒN HÌNH ẢNH,VNA/AFP VIA GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo đen) vào tháng 3/1954, khi chuẩn bị đánh trận Điện Biên Phủ, sự kiện sẽ chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương
Năm 1954, quân Pháp ở Đông Dương lên đến 55.000 người.
“Ngài có muốn hai quả bom nguyên tử không?” Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles hỏi Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault hồi tháng 4 năm 1954, theo hồi ức của một nhà ngoại giao cấp cao Pháp.
Bối cảnh của lời đề nghị này là tình cảnh tuyệt vọng của quân Pháp trong cuộc chiến với các lực lượng của ông Hồ Chí Minh ở Điện Biên Phủ.
Vào cuối năm 1953, tư lệnh Pháp là Tướng Navarre đã quyết định xây dựng một cứ điểm chắc chắn ở lòng chảo Điện Biên Phủ.
Lòng chảo này được bao quanh bởi các ngọn núi và ngọn đồi có cây cối. Đây là vị trí có thể phòng vệ được miễn là người Pháp có thể giữ được những ngọn đồi bên trong và được tiếp viện bằng không vận.
Điều mà người Pháp không nghĩ đến là khả năng quân Việt Minh tập trung pháo lên gần các ngọn đồi này. Hàng ngàn dân công, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã tham gia kéo pháo. Họ đã kéo pháo qua hàng trăm dặm xuyên rừng, cả ngày lẫn đêm.
Vào ngày 13/3 năm 1954, quân Việt Minh khai hỏa ồ ạt và trong vòng hai ngày, hai trong số các ngọn đồi đã bị chiếm giữ và đường băng tiếp vận bị tê liệt. Lính Pháp phòng vệ ở Điện Biên Phủ bị cô lập và thòng lọng đã siết chặt xung quanh họ.
Ngày 13/3 năm 1954, đại đoàn 312 của Việt Minh tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điên Biên Phủ.
Cuối cùng, vào ngày 7/5 năm 1954, sau 56 ngày đêm bị bao vây, quân đội Pháp đã đầu hàng.
Về phía Pháp, có 1.142 người chết, 1.606 người mất tích, 4.500 người bị thương. Về phía Việt Minh, con số thiệt mạng lên đến 22.000 người.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được 5 nước ký kết, trong đó có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp.
Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, còn được gọi là Kháng chiến chống Pháp, kết thúc.
Chiến thắng tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời báo hiệu sự tàn lụi của đế chế Pháp trên phạm vi toàn cầu, khi khích lệ cho các phong trào giải phóng dân tộc khác trên thế giới.
Không hề trùng hợp khi một vài tuần sau đó người dân tại một thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi là Algeria đã nổi dậy – bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu và đau thương khác kéo dài 8 năm.
Hai năm sau, 1956, Tunisia và Morroco giành độc lập từ tay Pháp, trong lúc Paris sa lầy trong chiến tranh ở Algeria.
Có người đã so sánh trận Điên Biên Phủ có tầm quan trọng như chiến thắng của người Nhật trước quân Nga vào năm 1905 hoặc không kém gì trận Stalingrad trong Thế chiến II.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là linh hồn cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông cũng là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một nhà báo tại Paris, từng nhận định về Tướng Giáp hồi năm 2013 như sau:
"Khi nhắc tới Võ Nguyên Giáp, các chuyên gia quân sự phương Tây thường nhắc tới một vị tướng không có chiến lược chiến đấu nhưng lại thắng tất cả mọi trận chiến.
Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có khả năng huy động một lực lượng dân công hùng hậu (hàng chục ngàn người) từ các vùng đồng bằng lân cận lên vùng Điện Biện cách đó hàng trăm cây số.
Kinh ngạc nhất là sáng kiến tháo gỡ đại bác và súng ống hạng nặng thành các bộ phận rời nhau để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, vượt suối và leo núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp.
Phương Tây coi Tướng Giáp có vai trò lớn trong cả cuộc chiến với Mỹ dù cách đánh giá từ Việt Nam có khác
Những sự kiện vừa kể vượt ra ngoài tưởng tượng của những chiến lược gia quân sự danh tiếng của Pháp thời đó, và họ đã tốn rất nhiều giấy mực để diễn tả sự kinh ngạc này, với tất cả sự thán phục."
 
Top