Live Ukraine không dám đưa xe tăng Abrams ra tiền tuyến

Thứ bảy, 6/4/2024, 07:58 (GMT+7)

Ukraine không dám đưa xe tăng Abrams ra tiền tuyến​

Thành viên Lữ đoàn 47 Ukraine nói họ dùng xe tăng M1A1 Abrams để yểm trợ hỏa lực từ xa, thay vì triển khai làm mũi xung kích ở tiền tuyến.

Trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 4/4, binh sĩ Oleh, thành viên Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine, cho biết xe tăng chủ lực M1A1 Abrams và thiết giáp M2 Bradley đang tiếp tục đóng góp vào hoạt động tác chiến của Lữ đoàn tại phía tây thành phố Avdeevka ở tỉnh miền đông Donetsk.

Tuy nhiên, việc triển khai chúng ra tiền tuyến để giao tranh trực diện với lực lượng Nga không còn là phương án tối ưu, do Nga đã chiếm được nhà máy Hóa chất và Than cốc Avdeevka. Oleh cho biết đối phương đã lắp đặt vũ khí chống tăng tại các điểm cao ở tổ hợp công nghiệp này và có tầm nhìn bao quát toàn bộ khu vực xung quanh.

Xe tăng M1 Abrams Mỹ đang được vận chuyển tới Đức để huấn luyện binh sĩ Ukraine tháng 5/2023. Ảnh: Vệ binh Quốc gia Mỹ

Xe tăng M1 Abrams Mỹ đang được vận chuyển tới Đức để huấn luyện binh sĩ Ukraine tháng 5/2023. Ảnh: Vệ binh Quốc gia Mỹ

Tình thế trên khiến lực lượng Ukraine phải cẩn trọng hơn trong việc sử dụng các phương tiện chiến đấu, bao gồm cả khí tài của Mỹ như xe tăng Abrams, và triển khai chúng ở xa tiền tuyến hơn trước.

Đây là lần đầu tiên lính Ukraine tiết lộ cách thức họ sử dụng mẫu xe tăng chủ lực do Mỹ chuyển giao.

Nhà phân tích Marcin Gaweda của Defence 24 cho biết Ukraine tập hợp xe tăng Abrams, thiết giáp Bradley và các dòng xe bọc thép khác thành các "nhóm chiến thuật", có nhiệm vụ cung cấp hỏa lực yểm trợ cho bộ binh trong các chiến dịch phòng thủ hoặc phản công, thay vì dùng làm mũi xung kích như thiết kế.

"Xe tăng Abrams cũng thường hoạt động riêng lẻ để yểm trợ bộ binh trong thời điểm quan trọng của trận đánh", Gaweda cho hay.

Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine tổng cộng 31 xe tăng M1A1 Abrams vào năm ngoái, song phải tới cuối tháng 2 năm nay mới xuất hiện hình ảnh thực chiến của khí tài này tại Ukraine. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Kiev đã mất chiếc Abrams đầu tiên sau khi bị tập kích bởi thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) tự sát gần Avdeevka.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó liên tiếp tuyên bố hạ thêm nhiều xe tăng Abrams, mới nhất là hôm 28/3. Truyền thông Nga sau đó ba ngày đăng video máy bay không người lái (UAV) Lancet của Moskva đánh võng trước khi lao xuống nóc xe tăng Abrams của Kiev và phát nổ, tạo ra đám khói lớn, song chưa rõ thiệt hại cụ thể với chiếc xe cũng như thời điểm video được quay.

Tờ Kyiv Post của Ukraine tháng trước cũng cho biết quân đội nước này đã mất ít nhất 5 chiếc Abrams kể từ đầu xung đột.




Video Player is loading.
Dừng
Hiện tại 0:02
/
Thời lượng 0:08
Đã tải: 0%


Tiến trình: 0%
Bỏ tắt tiếng

Toàn màn hình


UAV Lancet tập kích xe tăng Abrams trong video công bố hôm 31/3. Video:Telegram/RVvoenkor
M1 Abrams được coi là một trong những mẫu xe tăng tốt nhất thế giới, song phiên bản Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị loại bỏ các công nghệ nhạy cảm như giáp hợp kim có chứa uranium nghèo, khiến nó dễ bị tổn thương hơn. M1 Abrams cũng mang tới nhiều thách thức về hậu cần cho lực lượng Ukraine, do khí tài này rất ngốn xăng và yêu cầu quy trình bảo dưỡng phức tạp.

M1 Abrams không phải là mẫu xe tăng duy nhất được triển khai xa tiền tuyến để làm bệ pháo di động tại Ukraine. Từ các mẫu xe tăng hơn 60 năm tuổi của Nga như T-55, T-62 cho đến các dòng hiện đại như Challenger 2 mà Anh chuyển giao cho Ukraine đều đang chủ yếu được dùng làm khí tài yểm trợ hỏa lực, thay vì dẫn đầu mũi xung kích tấn công phòng tuyến đối phương.

Một số chuyên gia nhận định trên chiến trường hiện đại, xe tăng chiến đấu chủ lực hiện không còn hữu dụng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dù vẫn có công dụng nhất định.


 
Top