Từ bốc vác đến… tiến sĩ xứ 'cờ hoa'

Từ một học sinh miền quê với hoàn cảnh nghèo khó, chàng trai Trần Quốc Thiện (TP Đà Nẵng) đã vươn lên đạt nhiều thành tựu trong học tập nghiên cứu...​

Tiến sĩ Thiện trong phòng nghiên cứu thí nghiệm về bê tông.

Tiến sĩ Thiện trong phòng nghiên cứu thí nghiệm về bê tông.
Sau khi bảo vệ thành công chương trình tiến sĩ Kỹ thuật xây dựng ở Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ), chàng trai Trần Quốc Thiện (TP Đà Nẵng) đã trúng tuyển chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Texas-Austin (Mỹ).
Quả ngọt từ sự cố gắng
Trần Quốc Thiện sinh năm 1992 - là cựu học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm (TP Đà Nẵng). Ít ai biết được rằng, Thiện từng trải qua tuổi thơ khốn khó. Khi chưa được 2 tuổi, Thiện mồ côi cha, lúc đó cậu em trai mới 10 tháng tuổi.
“Để nuôi anh em tôi ăn học, mẹ phải làm đủ mọi nghề từ bán phế liệu, bán xôi, làm quán nhậu… Anh em tôi lúc bấy giờ chẳng có ước mơ gì lớn lao, chỉ mong mỗi buổi sáng nồi xôi của mẹ bán hết. Khi tôi bắt đầu học THCS và THPT, sau giờ học tôi cùng mẹ và em lao vào mưu sinh. Có ngày 2 anh em vừa bán xôi, vừa bốc vác cây chống đà, phụ thêm kinh tế giúp mẹ”, Tiến sĩ Thiện nhớ lại.
Dẫu khó khăn nhưng 2 anh em không chùn bước, đó còn là động lực giúp Thiện và em trai thêm nỗ lực học tập để vươn lên. Sau khi đỗ ngành Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Thiện vừa học vừa bốc vác trang trải cuộc sống và chi phí học tập.
Tốt nghiệp cử nhân với tấm bằng loại Khá, Thiện đi làm kỹ sư xây dựng cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Cũng thời gian này anh tìm hiểu và muốn sang Hàn Quốc học tập nâng cao chuyên môn.
“Tình cờ biết tin có Giáo sư ở Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) về Hà Nội và TPHCM tuyển sinh viên. Dù ở xa nhưng tôi “liều” soạn email cho Giáo sư và xin phỏng vấn qua Skype, dẫu biết cơ hội được chọn ít ỏi. Tôi có chia sẻ trong email rằng bản thân chỉ mới tốt nghiệp và chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, nhưng rất quan tâm đến mảng nghiên cứu vật liệu xây dựng của Giáo sư. May mắn tôi nhận được sự đồng ý trong thư phản hồi”, Tiến sĩ Thiện kể.
Tháng 3/2017, ước mơ “vươn ra biển lớn” của Thiện thành hiện thực. Thiện đặt chân đến Hàn Quốc với học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo thạc sĩ ở Đại học Quốc gia Chonnam, nơi có công nghệ và môi trường học tập, làm việc hiện đại.
Tại ngôi trường danh tiếng, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư người Hàn Quốc, Thiện tham gia nghiên cứu nhiều đề tài như: Đánh giá độ an toàn cho hệ thống đường hầm dẫn điện (do Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc tài trợ) dưới tác động của động đất; Tái sử dụng phế thải công nghiệp dùng trong gia cố đất ở Hàn Quốc (Quỹ Nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc tài trợ)...
Khám phá điều mới mẻ
Tiến sĩ Thiện cùng mẹ trong ngày nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc).

Tiến sĩ Thiện cùng mẹ trong ngày nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc).
Năm 2019, Thiện bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Hàn Quốc rồi quay về Việt Nam làm trợ giảng tại Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Đến năm 2021, thạc sĩ Trần Quốc Thiện trúng học bổng tiến sĩ toàn phần tại Đại học Bách khoa Virginia (hạng 6 nước Mỹ về chuyên ngành Xây dựng).
Thời gian nghiên cứu tiến sĩ, Thiện tự hào nhất khi đã phát triển mô hình thí nghiệm mới trong đo đạc khả năng hấp thụ CO2 của bê tông xi măng. Tiến sĩ Thiện cho biết, sản xuất một tấn xi măng sẽ thải ra xấp xỉ một tấn khí CO2 vào bầu khí quyển, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Bởi vậy, nhiều nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới phải nỗ lực tìm cách làm tăng khả năng hấp thụ CO2 của vật liệu có sử dụng chất kết dính thủy hóa.
Để làm được điều này, các nhà khoa học cần đến một chiếc máy có giá vài chục đến hàng trăm nghìn USD (Thermogravimetric analysis) để đo đạc. Vì vậy, Thiện cùng Giáo sư hướng dẫn kết hợp với Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Mỹ (NIST) phát triển mô hình thí nghiệm hóa học đơn giản hơn có tên “digestion-titration method”. Mô hình giúp tiết kiệm 80% thời gian đo đạc, ra kết quả chính xác tương đương và có chi phí rẻ hơn nhiều lần.
“Giảm chi phí nghiên cứu đồng thời đem lại kết quả tương đương mang ý nghĩa lớn, đặc biệt cho các nước đang phát triển, nơi còn hạn chế về cơ sở vật chất phòng thí nghiệm như Việt Nam”, Thiện cho biết.
Sau hơn 2 năm ở xứ “cờ hoa”, tháng 10/2023, Thiện bảo vệ thành công chương trình tiến sĩ Kỹ thuật xây dựng ở Đại học Bách khoa Virginia cùng tấm bằng thạc sĩ song song chuyên ngành Khoa học Vật liệu. Dù thông thường, một nghiên cứu sinh ở Mỹ cần trung bình 5 - 8 năm để hoàn thành khóa học này (theo U.S News).
Bên cạnh đó, Thiện tham gia nhiều dự án nghiên cứu quan trọng, như bê tông ngưng kết siêu nhanh dùng để vá đường băng sân bay quân sự hay ứng dụng của phế thải công nghiệp trong chế tạo vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, được tài trợ bởi Không lực Hoa Kỳ, Trung tâm nghiên cứu lốp xe Mỹ, Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NSF)…
Tháng 12/2023, Tiến sĩ Trần Quốc Thiện trúng tuyển chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Texas-Austin. Đây là ngôi trường xếp hạng 4 về kỹ thuật xây dựng ở Mỹ (theo U.S News), vượt qua các trường danh tiếng như Đại học Stanford, Đại học Cornell, Học viện Công nghệ Massachusetts.
Anh cũng được Đại học Princeton (hạng 1 ở Mỹ) mời phỏng vấn cho một chương trình tương tự. Ngoài ra, hai đại học (top R1 và R2) ở Mỹ mời phỏng vấn cho vị trí Giáo sư và đang đợi kết quả. Tại Đại học Texas-Austin, Tiến sĩ Trần Quốc Thiện và nhóm nghiên cứu đang xúc tiến xây dựng tiêu chuẩn vật liệu Mỹ (ASTM) cho mô hình thí nghiệm này và hy vọng sớm có thể ứng dụng trên quy mô toàn cầu…
Chia sẻ về những gì đạt được, Tiến sĩ Thiện tâm sự: “Bản thân luôn phải học hỏi và tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Khi bạn phải học thứ gì đó một cách bắt buộc hoặc chỉ để hoàn thành nhiệm vụ, cho dù xuất sắc bao nhiêu đi nữa cũng không thể đi xa trên con đường đó.
Mục tiêu của tôi là trở thành Giáo sư, đi theo con đường giảng dạy và nghiên cứu về khoa học vật liệu xây dựng ở Mỹ. Đồng thời có nhiều hơn cơ hội hỗ trợ cho sinh viên trẻ Việt Nam có cùng ước mơ như tôi vài năm trước”, Tiến sĩ Thiện bộc bạch.
Tiến sĩ Hoàng Phương Tùng - giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cũng là người đầu tiên gợi ý Thiện du học vì nhận thấy học trò có khả năng học lên cao, chia sẻ: Thiện siêng năng, cầu tiến và nhanh nhẹn, thích khám phá. “Thành quả ngày hôm nay là quả ngọt cho sự cố gắng của chính em. Từ một học sinh miền quê với hoàn cảnh nghèo khó, Thiện đã vươn lên. Tôi rất vui và tự hào khi Thiện đạt được ước mơ của mình”, Tiến sĩ Hoàng Phương Tùng bày tỏ.
 
Top