TPHCM cây xanh giảm một nửa trong 20 năm

Tính đến nay toàn bộ diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh kể cả cây xanh ở dải phân cách ở tuyến đường chỉ còn khoảng 535 héc ta giảm gần 50% so với năm 1998 (1.000 héc ta), số liệu được đưa ra tại Hội thảo về định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng diễn ra ngày 14-8 tại TPHCM.

TPHCM cây xanh giảm một nửa trong 20 năm
Nhìn từ trên cao xuống, có thể thấy diện tích cây xanh tại TPHCM rất ít – Ảnh: Anh Quân
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, diện tích đất công viên khu vực nội thành cũ gồm 13 quận là hơn 273 héc ta, chiếm tỷ lệ hơn 55%; khu vực 6 quận mới là 172 héc ta, chiếm 35%; khu vực 5 huyện chỉ có 42 héc ta, chiếm chưa tới 10%. Trong khi diện tích đất cho công viên theo quy hoạch thì 13 quận nội thành cũ chỉ hơn 8,5%; khu vực 6 quận mới là hơn 32% và 5 huyện ngoại thành là gần 60%.

Một bất cập được Sở Xây dựng TPHCM chỉ ra là sự phân bố công viên trên địa bàn thành phố bất hợp lý và không đồng đều khi các quận nội thành, trung tâm lại có diện tích công viên lớn hơn các quận còn lại. Trong khi các quận ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng rất hạn chế dù quỹ đất quy hoạch cho công viên cây xanh rất lớn. Ví dụ như các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng nào.

Trong bài tham luận tại hội thảo, ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện kiến trúc quốc gia và bà Lê Thị Lan Phương, Phó giám đốc Viện nhà ở và công trình công cộng – Viện Kiến trúc quốc gia chỉ ra rằng, theo thống kê mới nhất của phòng quản lý công viên cây xanh (Sở GTVT TPHCM nay chuyển về Sở Xây dựng), đến nay toàn bộ diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh kể cả cây xanh dải phân cách ở các tuyến đường tại TPHCM chỉ còn khoảng 535 héc ta giảm gần 50 % so với năm 1998 (1.000 héc ta).

Tỷ lệ cây xanh và diện tích cây xanh/đầu người ở các đô thị đều rất thấp so với mức tối thiểu mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra là 10 m2/người và so với quy định của Việt Nam thì chỉ tiêu này ở các đô thị đều không đạt.

Sự tăng lên của các mảng xanh đô thị và giảm dần của nông nghiệp là do quá trình đô thị hóa, điều này cho thấy quá trình mở rộng đô thị hóa đang diễn ra mạnh ở các khu vực ven đô, mảng xanh ở các tuyến đường tăng lên nhưng không bù lại được diện tích cây xanh và mảng xanh trong nông nghiệp giảm đi.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng môi trường của các đô thị lớn. Tại các đô thị tỷ lệ cây không phù hợp rất cao đó là cây rụng lá theo mùa hoặc cây ăn quả hoặc các loài cây có cấu tạo sinh học không phù hợp . Tại Lào Cai, Hà Nội, Thái Bình tỷ lệ này lần lượt là 55,66 %; 52,7%; 58,54%.

Theo ông Tùng và bà Phương, thực trạng cây xanh tại các đô thị giảm là do bất cập từ các văn bản pháp luật dù khá đầy đủ nhưng hiệu quả không cao.

Hai chuyên gia này chỉ ra rằng, các văn bản quản lý hướng dẫn về cây xanh còn chung chung chưa đưa ra tiêu chuẩn, và chủng loại cụ thể. Đồng thời chưa có tiêu chí và hướng dẫn lựa chọn rõ ràng hơn. Đơn cử như hiện nay có khoảng trên 10.500 loài cây và 1 số cây xanh đã được hướng dẫn sử dụng nhưng không hợp lý như thông tư 20/2005; 20/2009 lại chọn cây mỡ và cây bạch đàn ..

Dù đã ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn về cây xanh sử dụng trong các đô thị nhưng mới chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu mật đô cây xanh khi quy hoạch đô thị , các quy định cần thiết như chiều cao của cây, mật độ trồng cây chủng loại cây theo tuyến đường, công viên lại chưa có.

Để quản lý và phát triển cây xanh ở đô thị theo hai chuyên gia này cần sửa đổi những bất cập hiện nay ở các văn bản pháp luật. Các chuyên gia cũng cho rằng cần, ở các đô thị lớn cần tăng mảng xanh trên ban công tòa nhà, cầu vượt đi bộ, khuyến khích phát triển mảng xanh theo dạng vườn treo.

Đối với cây xanh chưa phù hợp ở đô thị cần có giải pháp thay thế dần và trồng thêm nhiều cây tạo bóng mát.
 
Có giá hết, muốn hạ cây nào thì liên hệ bọn cây xanh nó báo giá cho, đổ thuốc trong đêm, 2-3 ngày sau rụng lá, tháng sau thì hạ. có hồ sơ hẳn hoi.
 
Top