Singapore đẩy mạnh xây dựng Kế hoạch Xanh 2030

Đây là kế hoạch được triển khai đồng bộ, gồm nhiều trụ cột để đưa Singapore trở thành một trong những đô thị xanh nhất thế giới, là hình mẫu cho thành phố trong tương lai.​

Để thực hiện mục tiêu đưa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính về 0 vào năm 2050, Kế hoạch Xanh Singapore 2030 bao gồm 5 trụ cột liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống.

Trụ cột thứ nhất là chiến lược xây dựng thành phố trong thiên nhiên. Theo đó, đến năm 2030, Singapore sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh và tăng diện tích đất công viên thiên nhiên lên hơn 50% so với năm 2020. Đến năm 2035, đảo quốc sư tử sẽ có thêm 1.000 ha không gian xanh và mỗi hộ gia đình chỉ cách công viên 10 phút đi bộ.

Trụ cột thứ hai, Singapore chú trọng tới triển vọng cuộc sống bền vững. Khái niệm công dân "xanh" cũng ra đời nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng và lãng phí ít hơn. Dự kiến, đến năm 2030, mức nước tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 130 lít/người/ngày và giảm 30% lượng rác thải phải chôn lấp trên đầu người mỗi ngày.

Singapore đẩy mạnh xây dựng Kế hoạch Xanh 2030 - Ảnh 1.

Thiết lập lại hệ thống năng lượng là trụ cột thứ ba với các kế hoạch mở rộng lắp đặt và khai thác điện năng lượng mặt trời, tăng công suất lên ít nhất 2 GWp, có thể đáp ứng khoảng 3%, tương đương nhu cầu sử dụng của 350.000 hộ gia đình vào năm 2030. Bên cạnh việc xanh hóa 80% tòa nhà ở, Singapore cũng yêu cầu tất cả ô tô và taxi đăng ký mới đều phải là mẫu xe sử dụng năng lượng sạch. Chính quyền nước này cũng đặt mục tiêu lắp đặt 60.000 điểm sạc xe điện trên toàn quốc trong vòng 7 năm tới.

Ở trụ cột tiếp theo về phát triển nền kinh tế xanh, Singapore theo đuổi mục tiêu trở thành điểm đến du lịch bền vững, là trung tâm hàng đầu về tài chính và dịch vụ xanh nhằm góp phần vào tương lai ít carbon của châu Á.

Cuối cùng, để thích ứng với tình trạng mực nước biển dâng và tăng cường khả năng phục hồi sau lũ lụt, Singapore đã đặt ra mục tiêu hoàn thành kế hoạch bảo vệ bờ biển phía Đông, bờ biển Tây Bắc cùng đảo Jurong. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang tăng cường năng lực của ngành nông nghiệp, thực phẩm để có thể đáp ứng 30% nhu cầu của người dân.

Là một đảo quốc nhỏ, lại không giàu về tài nguyên thiên nhiên, nhưng Singapore luôn khẳng định được vị thế, đi đầu khu vực về chuyển đổi xanh. Với trụ cột đầu tiên trong kế hoạch xanh, Singapore liên tục đẩy mạnh chính sách xanh hóa đô thị, xây dựng thành phố trong thiên nhiên thông qua các kế hoạch mở rộng công viên và thảm thực vật.

Singapore đẩy mạnh xây dựng Kế hoạch Xanh 2030 - Ảnh 2.

7 triệu cây xanh được trồng cùng các tòa nhà trung hòa năng lượng xuất hiện ngày càng nhiều đã giúp làm mát đáng kể bầu không khí. Dù quỹ đất hạn chế nhưng nhà chức trách vẫn dành đất xây dựng hơn 400 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 3.347 ha.

Tất cả các tòa nhà mới xây ở Singapore đều phải đạt chứng chỉ xanh, chứng chỉ này được cụ thể hóa bằng các yêu cầu như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm triệt để nước và đảm bảo chất lượng không khí.

Nếu như nhiều thập kỷ trước kia, Singapore phát triển theo mô hình "vườn trong phố", thì hiện nay, chính quyền lại tập trung đưa đảo quốc trở thành "phố trong vườn". Có nghĩa cả đất nước này sẽ là một khu vườn xanh ngát và phố xá nằm bình yên trong vườn cây đó.

Mục tiêu xây dựng thành phố xanh

Trong lĩnh vực xây dựng, Singapore đề ra Kế hoạch tổng thể xây dựng xanh tầm nhìn 2030 hay còn được biết đến là kế hoạch 80-80-80. Tức là mục tiêu đến 2030, Singapore phủ xanh 80% các tòa nhà, 80% các công trình mới là các tòa nhà năng lượng siêu thấp và cải thiện 80% hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà xanh.

Singapore đẩy mạnh xây dựng Kế hoạch Xanh 2030 - Ảnh 3.

Theo báo cáo mới nhất vừa được công bố tại hội thảo thì đến cuối năm 2022, đã có khoảng 55% các tòa nhà được phủ xanh.

Một số thách thức được chỉ ra:

Trước hết, khó khăn trong việc xanh hóa các tòa nhà cũ, tức là khó có thể cải tạo thêm hoặc chi phí bỏ ra rất lớn. Thứ hai là chi phí đầu tư ban đầu cho các tính năng xanh là cao, chưa thể hoàn chi phí trong một sớm một chiều. Điều này khó khăn trong việc thuyết phục các chủ đầu tư bỏ tiền cho các hạng mục xanh cho các công trình xây dựng.

Thứ ba là khó khăn về hậu cần khi các sản phẩm và nguyên liệu có tính bền vững thì lượng sản xuất chưa nhiều và chi phí cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của các công trình xây dựng xanh. Thứ tư là việc thuyết phục người sử dụng chuyển sang các thiết bị xanh, tiết kiệm năng lượng hay tuân theo các quy định mới còn khó.

Thúc đẩy xây dựng xanh

Singapore thường áp dụng sự kết hợp giữa các chính sách, ưu đãi và hợp tác để giải quyết các thách thức trong việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng xanh.

Khung pháp lý và ưu đãi: Chính phủ đưa ra các quy tắc xây dựng, tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận xanh. Cùng với đó, đưa ra các ưu đãi như lợi ích về thuế hoặc trợ cấp cho các dự án công trình xanh.

Singapore đẩy mạnh xây dựng Kế hoạch Xanh 2030 - Ảnh 4.

Khuyến khích tài chính: Chính phủ đưa ra các khuyến khích tài chính, chẳng hạn như trợ cấp hoặc cho vay lãi suất thấp, có thể khuyến khích các nhà phát triển và xây dựng đầu tư vào các tính năng của công trình xanh, vốn chi phí ban đầu còn cao.

Chương trình Chứng nhận xanh: hay còn được biết đến là Green Mark đã trở nên phổ biến. Chứng nhận Green Mark là sự công nhận về vệ sự vận hành mang tính bền vững của tòa nhà, đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư nỗ lực nâng cao hiệu suất về môi trường.

Nhận thức và giáo dục công chúng: Nâng cao nhận thức và giáo dục các nhà phát triển cũng như công chúng về lợi ích của công trình xanh và các hoạt động bền vững.

Ngoài ra, còn một số biện pháp như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ, nguyên vật liệu bền vững phục vụ các công trình xanh, hay thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Có thể thấy rằng, Singapore, dù đã là một trong những thành phố xanh nhất thế giới nhưng đảo quốc sư tử không dừng lại ở đó. Càng thêm các thách thức từ biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, tốc độ đô thị hóa gia tăng, Singapore lại càng đẩy mạnh quyết tâm triển khai chiến lược xanh toàn diện, tổng thể. Một thành phố giữa thiên nhiên, một cuộc sống bền vững với nguồn năng lượng tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn và một tương lai tự cường là những gì mà Singapore đang tiếp tục nỗ lực hướng tới. Và những điều đó, như chính Singapore xác định, phải bắt nguồn từ chính mỗi người dân, từ đó nhân ra cộng đồng và toàn xã hội.
 
đúng là bọn tư bản chỉ thích những kế hoạch màu mè, văn vẻ.
Sao không đặt mục tiêu năm 2030 có ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, trở thành cứ điểm bán dẫn, mũi nhọn bán dẫn ?
 
Top