Nửa kia của tôi rất tuyệt vời – vậy sao tôi lại tơ tưởng đến mối quan hệ ngoài luồng?

Thanbithuongnhan

Trâu lái đò
Các nhà phân tâm học nói gì về chuyện ngoại tình?

Vẻ đẹp và bi kịch của đời người chính là nằm ở đây. Chúng ta vẫn là động vật và chúng ta có phần lớn các cấu trúc và quá trình não bộ giống hệt với những loài động vật có vú khác, nhưng chúng ta cũng có tân vỏ não lớn hơn nhiều — nó cho chúng ta khả năng tự nhận thức - thứ độc nhất vô nhị ở loài người. Bởi vậy, bạn và tôi cùng có những cơn thôi thúc và ham muốn thú tính, phi lý trí, nhưng cũng có một phần lý trí đang nói “Chuyện quái gì đang xảy ra thế?” Tại sao lý trí lại không chiến thắng?
Cho dù chúng ta nói về phương diện vô thức (theo Sigmund Freud) hay “ký ức ẩn tàng” (theo khoa học thần kinh), thì bây giờ hầu hết mọi người có vẻ đều nhất trí rằng phần lớn não bộ con người luôn ở chế độ tự động hóa – nghĩa là chúng không nằm dưới sự kiểm soát của ý thức. Từ cái vô thức của Freud cho đến Hệ thống 1 của Daniel Kahneman và các quá trình chủ đạo của Jaak Panksepp, dường như phần lớn quá trình quyết định của chúng ta nằm ngoài nhận thức chủ quan. Kahneman đã lưu ý rằng chỉ khi chúng ta nhận ra những thành kiến tâm lý cho phép quá trình xử lý nhanh (của hệ thống 1) diễn ra thì khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu kiểm soát có ý thức hơn đối với cuộc sống hằng ngày.

Học được tính lăng nhăng
Bộ não con người không đủ khả năng xử lý tất cả các kích thích nhận vào, vì vậy nó vận hành theo kiểu suy nghiệm, còn gọi là nguyên tắc ngón tay cái [1], cho phép chúng ta được duy trì sự chú ý vào điều quan trọng nhất tại mỗi thời điểm. Một trong các quá trình đó được gọi là sự hình thành thói quen, và nó là một công cụ học tập quan trọng cho con người và động vật. Những người nuôi chó hiểu rất rõ về quá trình hình thành thói quen – khi chó được làm quen với một thứ nhất định hết lần này tới lần khác (chẳng hạn như những đứa trẻ gây ồn ào) để chúng không còn bận tâm đến tình huống thực tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng chẳng còn chú ý đến những kích thích đó nữa (nên chúng không còn rượt theo lũ trẻ). Con người cũng y như vậy: khi có thứ gì đó mới lạ xuất hiện trong môi trường sống, ta chú ý đến nó một lúc (“Nó an toàn hay là gây đe dọa nhỉ?”) trước khi quen dần với nó (“Ồ, cái xe kia lại nổ hậu [2] thôi mà!”) và cứ điềm nhiên bình chân như vại trước chuyện này. Sự hình thành thói quen là một công cụ thực sự hữu ích để biết những thứ mà ta có thể làm ngơ mà vẫn an toàn và những thứ cần được chú ý, nhưng riêng với nửa kia của chúng ta thì điều này có một chút hạn chế. Người ấy cũng đã trở thành thói quen rồi! Và ta chẳng còn nhận ra được các nét quyến rũ của họ, thứ đã từng lôi cuốn được chúng ta.
“Chúng ta không phải những cỗ máy tư duy có cảm xúc, mà là những cỗ máy cảm xúc biết tư duy.”
Antonio Damasio
Wow! Cái gì thế?

Đồng thời, chúng ta cũng bị cuốn hút vào sự mới mẻ, vì mức dopamine trong não bộ tăng lên trong những bối cảnh mới lạ và điều này thúc đẩy chúng ta hướng đến điều mới lạ trong cuộc truy cầu “phần thưởng”. Cũng chính chất dẫn truyền thần kinh này đóng vai trò quan trọng trong các chứng nghiện, thúc đẩy người nghiện tìm kiếm những cơn phê khác. Khi phát hiện ra một thứ mới mẻ, chúng ta trải nghiệm một cơn phê tương tự – có thể có phần thưởng cho mình chăng? Chúng ta quá đỗi phấn khích trước sự mới lạ đến nỗi chỉ lời hứa hẹn những điều mới lạ cũng đủ thôi thúc chúng ta khám phá môi trường xung quanh. Điều này cho thấy mục đích tiến hóa thực sự của dopamine: giúp chúng ta tìm ra tài nguyên mới, như thức ăn và nước uống.


C5sZtO.jpg
 
Top