Những gã trai vụt lớn

Anh bắt xe lên thành phố, hết hơn 200 cây. Ngồi ở giữa lối đi nên vé rẻ hơn, cũng có thể vì hôm đó người anh nhìn xơ xác như một cái lá khô, ôm đúng một cái balo vải hàng xóm cho trong lòng nên người ta để vé rẻ cho. Lơ xe bảo mày đi đường dài, để nó trước bụng không xuống đến bến lạ nước lạ cái nó khoắng hết. Tiền phải liền khúc ruột mày biết chưa thanh niên.

Vì sợ câu nói ấy mà cứ mỗi một lúc anh lại phải sờ cái gói tiền mẹ cuộn lại để trong người để chắc chắn là nó không bị rơi, cả chặng không dám chợp mắt. Khát khô cả cổ.

Lên đến nơi thì cũng nhập nhoạng rồi, bắt thêm một lượt xe rồi đến địa chỉ mẹ gửi, mẹ nói bố anh ở đó. Nếu như muốn gặp, anh cứ đứng đó chờ, kiểu gì cũng gặp được. "Anh sẽ nhận ra thôi, bố con anh giống nhau như đúc." Anh không nói gì, chỉ biết tin, dù sao, đây cũng là lần đầu anh rời xa cái mảnh đất này mà lên thành phố. Anh háo hức và không ngủ được, mẹ anh chỉ thở dài.

Khi cha mẹ ly thân lúc anh còn quá nhỏ, anh chỉ còn nhìn thấy ông trong ảnh - cao gầy với cái sơ mi chắc là đẹp nhất trong tủ đồ - vì nó lặp đi lặp lại ở mấy bức khác. Mà người nhà hình như cũng vì hận ông mà giấu hoặc đốt hết ảnh đi, họ bảo ông không chịu được khổ nữa nên lên thành phố, mày và mẹ mày chỉ làm ông ấy vướng chân. Cái bệnh khớp của mẹ hành hạ bà đủ để bà không còn nghĩ ra một việc gì khác ngoài những cơn rên rỉ ấy.

Bạn bè anh cũng không đứa nào trêu chọc gì, bố mẹ chúng nó cũng lên hết trên đó kiếm việc, một năm may gặp được dịp trung thu và Tết, còn lại là xác xơ như nhau, mấy cái lá rách, tốt nhất đừng xé thêm cho nó toang ra. Nhưng thằng T bảo mày nên kiếm gặp ông ấy một lần, máu mủ mày biết không, mày không thể lớn lên mà không nhìn mặt ông ấy được.

Nhưng ông ấy không nhìn mặt tao đến một lần. Thì sao, nếu như mày cứ giữ những suy nghĩ như thế trong lòng sẽ sinh bệnh, bao nhiêu năm rồi, tao nghĩ cho qua được là qua thôi, đến giờ mày vẫn chưa chết được đúng không, còn sống là được rồi. Nó cho anh ba trăm đi đường, nó cũng trên thành phố, làm một quán nào đó, bảo lên đến địa chỉ này rồi tao đưa đi chơi.

Anh mua ăn một cái bánh mỳ thành phố, một chai nước lọc. Một trong những bữa ngon nhất vì anh đói ngấu. Anh ngồi trước địa chỉ mẹ cho và đợi, đến gần 10 giờ, anh mệt lả, định quay về chỗ thằng T mà ngủ thì anh thấy ông ấy, gần như ngay tắp lự, anh nhận ra ngay, một gương mặt giống anh đến như thế khi đi qua chỗ đèn sáng, anh sởn cả da gà. Xách theo một túi đồ ăn, theo sau là hai đứa nhỏ, lúc này ông dáng đã trùng xuống, không còn thẳng thớm như trong mấy bức ảnh ông mặc sơ mi đâu. Họ đứng đợi ai đó trước nhà, lúc này ông cũng nhìn qua bên đường, anh cũng nhìn ông kỹ hơn. Nhưng có vẻ ông không nhận ra, anh rất muốn sang đường đứng cạnh xem ông cao thấp thế nào so với mình, nhưng có điều gì giữ anh lại, anh muốn gọi bố. Nhưng thôi. Một người phụ nữ chắc là vợ đạp xe về, đằng sau là những chiếc rổ, cũng một túi đồ ăn treo ở ghi đông. Lũ nhỏ ùa ra đón, anh thấy ông cười. Lúc này là cay xè mắt đây. Mẹ anh trong suốt những năm tháng anh lớn, anh rất ít khi thấy bà cười. Vì có lẽ cái gánh nặng đeo đẳng trên vai bà và những cơn đau ở đầu gối khiến bà không lúc nào vui vẻ được.

Lúc họ lên nhà, ông lại nhìn chăm chăm anh một lúc nữa mới quay đi, còn anh ngồi đó hút hết hai điếu thuốc dắt trong túi áo rồi mới đứng dậy đi tìm đường về chỗ thằng T.

Anh kể lại cho nó, trong cái phòng trọ được 10 mét vuông, kê độc một cái đệm và tủ áo bằng vải. Nó tựa một đầu, anh tựa một đầu uống bia. T bảo như vậy là ông ấy cũng vẫn nghèo, cái khu ấy toàn bình dân ở mày ạ. Sao mày không sang chào ông ấy một câu. Anh nói vì thấy hai đứa nhỏ và ông ấy đang vui vẻ đón mẹ về nên thôi. Mà gặp cũng chẳng biết nói gì.

T bảo thế là anh em mình cũng lớn rồi. Mày xem ngày xưa tao cứ trách ông bà cụ nhà tao sao không cố mà làm lụng để tao khổ thế này, giá mà ông ấy nhạy bén thời cuộc mua cái miếng đất này, sắm lấy cái kia rồi mở rộng xưởng thì chắc tao không phải bỏ học mà bươn chải, giờ có khi đang đàng hoàng lắm. Sau này tao lên đây đi làm, mới thấy vất vả ghê lắm. Rồi tao thấy mình có chút khốn nạn khi cứ ghim cái ý nghĩ ấy trong lòng, nói chuyện với họ không có chút tôn trọng. Sau cùng, nếu đã là bố mẹ, ai cũng muốn cố gắng để đổi đời và lo cho con cái đầy đủ thì thôi, mày nghĩ xem phải không, như tao nếu có con, bảo tao đi hót cứt để kiếm tiền nuôi chúng nó, tao cũng sẽ đi và làm nhiệt tình. Ông già tao không một lần nóng với tao, cho dù tao có tỏ ra chê bai ông ấy thế nào đi nữa. Giờ ông cũng mất rồi, mày xem, lúc tao biết nghĩ thì cũng chỉ còn dằn vặt bản thân thế này thôi.

Tao nghĩ bố mày cũng có nỗi khổ riêng. T nói. Mày hiểu chứ. Mà thôi, cho dù mày có hận ông ấy thế nào, ông ấy vẫn là người thân không thể chối bỏ của mày. Ông ấy vẫn không khá hơn hồi ở quê mày nhỉ, cuộc đời, đâu phải muốn giàu mà giàu được đâu.

T uống hết lon bia rồi khoác vai anh đi bát phố. Nó chỉ cho những cái xe đời mới, những cửa hàng mà đến nửa đêm vẫn đông nghịt người ăn uống, bàn ghế kê nhau san sát và sáng choang đèn đóm. Nó bảo một ngày tao chào dễ đến cả trăm người, dắt dễ đến hàng nghìn cái xe. Tao vừa làm vừa kiếm tiền đi học tiếng, có tiếng rồi sẽ lên biên giới theo ông anh họ để đánh hàng, giờ chỉ có đường đó thôi, chứ không thể đốt đời ở đây được. Mày cũng cố học hành nốt để lấy cái bằng đi, rồi sẽ khác. Bố thì mày gặp rồi đấy, ít ra thế chứ hả, ít ra phải thế. Tao còn không có bố cơ.

Đêm đấy anh ngủ chập chờn, tờ mờ sáng anh lại ra cái địa chỉ mẹ đưa. Anh ngồi đó và nhìn sang đường, nhìn vào những cái cửa sổ bạc màu vì nắng và cái cốt nhà cứ nghiêng xiêu vẹo. Hơn 6 giờ sáng thì ông đi ra, dắt cái xe đạp của vợ hôm qua, sau là mấy cái hộp gỗ. Ông cũng nhìn sang chỗ anh, và đứng một lúc. Lát sau ông đi sang, hỏi cậu tìm ai thế, hôm qua muộn vậy vẫn ngồi đây. Anh châm thuốc bảo, không tìm ai cả, ngồi chơi thôi. Anh nói trống không. Ông đi một đoạn rồi quay lại hỏi. Có cần tiền không, trẻ vậy lên đây kiếm việc à? Thành phố cũng nhiều việc nhưng vất vả đấy.

Anh định nói, nhưng thôi, lúc này nghẹn bứ những khói trong miệng. Anh nhận ra một mắt ông đã lòa với chằng chịt nếp nhăn. Anh chỉ lắc đầu. Ông dúi vào tay anh hai chục, bảo mua lấy cái gì mà ăn, ngày xưa chú lên đây cũng thế, nhưng thanh niên đừng để đầu gối quá tai, cái dáng ấy khổ lắm cháu. Ông thở dài rồi quay đi. Anh đã cao vượt ông rồi. Anh nhớ thế. Hôm đó là thế.

Trên cái xe lắc lư về quê anh nghĩ nhiều về số phận, con đường, mọi thứ. Anh cũng không oán giận gì cả, rất bình thản là khác, trong này – anh xoa bụng – là trống rỗng.

Anh theo T đánh hàng biên giới, hai thằng nằm ép trên trần gần nóc xe, dưới là những kiện hàng lớn. Phải nhịn vệ sinh đến đau toát mồ hôi, nhưng có sao, những lúc ấy anh nghĩ đến tờ hai chục trong ví anh gấp đôi cất cẩn thận trong lớp khóa kéo, và mẹ anh trên đồng xanh quê nhà với cái khớp gối không lúc nào ngừng đau của bà.

Anh không oán hận gì nữa cả.....
 
Tôi viết những thứ này, để nói đàn ông cũng thật nhiều hạnh phúc và cũng lắm xót xa. Nhưng để thấu hiểu một con người, tâm hồn mình cũng rất cần vị tha và bao dung. Tất cả những đánh giá, những nhận xét của chúng ta về một người xa lạ nào đó, cũng chỉ là lấy chất liệu từ chính chúng ta ra để đo đếm mà thôi, giống như là soi gương vậy, mình có thứ gì sẽ hiện lên cái đó, còn cái phần không chạm được tới, không rõ hình hài thì đúng là cần cả trái tim để mà rung cảm. Những thứ rộng lớn thế, không phải ngày một ngày hai nói là hiểu được. Những gã trai vụt lớn, có những chuyện tăm tối, vài câu chuyện hạnh phúc, nhưng đó mới là đời.

Và đời, thì tôi luôn đón nhận và viết về nó giản đơn nhất có thể. Tất nhiên, tôi luôn muốn mọi người được đọc nó - miễn phí.

BeP
 
Anh bắt xe lên thành phố, hết hơn 200 cây. Ngồi ở giữa lối đi nên vé rẻ hơn, cũng có thể vì hôm đó người anh nhìn xơ xác như một cái lá khô, ôm đúng một cái balo vải hàng xóm cho trong lòng nên người ta để vé rẻ cho. Lơ xe bảo mày đi đường dài, để nó trước bụng không xuống đến bến lạ nước lạ cái nó khoắng hết. Tiền phải liền khúc ruột mày biết chưa thanh niên.

Vì sợ câu nói ấy mà cứ mỗi một lúc anh lại phải sờ cái gói tiền mẹ cuộn lại để trong người để chắc chắn là nó không bị rơi, cả chặng không dám chợp mắt. Khát khô cả cổ.

Lên đến nơi thì cũng nhập nhoạng rồi, bắt thêm một lượt xe rồi đến địa chỉ mẹ gửi, mẹ nói bố anh ở đó. Nếu như muốn gặp, anh cứ đứng đó chờ, kiểu gì cũng gặp được. "Anh sẽ nhận ra thôi, bố con anh giống nhau như đúc." Anh không nói gì, chỉ biết tin, dù sao, đây cũng là lần đầu anh rời xa cái mảnh đất này mà lên thành phố. Anh háo hức và không ngủ được, mẹ anh chỉ thở dài.

Khi cha mẹ ly thân lúc anh còn quá nhỏ, anh chỉ còn nhìn thấy ông trong ảnh - cao gầy với cái sơ mi chắc là đẹp nhất trong tủ đồ - vì nó lặp đi lặp lại ở mấy bức khác. Mà người nhà hình như cũng vì hận ông mà giấu hoặc đốt hết ảnh đi, họ bảo ông không chịu được khổ nữa nên lên thành phố, mày và mẹ mày chỉ làm ông ấy vướng chân. Cái bệnh khớp của mẹ hành hạ bà đủ để bà không còn nghĩ ra một việc gì khác ngoài những cơn rên rỉ ấy.

Bạn bè anh cũng không đứa nào trêu chọc gì, bố mẹ chúng nó cũng lên hết trên đó kiếm việc, một năm may gặp được dịp trung thu và Tết, còn lại là xác xơ như nhau, mấy cái lá rách, tốt nhất đừng xé thêm cho nó toang ra. Nhưng thằng T bảo mày nên kiếm gặp ông ấy một lần, máu mủ mày biết không, mày không thể lớn lên mà không nhìn mặt ông ấy được.

Nhưng ông ấy không nhìn mặt tao đến một lần. Thì sao, nếu như mày cứ giữ những suy nghĩ như thế trong lòng sẽ sinh bệnh, bao nhiêu năm rồi, tao nghĩ cho qua được là qua thôi, đến giờ mày vẫn chưa chết được đúng không, còn sống là được rồi. Nó cho anh ba trăm đi đường, nó cũng trên thành phố, làm một quán nào đó, bảo lên đến địa chỉ này rồi tao đưa đi chơi.

Anh mua ăn một cái bánh mỳ thành phố, một chai nước lọc. Một trong những bữa ngon nhất vì anh đói ngấu. Anh ngồi trước địa chỉ mẹ cho và đợi, đến gần 10 giờ, anh mệt lả, định quay về chỗ thằng T mà ngủ thì anh thấy ông ấy, gần như ngay tắp lự, anh nhận ra ngay, một gương mặt giống anh đến như thế khi đi qua chỗ đèn sáng, anh sởn cả da gà. Xách theo một túi đồ ăn, theo sau là hai đứa nhỏ, lúc này ông dáng đã trùng xuống, không còn thẳng thớm như trong mấy bức ảnh ông mặc sơ mi đâu. Họ đứng đợi ai đó trước nhà, lúc này ông cũng nhìn qua bên đường, anh cũng nhìn ông kỹ hơn. Nhưng có vẻ ông không nhận ra, anh rất muốn sang đường đứng cạnh xem ông cao thấp thế nào so với mình, nhưng có điều gì giữ anh lại, anh muốn gọi bố. Nhưng thôi. Một người phụ nữ chắc là vợ đạp xe về, đằng sau là những chiếc rổ, cũng một túi đồ ăn treo ở ghi đông. Lũ nhỏ ùa ra đón, anh thấy ông cười. Lúc này là cay xè mắt đây. Mẹ anh trong suốt những năm tháng anh lớn, anh rất ít khi thấy bà cười. Vì có lẽ cái gánh nặng đeo đẳng trên vai bà và những cơn đau ở đầu gối khiến bà không lúc nào vui vẻ được.

Lúc họ lên nhà, ông lại nhìn chăm chăm anh một lúc nữa mới quay đi, còn anh ngồi đó hút hết hai điếu thuốc dắt trong túi áo rồi mới đứng dậy đi tìm đường về chỗ thằng T.

Anh kể lại cho nó, trong cái phòng trọ được 10 mét vuông, kê độc một cái đệm và tủ áo bằng vải. Nó tựa một đầu, anh tựa một đầu uống bia. T bảo như vậy là ông ấy cũng vẫn nghèo, cái khu ấy toàn bình dân ở mày ạ. Sao mày không sang chào ông ấy một câu. Anh nói vì thấy hai đứa nhỏ và ông ấy đang vui vẻ đón mẹ về nên thôi. Mà gặp cũng chẳng biết nói gì.

T bảo thế là anh em mình cũng lớn rồi. Mày xem ngày xưa tao cứ trách ông bà cụ nhà tao sao không cố mà làm lụng để tao khổ thế này, giá mà ông ấy nhạy bén thời cuộc mua cái miếng đất này, sắm lấy cái kia rồi mở rộng xưởng thì chắc tao không phải bỏ học mà bươn chải, giờ có khi đang đàng hoàng lắm. Sau này tao lên đây đi làm, mới thấy vất vả ghê lắm. Rồi tao thấy mình có chút khốn nạn khi cứ ghim cái ý nghĩ ấy trong lòng, nói chuyện với họ không có chút tôn trọng. Sau cùng, nếu đã là bố mẹ, ai cũng muốn cố gắng để đổi đời và lo cho con cái đầy đủ thì thôi, mày nghĩ xem phải không, như tao nếu có con, bảo tao đi hót cứt để kiếm tiền nuôi chúng nó, tao cũng sẽ đi và làm nhiệt tình. Ông già tao không một lần nóng với tao, cho dù tao có tỏ ra chê bai ông ấy thế nào đi nữa. Giờ ông cũng mất rồi, mày xem, lúc tao biết nghĩ thì cũng chỉ còn dằn vặt bản thân thế này thôi.

Tao nghĩ bố mày cũng có nỗi khổ riêng. T nói. Mày hiểu chứ. Mà thôi, cho dù mày có hận ông ấy thế nào, ông ấy vẫn là người thân không thể chối bỏ của mày. Ông ấy vẫn không khá hơn hồi ở quê mày nhỉ, cuộc đời, đâu phải muốn giàu mà giàu được đâu.

T uống hết lon bia rồi khoác vai anh đi bát phố. Nó chỉ cho những cái xe đời mới, những cửa hàng mà đến nửa đêm vẫn đông nghịt người ăn uống, bàn ghế kê nhau san sát và sáng choang đèn đóm. Nó bảo một ngày tao chào dễ đến cả trăm người, dắt dễ đến hàng nghìn cái xe. Tao vừa làm vừa kiếm tiền đi học tiếng, có tiếng rồi sẽ lên biên giới theo ông anh họ để đánh hàng, giờ chỉ có đường đó thôi, chứ không thể đốt đời ở đây được. Mày cũng cố học hành nốt để lấy cái bằng đi, rồi sẽ khác. Bố thì mày gặp rồi đấy, ít ra thế chứ hả, ít ra phải thế. Tao còn không có bố cơ.

Đêm đấy anh ngủ chập chờn, tờ mờ sáng anh lại ra cái địa chỉ mẹ đưa. Anh ngồi đó và nhìn sang đường, nhìn vào những cái cửa sổ bạc màu vì nắng và cái cốt nhà cứ nghiêng xiêu vẹo. Hơn 6 giờ sáng thì ông đi ra, dắt cái xe đạp của vợ hôm qua, sau là mấy cái hộp gỗ. Ông cũng nhìn sang chỗ anh, và đứng một lúc. Lát sau ông đi sang, hỏi cậu tìm ai thế, hôm qua muộn vậy vẫn ngồi đây. Anh châm thuốc bảo, không tìm ai cả, ngồi chơi thôi. Anh nói trống không. Ông đi một đoạn rồi quay lại hỏi. Có cần tiền không, trẻ vậy lên đây kiếm việc à? Thành phố cũng nhiều việc nhưng vất vả đấy.

Anh định nói, nhưng thôi, lúc này nghẹn bứ những khói trong miệng. Anh nhận ra một mắt ông đã lòa với chằng chịt nếp nhăn. Anh chỉ lắc đầu. Ông dúi vào tay anh hai chục, bảo mua lấy cái gì mà ăn, ngày xưa chú lên đây cũng thế, nhưng thanh niên đừng để đầu gối quá tai, cái dáng ấy khổ lắm cháu. Ông thở dài rồi quay đi. Anh đã cao vượt ông rồi. Anh nhớ thế. Hôm đó là thế.

Trên cái xe lắc lư về quê anh nghĩ nhiều về số phận, con đường, mọi thứ. Anh cũng không oán giận gì cả, rất bình thản là khác, trong này – anh xoa bụng – là trống rỗng.

Anh theo T đánh hàng biên giới, hai thằng nằm ép trên trần gần nóc xe, dưới là những kiện hàng lớn. Phải nhịn vệ sinh đến đau toát mồ hôi, nhưng có sao, những lúc ấy anh nghĩ đến tờ hai chục trong ví anh gấp đôi cất cẩn thận trong lớp khóa kéo, và mẹ anh trên đồng xanh quê nhà với cái khớp gối không lúc nào ngừng đau của bà.

Anh không oán hận gì nữa cả.....
Truyện hay bạn ơi. Mốt có gì cho tôi xin đăng lên web truyện với nhé. :3
 
Top