Có Hình Một vì sao mang tên Mặt Trời - Звезда по имени Солнце - Trải lòng của lính Liên Xô tại Afghanistan

Tổng hợp từ Zinky Boys - Những quan tài kẽm - Svetlana Alexievich + Robin Whitby - 1992



Chiến tranh Liên Xô tại Afghanistan, hay còn được gọi là Xung đột Afghanistan - Liên XôChiến tranh Afghanistan là cuộc xung đột kéo dài 10 năm giữa các lực lượng quân sự Mujahideen chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền Cộng hòa Dân chủ Afghanistan của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) theo chủ nghĩa c.ộng sản chống lại lực lượng Mujahideen được sự hỗ trợ của quân đội Liên Xô. Liên bang Xô viết ủng hộ chính phủ trong khi phe đối lập (Mujahideen) nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía gồm Hoa Kỳ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột xảy ra đồng thời với Cách mạng Iran năm 1979 và Chiến tranh Iran-Iraq, ảnh hưởng tới sự trỗi dậy của lực lượng Mujahideen tại Trung Á.

Tập đoàn quân số 40 Liên Xô bắt đầu triển khai tại Afghanistan ngày 25 tháng 12 năm 1979. Vào giữa thập niên 1980 quân số quân đội Liên Xô tăng lên tới 108.800 lính và chiến tranh lan ra khắp lãnh thổ Afghanistan. Vào giữa năm 1987, Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev tuyên bố là sẽ rút quân. Việc rút quân bắt đầu ngày 15 tháng 5 năm 1988, và chấm dứt hoàn toàn ngày 15 tháng 2 năm 1989.

Chỉ riêng thường dân, ước tính từ 850.000 đến 1,5 triệu người đã bị chết trong cuộc chiến và hàng triệu người Afghanistan đã chạy ra khỏi nước tị nạn, hầu hết tới Pakistan và Iran.

Cuộc chiến tranh được xem như là một phần của cuộc chiến tranh lạnh. Vì đó là một cuộc chiến tranh dai dẳng nên nó thỉnh thoảng được ví như là cuộc "chiến tranh Việt Nam của Liên Xô" hay "cái bẫy gấu" bởi báo chí Phương Tây vì họ cho rằng Hoa Kỳ có thể đã tạo điều kiện để Liên Xô can thiệp sâu vào cuộc chiến này và kết quả là nước này bị "sa lầy" tại Afghanistan trong suốt 10 năm. Cuộc chiến này đã có những tác động rất lớn đối với Liên bang Xô viết và thường được nhắc đến như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.

 
Sửa lần cuối:
Cố vấn quân sự

“Mình sẽ quên tất cả... nhanh thôi.” Đó là những gì tôi luôn nói với bản thân. Đó là một chủ đề nhạy cảm trong gia đình của chúng tôi. Đầu vợ tôi đã bạc đi ở tuổi bốn mươi. Con gái tôi đã từng có một mái tóc dài nhưng bây giờ đã cắt ngắn. Con bé từng là một đứa ngủ rất sâu giấc, nên chúng tôi phải kéo bím tóc của nó để đánh thức con bé dậy, mỗi khi những trận pháo kích ban đêm ở Kabul xảy ra.

Bốn năm sau đó, vào lúc này, tôi rất muốn kể những câu chuyện của mình ra. Chẳng hạn, tối hôm qua, một số người bạn của tôi ghé qua và tôi không thể ngừng kể chuyện. Tôi lấy album ảnh ra và chỉ cho họ xem một vài bức. Trực thăng bay lượn trên một ngôi làng, một người bị thương được đặt trên cáng, với một chân đã đứt lìa để bên cạnh, vẫn còn được ống quần thể thao phủ kín, những tù binh bị kết án tử hình ngây dại nhìn vào ống kính máy ảnh, và mười phút sau đã về cát bụi... Tiếng kêu “Allah Akbar” (Hỡi đấng Allah vĩ đại!) kêu không ngừng.

22.jpg

Làng Herat, sát biên giới Iran, là một trong nhưng căn cứ Mujahiden quan trọng - 1990

Tôi ngưng kể, nhìn quanh và nhận ra những cánh đàn ông đã hút thuốc ngoài ban công từ bao giờ, đám đàn bà đã rút lui vào bếp và chỉ có con cái họ, đám thanh thiếu niên đang nán lại để nghe tôi nói. Bọn trẻ rất chú tâm nghe ngóng. Tôi không biết có chuyện gì đã xảy ra với tôi, khi mình chỉ muốn kể chuyện thôi. Tại sao ư? Có lẽ để tôi không bao giờ quên được...

Những chuyện đã xảy ra, hay những gì tôi đã cảm nhận ở đó, tôi không biết tả ra sao nữa. Giờ thì có thể tả được, đúng lúc bốn năm sau khi đã xảy ra. Và thêm mười năm nữa, mọi chuyện có thể trông hoàn toàn khác, bức tranh tổng thể có thể đã vỡ tan thành hàng nghìn chi tiết vụn vặt khác nhau.

Tôi nhớ có mình từng cảm thấy tức giận, đúng hơn là phẫn nộ. Tại sao tôi phải đến Afghanistan? Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tuy nhiên, tôi vẫn đương đầu với áp lực, không gục ngã và chính điều đó đã khiến tôi hài lòng. Tôi nhớ mình đã chuẩn bị lên đường, lo lắng đến những chi tiết nhỏ nhặt như lấy con dao nào để rọc giấy, dao nào để cạo râu… Rồi tôi nóng lòng muốn lên đường, muốn chứng kiến những điều chưa hề thấy trong khi vẫn cách mặt đất hàng nghìn mét. Ai trên chuyến đó hình như cũng run rẩy và đổ mồ hôi, cứ hỏi bất cứ trong số họ mà xem. Khi máy bay hạ cánh, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và có phần phấn khích: đây là Afghanistan thật rồi, chúng ta sẽ nhìn thấy, chạm vào và sống với nó.

Tôi nhớ rõ có ba người Afghan đang trò chuyện và cười lớn. Một đứa bé xấu bẩn chạy dọc khu chợ và lẩn mất vào những bó quần áo to đùng trên xe đẩy. Một con vẹt đang nhìn tôi bằng con mắt xanh biếc không chớp. Tôi nhìn quanh và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ vẫn đang trò chuyện, rồi một tên trong đó đang chĩa lưng về phía tôi quay ngoắt lại, và tôi nhìn thấy nòng súng lục. Nó cứ giương lên, cho đến khi tôi đối mặt với cái họng súng đen ngòm, và cùng lúc đó tôi nghe thấy một tiếng “rắc” gãy gọn và tôi như chẳng còn trên đời. Tôi cứ mông lung giữa thực và mơ, nhưng tôi nhận ra là mình vẫn còn đang đứng đó chứ không nằm trên đất. Tôi muốn mở lời và nói chuyện với họ, nhưng không thể.

Thế giới quan quanh tôi dần thành hình, giống như một tấm ảnh Polaroid đang lên màu... Một cửa sổ rộng... Một thứ gì đó màu trắng, và một thứ khác, to và nặng đang nằm gọn trong đó. Đôi kính thuốc che khuất khuôn mặt, nhưng tôi vẫn có thể thấy mồ hôi chảy ròng ròng, nhức nhối, nhỏ xuống mặt tôi. Tôi mở đôi mắt nặng trĩu của mình lên và nghe thấy tiếng thở dài nhẹ nhõm.

“Ồ, đại tá, ông đi công tác về đấy à?”

Nhưng nếu tôi cố gắng ngẩng đầu lên, hoặc quay đầu lại, tôi cảm thấy óc mình như rơi ra ngoài... Một lần nữa, tôi lại thấy đứa bé kia lao vào đống vải dày trên xe chợ, con ngươi xanh thao láo của con vẹt dán chặt vào tôi, và ba người Afghan vẫn đang đứng đó. Tên chĩa lưng về phía tôi quay lại, và tôi lại nhìn chằm chằm vào nòng súng lục của hắn, lại là cái họng súng quen thuộc... Nhưng lần này tôi không đợi tiếng “rắc” kia nữa, thay vào đó tôi hét lên “Bố sẽ giết mày, bố sẽ giết mày!'

Tiếng hét có màu gì, vị ra sao? Còn màu của máu? Nó có màu đỏ trong bệnh viện, màu xám trên nền cát khô và màu xanh nhạt trên đá nóng, và tất cả đều khô cứng khi đêm về. Máu đổ ra từ một người bị trọng thương, như chất lỏng từ một chiếc lọ sứ bị vỡ, cuộc sống của anh ấy vụt tắt, chỉ còn đôi mắt long lanh, cố nhìn xuyên qua người ta, cho đến phút lìa đời.

Chúng tôi sẽ phải trả giá tất cả cho những gì đã qua.

z4928979289289_eaf856b15b8004e15942cf5955a621a1.jpg

Năm người lính thuộc đơn vị đặc nhiệm VDV - Kabul - 1985

Cô biết không, nếu nhìn lên những ngọn núi từ bên dưới, chúng dường như vô tận và không thể lên tới đỉnh, nhưng từ trên máy bay nhìn xuống, chúng thật nhỏ bé làm sao. Cô hiểu ý tôi đang nói về điều gì chứ? Đó là thời gian và khoảng cách giữa các sự kiện đã và đang diễn ra. Vào năm 1979, đó, ngay cả chúng tôi, những người lên đường, cũng không hiểu đây là cuộc chiến vì cái gì. Đừng nhầm lẫn giữa tôi ngày hôm nay với tôi của năm đó. Lúc đó tôi đã dốc mình vào cuộc chiến. Nhưng vào năm 1983, khi tôi đến Moscow, thì cuộc sống ở đó dường như vẫn diễn ra bình thường, như thể chúng tôi không tồn tại. Chiến tranh chưa và chằng đến Moscow.

Tôi đi dọc Arbat, dừng người ta lại và hỏi họ:

“Anh/chị có biết cuộc chiến ở Afghanistan đã diễn ra được bao lâu rồi không?’

“Tôi không biết.”

“Chúng ta đang ở tình trạng chiến tranh được bao lâu rồi?”

“Tôi không biết. Tại sao anh lại hỏi vậy?” Hoặc, “Chắc là hai năm.” Hay thậm chí, “Đang có đánh nhau ở đó thật á?”

Chúng tôi đã nghĩ gì và làm gì trong suốt thời gian đó chứ? Không nói nên lời được à? Tôi cũng thế. Có một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc, đại loại như thế này: “Quân tử ngồi cạnh con hổ bị đả thương, tiểu nhân ngồi cạnh con hổ bị ốm chết”. Có biết bao người đã nói rằng toàn bộ cuộc chiến là một cái sai lầm nghiêm trọng, nhưng tôi thì không. Đôi khi tôi được hỏi: 'Tại sao lúc đó ông lại giữ im lặng? Ông không còn trẻ nữa đâu, đã gần năm mươi rồi còn gì.”​
 
Cố vấn quân sự (tiếp)

Chà, nhưng cũng phải thú nhận rằng, tôi rất tôn trọng người dân Afghanistan, ngay cả khi tôi vẫn bắn và giết họ. Không ngoa khi nói rằng tôi yêu họ. Tôi thích những bài hát và lời cầu nguyện của họ, bình yên và trường tồn như những ngọn núi ở đó. Nhưng thực tế là, ý kiến cá nhân tôi thôi, thực sự tin rằng những chiếc lều du mục của họ, bẩn thỉu hơn những dãy nhà tập thể năm tầng mà chúng tôi đã góp sức xây, và không có nhà xí thì đúng là chẳng thấy văn minh chút nào. Chúng tôi xây cho họ biết bao nhà vệ sinh có bồn cầu xả nước, xây những ngôi nhà bê tông kiên cố để đưa họ vào, mang bàn làm việc cho văn phòng của họ, rồi đem bình đựng nước và những chiếc khăn trải bàn xinh xắn cho các cuộc họp của họ, cùng với vô số bức chân dung của Marx, Engels và Lenin. Chúng chễm chệ trên mọi bức tường chốn công sở, ngay phía trên đầu chỗ thủ trưởng ngồi.

Chúng tôi đã đưa đến đây hàng nghìn chiếc xe Volga, đầu máy kéo và những con bò giống tốt nhất của Liên Xô. Những người nông dân địa phương thì lại không muốn nhận những mảnh đất mà chúng tôi đã chia lại cho họ, vì đó là Allah quyết. Những chiếc sọ nát vụn của các nhà thờ Hồi giáo nhìn thấu chúng tôi, như thể từ có thế lực nào đó từ thế giới khác đang dõi theo...

Đôi lúc chúng tôi không biết thế giới quan của lũ kiến đang bò trên đất như thế nào. Chắc lại phải đọc tác phẩm của Engels. Nhớ đến Speserov, một nhà phương Đông học nổi tiếng đã nói: “Xâm lược Afghanistan thì dễ, chinh phục thì khó.” Một buổi sáng, tôi châm một điếu thuốc và có một con thằn lằn, không lớn hơn con phù du là bao, đậu trên chiếc gạt tàn. Vài ngày sau tôi quay lại và con thằn lằn vẫn ngồi đó với tư thế y hệt. Nó thậm chí còn không cử động cái đầu của mình. Tôi chợt nhận ra, đó chính là bản chất của Phương Đông! Tôi có thể biến mất và quay lại hàng chục lần, sắp xếp và thay đổi mọi thứ bao nhiêu lần tùy thích, và con thằn lằn ấy vẫn ở đó, không thèm quay ngoắt cái đầu nhỏ xíu của nó lại. Đó là thuyết tương đối, cô hiểu chứ? Ở đó Hồi lịch vẫn là năm 1365.

45.jpg

Tập bắn trung liên - 1980

Bây giờ tôi chỉ ngồi ở nhà, trên chiếc ghế bành trước TV. Liệu tôi có thể giết một tên đàn ông? Tôi thậm chí không thể đập nổi một con ruồi! Nếu chúng tôi mua một con gà sống ở chợ, thì vợ tôi sẽ là người giết thịt nó. Những ngày đầu tiên tôi ở đó, với những viên đạn bay sượt qua bụi dâu tằm, cảm giác thật là ảo lòi. Tâm trạng thời chiến tranh rất khác so với ngày thường. Tôi vừa chạy vừa nhắm, di chuyển về phía trước, rồi né sang một bên. Tôi chưa bao giờ đếm xác, tôi chỉ chạy, rồi nhắm súng đến chỗ này, chỗ nọ... Tôi cũng là một mục tiêu sống, bằng xương thịt. Với một cuộc chiến như vậy, không ai trở lại như một anh hùng cả...

Nhìn hình tượng người lính Hồng quân trở về quê hương năm 1945 mà xem, anh ấy được mọi người yêu quý, kính trọng. Với lối suy nghĩ ngây thơ, đơn giản, với chiếc đai lưng quân đội nặng trĩu, không đòi hỏi gì ngoài chiến thắng bọn phát xít và về nhà. Nhưng những người lính trở về từ Afghanistan này lại khác, họ muốn quần jean của Mỹ và đài cassette của Nhật Bản. Cô chắc biết câu nói: “Rút dây động rừng”? Thật sai lầm làm sao, khi yêu cầu con người ta đáp ứng nhiều hơn những gì họ có thể làm được.

Tôi giờ không thể chịu nổi khi cố đọc hết tác phẩm Dostoevsky yêu quý của mình. Ông ấy quá nghiệt ngã. Thay vào đó, tôi mang theo sách khoa học viễn tưởng đi khắp mọi nơi, đặc biệt là sách của Ray Bradbury. “Ai muốn bất tử chứ? Không một ai cả”.

Tôi nhớ có lần nhìn thấy một thủ lĩnh bọn phỉ ngồi trong tù. Hắn đang nằm trên chiếc giường sắt và đọc một cuốn sách trông quen quen. Té ra là cuốn “Nhà nước và cách mạng” của Lênin. “Thật tiếc là tôi không có dư dả thời gian để đọc hết cuốn này,” hắn nói, “nhưng có lẽ các con của tôi sẽ làm được.”

Có lần một ngôi trường bị cháy rụi và chỉ còn lại một bức tường. Mỗi buổi sáng bọn trẻ đến trường và viết lên bức tường đó bằng những mẩu than củi nhặt lên từ đống lửa. Sau giờ học, bức tường được quét vôi trắng sạch sẽ, như một tờ giấy trắng, để sẵn sàng cho bài học ngày hôm sau.

Một trung úy được đưa về từ chiến trường trong tình trạng hỏng hết tứ chi. Họ cũng đã cắt đứt luôn cả phần hạ bộ. Cô có biết lời đầu tiên của anh ấy là gì khi thoát khỏi cơn hôn mê không? “Các anh em của tôi thế nào rồi?”

Chúng tôi đã trả giá cho hành động của mình, nhiều hơn bất cứ ai, chắc chắn là thế.

Chúng tôi không cần bất cứ điều gì. Chỉ cần mọi người lắng nghe và thông cảm. Xã hội ngoài kia đã quen với mấy thứ bài bản: trợ giúp y tế, lương hưu, nơi ở. Nhưng tất cả thứ này đã được trả bằng loại tiền có giá trị vô biên, là máu của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi sẽ đứng lên để nói ra sự thật. Chúng tôi muốn xưng tội và và mong những tội lỗi sẽ được giữ kín.​
 
Binh nhì, đơn vị pháo binh

Tớ cũng phải thừa nhận rằng, việc thất trận cũng giúp cho người ta mở to cái mắt ra.

Tớ không thể vẽ được một bức tranh hoàn chỉnh về cuộc sống ở đó. Tớ chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của nó và chỉ có thể mô tả một phần nhỏ những gì mình đã thấy.

Nhưng vấn đề ở đây là, nó sẽ chẳng ích gì cho Alyoshka, cái thằng đã chết trong vòng tay của tớ với tám viên đạn găm trong bụng. Cả bọn đưa thằng ấy từ trên núi xuống lúc sáu giờ tối, một giờ trước đó vẫn còn thoi thóp. Bạn nghĩ người ta sẽ xây một cái đài tưởng niệm cho Alyoshka? Điều đó chỉ có ý nghĩa đối với những ai tin vào Chúa và mặc khải thôi. Tớ thì tin rằng, khi chết đi, hầu hết chúng ta không cảm thấy đau đớn, không sợ hãi và không cảm thấy tội lỗi về những gì mình đã làm.

Vậy tại sao lại phải bới móc chuyện cũ ra? Bạn có mong chờ đám lính nói về 'lý tưởng xã hội chủ nghĩa' của quân đội, giống như tất cả các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông chính thống không? Chắc bạn cũng hiểu, thật là khó để dõi theo lý tưởng khi đang chiến đấu trong một cuộc chiến vô ích ở nước ngoài. Ở đó, tất cả anh em chúng tớ đều ở trên cùng một chiến tuyến, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả ai cũng đều nghĩ giống như ai. Điểm chung duy nhất của đám lính chúng tớ là được huấn luyện để giết chóc, và anh em đã thực thi như vậy. Tất cả những người lính đều là những người có tâm hồn, nhưng rồi bị biến thành những con cừu, đầu tiên ở quê nhà, và sau đó ở Afghanistan.

Tôi nhớ khi tôi mười hai hay mười ba tuổi, giáo viên văn học Nga của chúng tôi gọi tôi lên bảng và hỏi: “Ai là anh hùng mà em yêu thích nhất, Chapayev (một sĩ quan Hồng quân nổi tiếng thời Nội chiến Nga) hay Pavel Korchagin?”

“Huckleberry Finn ạ,” tớ trả lời.

“Tại sao lại là Huck Finn?”

'Bởi vì khi cậu bé đấy phải quyết định nên giao nộp Jim, người nô lệ bỏ trốn hay bị đày đọa dưới địa ngục, cậu ta nói, "Tớ không quan tâm, quỷ tha ma bắt mấy câu dọa đó," và đã không giao nộp Jim cho chủ nô ạ.”

“Thế nếu Jim là một tên Bạch vệ, còn mày là một người lính Hồng quân trong nội chiến?” Lại là cái thằng Alyoshka hỏi tớ, sau khi lớp học kết thúc. Suốt đời mình, dù ở phe nào, “ai không theo ta đều là địch” thôi.


Lính Mujahiden hành quân - miền Bắc Afghanistan - 1980

Tớ nhớ có lần ở Afghanistan, gần Bagram thì phải, anh em ghé qua một ngôi làng và xin thứ gì đó để ăn. Theo luật lệ của họ, không được phép từ chối đưa cơm nóng cho người đói đến trước cửa. Hiển nhiên những người phụ nữ đã tiếp đãi và cho đồ ăn. Sau khi chúng tớ rời đi, bọn dân làng khác đã kéo đến đánh đập và ném đá họ và con cái của họ đến chết. Những người phụ nữ đó biết mình sẽ bị giết nhưng họ không nỡ đuổi đám lính bọn tớ đi. Có vẻ cánh lính tráng luôn cố gắng áp đặt luật lệ của mình lên họ, bước vào nhà thờ Hồi giáo của họ với chiếc mũ lính vẫn trên đầu...

Tại sao lại buộc tớ phải nhớ tất cả những điều này? Nó là vấn đề nhạy cảm đấy. Cái gã đầu tiên mà tớ bắn chết, máu của hắn hòa với máu tớ vãi ra trên cát, còn con lạc đà thì nằm vắt cái cổ dài ngoằng của nó trên người tớ lúc bất tỉnh. Thế nhưng tớ vẫn kiên trì ở đó, như những người khác.

Chỉ một lần trong đời, tớ từ chối bắt chước như đám đông. Hồi ở trường tiểu học, người lớn bắt lũ trẻ chúng tớ nắm tay nhau và đi theo cặp, nhưng tớ lại muốn bước đi một mình. Các cô giáo viên trẻ đã chấp nhận điều kỳ quặc nhỏ này của tớ, nhưng sau đó một trong số họ kết hôn rồi rời đi khỏi trường, và thế chỗ đó là một bà già mà bọn trẻ chúng tớ gọi là “Bà giáo Klava”.

“Nắm tay Seryozha mau!”, tớ vẫn nhớ bà giáo Klava đấy ôn tồn nói.

“Em không muốn!”

“Tại sao không?”

“Em muốn bước đi một mình cơ!”

“Hãy ngoan ngoãn làm theo như những đứa trò ngoan kia đi!” Bà giáo Klava vẫn nói.

“Không muốn đâu!”

Sau khi cuộc dạo bước kết thúc , bà giáo Klava đấy lột truồng rồi bỏ tớ trong căn phòng trống tối tăm suốt ba tiếng đồng hồ. Thời thơ ấu không gì đáng sợ hơn phải ở một mình trong bóng tối. Tưởng như tất cả mọi người đã quên bạn, và họ sẽ không bao giờ tìm thấy. Ngày hôm sau tớ quyết định nắm lấy tay Seryozha và cư xử như những đứa còn lại.

Ở trường phổ thông và đại học, chính lớp học hoặc khoa quyết định mọi thứ. Còn tại nơi làm việc thì tập thể chịu trách nhiệm. Luôn luôn là cấp trên hoặc đám đông đưa ra quyết định. Thế hệ bọn tớ đã in sâu vào tâm trí mình rằng, một cá nhân đơn lẻ không thể tự mình duyệt được điều gì. Trong cuốn sách này hay cuốn sách khác, tớ tình cờ lướt qua cụm từ “lòng dũng cảm bị giết”. Khi được cử đến đó, tớ không muốn giết ai đâu, nhưng khi họ nói: “Các chiến sĩ, tiến hai bước, bước!', tớ nghe lệnh theo.

Ở Shindanda, tớ thấy có hai thằng lính phe mình bị mất trí. Chúng nó cứ luyên thuyên với lũ phỉ, cố gắng giải thích cái gọi là “chủ nghĩa xã hội”, theo cách mà đám sinh viên Liên Xô đã học vào năm cuối ở trường đại học và cao đẳng. Hai đứa đấy làm tớ nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn của Krylov, trong đó các linh mục ngoại đạo trèo vào trong tượng thần rỗng ruột để thuyết giảng lời Chúa cho đám đông mọi rợ.

Khi tớ khoảng tầm mười một tuổi, có một cựu binh có biệt danh là “Nữ thần bắn tỉa” đến thăm và giao lưu ở trường, vốn nổi tiếng vì đã bắn hạ 78 tên lính Đức trong chiến tranh Vệ quốc. Khi về đến nhà ngày hôm đó, tự nhiên tớ bắt đầu nói lắp và thân nhiệt tăng cao. Bố mẹ cứ nghĩ tớ đã bị cúm, và thế là ở nhà một tuần và dí mắt vào cuốn sách yêu thích của mình, “Ruồi Trâu”.


Chuyến tuần tra cuối cùng trước khi rời Afghanistan - Ngoại ô Kabul - 1988

Tại sao lại bắt tớ nhớ lại cơ chứ? Khi trở về, tớ đã không thể mặc chiếc quần jeans và áo sơ mi mà mình từng mặc trước khi nhập ngũ, cứ như áo quần của người lạ ấy, mặc dù mẹ tớ quả quyết rằng chúng vẫn còn giữ hơi hướm của mình. Có lẽ con người đó đã không còn nữa, anh ta không tồn tại. Con người khác ấy, là tớ lúc này, đơn giản chỉ mang tên họ anh ta mà thôi.

Trước chiến tranh tớ đã hẹn hò với một cô gái, và phải lòng nhau. Tớ trở về nhưng không gọi điện cho em ấy. Tình cờ biết tin tớ đã xuất ngũ và về đến thành phố, thế là em ấy đến tìm tớ. Lẽ ra hai đứa không nên gặp nhau. “Người mà em yêu, và cái người cũng yêu em vô cùng đó, không còn nữa rồi,” tớ nhất mực nói với em ấy. “Anh đã là người khác rồi!” Em ấy liền khóc nức nở. Sau đó em còn cứ cố đến nhà tớ nhiều lần và gọi điện. Để làm gì cơ chứ? Vì tớ đã là người khác rồi!

Trích đoạn tác phẩm "Ruồi Trâu":
“Cha cố à,” Ruồi Trâu hỏi cha Montanelli, “giờ thì vị Chúa của ông đã hài lòng chưa?”

Giờ thì ném mấy chữ đó vào ai được chứ? Có phải lựu đạn đâu?​
 
Top