Live Áp lực tăng giá điện mùa nắng nóng

Từ ngày 15.5, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Điều chỉnh này cho phép việc điều hành giá bán lẻ điện bình quân có thể linh hoạt và sát với thị trường hơn nhưng cùng với đó là áp lực tăng giá khi chi phí sản xuất điện đã và sẽ gia tăng mạnh do nắng nóng, nhu cầu sử dụng lớn.
Áp lực tăng giá điện mùa nắng nóng

Việc tăng giá điện vào năm 2024 đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ảnh: EVNNPC.

Cho phép 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần
Giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh. Do đó, chi phí sản xuất và phát điện tính đến thời điểm này tiếp tục tăng, gây áp lực tăng giá điện.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc EVN cho biết, việc tăng giá điện vào năm 2024 đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc tăng giá thế nào, lộ trình ra sao còn dựa trên tính toán của các đơn vị có thẩm quyền - trên cơ sở báo cáo tài chính của EVN.
“Việc tăng giá điện hay không, phải có quá trình nghiên cứu khách quan, dựa trên các đánh giá tác động về kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tiến tới thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường” - ông Tuấn nói.
Ông Đào Nhật Đình (Tạp chí Năng lượng Việt Nam) cho Lao Động biết, phương án tăng giá điện trong năm 2024 giúp EVN cân bằng tài chính là phù hợp bởi nếu “sức khỏe” của EVN yếu sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào ngành điện.
“Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân. Nếu giá điện không được tăng ở ngưỡng có thể giúp EVN cân bằng tài chính sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn Nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia” - ông Đào Nhật Đình cho hay.
TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho rằng, việc tăng giá điện trong năm 2024 là cần thiết, bởi hiện lỗ lũy kế tính đến hết năm 2023 của EVN là khoảng 17.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc tăng giá thế nào, thời điểm tăng và mức tăng ra sao cần được nghiên cứu hết sức thận trọng, kỹ lưỡng.
"Tôi cho rằng, mức tăng giá điện nên dưới 5% thuộc thẩm quyền điều chỉnh của EVN. Mức tăng này vừa đủ để EVN giải quyết được tình trạng lỗ lũy kế, vừa tránh ảnh hưởng rộng đến người dân. Về thời điểm tăng giá điện, không tăng giá điện vào mùa nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) để tránh hóa đơn tiền điện tăng sốc, gây bức xúc cho khách hàng, nên tăng giá điện vào tháng 10 năm nay" - ông Lâm nói.
Chi phí tăng, gánh lỗ lớn, nhu cầu đầu tư cao và quyền điều chỉnh giá được nới rộng hơn, khiến khả năng tăng giá điện là rất lớn. Ảnh: EVN

Chi phí tăng, gánh lỗ lớn, nhu cầu đầu tư cao và quyền điều chỉnh giá được nới rộng hơn, khiến khả năng tăng giá điện là rất lớn. Ảnh: EVN

Phải giải quyết những bất cập của giá điện
Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành là biểu giá lũy tiến 6 bậc thang, áp dụng từ năm 2014 đến nay đã lạc hậu. Do đó, Bộ Công Thương đang đề xuất cách tính tiền điện sinh hoạt mới, rút ngắn từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Bậc thấp nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh (thay vì 50kWh như hiện hành), còn bậc cao nhất là từ 701kWh trở lên. Dù vậy, bất cập bù chéo giá điện giữa khách hàng dùng nhiều điện cho khách hàng dùng ít điện vẫn tiếp tục thực hiện.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Huy Hoạch - Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam - cho biết, với cách tính giá điện này, các hộ càng sử dụng điện nhiều thì mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401kWh trở lên. Những người có thu nhập cao, họ đã đóng thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên, khi sử dụng nhiều điện lại phải trả tiền cao hơn, điều này liệu có phù hợp với thực tiễn hay không?
Do đó, TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, để tách bạch giá điện và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng điện cần sửa Luật Điện lực và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và giá điện 2 thành phần (theo công suất và điện năng tiêu thụ). Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện với giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất.
Về giá điện 2 thành phần, trao đổi với Lao Động, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kW hoặc đồng/kVA) mục tiêu là làm cho khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để giảm hóa đơn tiền điện mà họ phải trả.
"Việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện. Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy trước. Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện hai thành phần, bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện (do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành)" - ông Hòa nói.
Năm nay có thiếu điện?
Trước lo ngại sản lượng điện tăng lên khi mùa nắng nóng cận kề, nguy cơ thiếu điện miền Bắc hiện hữu, Bộ Công Thương cho biết, đã điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm lên 310,6 tỉ kWh, tăng hơn 4,3 tỉ kWh điện/năm so với kế hoạch.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc. Do đó, đủ cơ sở để tin tưởng năm nay không thiếu điện.
Theo ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trước khi nghĩ đến câu chuyện tăng giá điện, cần phải đặt vấn đề quản lý giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đã phù hợp chưa? "Trước đây, khi lập Quy hoạch Điện VIII, nguồn điện than chiếm khoảng hơn 30% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, tuy nhiên, sản lượng điện than lên tới hơn 40%.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, hiện giá than đầu vào tăng vọt, nhất là than nhập khẩu với giá cao khiến giá thành sản xuất điện cũng tăng theo. Do vậy, phải tính toán lại cơ cấu đầu vào của từng loại nguồn điện cho phù hợp với thực tế, cần sự chỉnh lý" - ông Lâm nói.
 
Mùa nắng tăng giá điện do không đủ điện, mua mưa tăng giá điện do dân dùng ít không đủ chi phí vận hành.

Ai không sài điện đứng qua 1 bên.

785mMe.jpeg
 
Top