Trung Quốc nói đã 'đuổi' tàu khu trục Mỹ áp sát Hoàng Sa

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Halsey (DDG 97) đang thực hiện các hoạt động thường lệ trên Biển Đông hôm 10/5

NGUỒN HÌNH ẢNH,HẢI QUÂN MỸ
Chụp lại hình ảnh,Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Halsey (DDG 97) đang 'thực thi các hoạt động thường lệ' trên Biển Đông hôm 10/5
44 phút trước
Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc tuyên bố đã "giám sát chặt chẽ và xua đuổi" tàu khu trục Mỹ USS Halsey khi chiến hạm này đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa hôm 10/5.
Trung Quốc nói động thái của Mỹ "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc", Reuters đưa tin.
"Đây là bằng chứng thép cho thấy tham vọng của Mỹ nhằm độc chiếm quyền đi lại và quân sự hóa Biển Đông", phía Trung Quốc khẳng định, đồng thời cho biết thêm quân đội nước này sẽ luôn cảnh giác cao độ và bảo vệ an ninh quốc gia.
Hải quân Mỹ ra thông cáo rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Halsey đã "thực thi quyền tự do đi lại phù hợp với luật pháp quốc tế" ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa.
Thông cáo cho biết tàu USS Halsey đã rời khỏi khu vực sau hoạt động trên và tiếp tục đi vào Biển Đông.
"Toàn bộ hoạt động của chúng tôi đều diễn ra an toàn, chuyên nghiệp và tuân thủ quy định quốc tế. Những chiến dịch này nhằm thể hiện lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bất kể những nơi có yêu sách hàng hải quá mức và bất kể các sự kiện hiện tại," hải quân Mỹ tuyên bố.

Mỹ lên án yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông​

Tranh chấp mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, khi đồng minh của Mỹ là Philippines bị lôi kéo vào một tranh chấp ngoại giao gay gắt với Bắc Kinh về chủ quyền trên vùng biển.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền những vùng rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm các vùng mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 ra phán quyết rằng yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Mỹ thường xuyên triển khai chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Hải quân Mỹ tuyên bố thách thức các yêu sách hàng hải quá mức trên khắp thế giới bất kể danh tính của bên yêu sách.
“Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Cả ba bên đều vi phạm luật pháp quốc tế khi ra yêu sách các tàu quân sự hoặc tàu chiến đều phải xin phép hoặc thông báo trước khi 'đi qua vô hại' trên vùng lãnh hải,” thông cáo của Hải Quân Mỹ viết.
Mỹ cũng thách thức tuyên bố năm 1996 của Trung Quốc về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc, bên đã dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
Bắc Kinh đã thành lập "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, từ tháng 7/2012.
“Dù bên nào tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này thì việc vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp,” thông cáo của Hải quân Mỹ nêu.

Căng thẳng Trung Quốc - Philippines​

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines hôm 10/5 kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc, sau khi cuộc gọi được cho là giữa một đô đốc Philippines và quan chức Trung Quốc bị rò rỉ trên mạng.
Trong cuộc gọi này, lãnh đạo mặt trận phía tây của quân đội Philippines, ông Alberto Carlos, được cho là đã đồng ý đề xuất của Bắc Kinh về "mô hình mới" trong quản trị nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Theo đó, Manila sẽ cử ít tàu hơn cho các nhiệm vụ tiếp tế binh lính trên Bãi Cỏ Mây và báo trước cho phía Trung Quốc thời gian tiến hành các nhiệm vụ này.
"Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã liên tục thực hiện những hành vi phát tán thông tin giả, thông tin gây hiểu nhầm hoặc thông tin không đầy đủ ngữ cảnh," cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano chỉ trích hôm 10/5.
Nhưng cho đến nay, Manila vẫn chưa xác nhận liệu ông Carlos có đúng là người xuất hiện trong cuộc gọi vừa bị rò rỉ hay không, cũng như phủ nhận các thông tin về "mô hình mới".
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Philippines “phủ nhận sự thật”.
Trong nhiều tháng qua, Philippines và Trung Quốc liên tục đụng độ nhau quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trong đó Bãi Cỏ Mây là một trong những tâm điểm xung đột.
Bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi cạn Ayungin) nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Theo phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, Bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Philippines.
Liên quan hoạt động của các bên ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán rằng mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói hồi tháng 3/2024.
 
Top