Phi công kể lại giây phút máy bay 'chết động cơ' trên không

'Có lần đang bay nhìn ra ngoài thấy cánh quạt đứng yên vì lạnh quá nên động cơ bị chết. Lúc đó, phi công xử lý bằng cách cầm vào tay ga lắc đi lắc lại một chút, động cơ sẽ chạy lại' - ông Phạm Huy Vận - nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919 - kể lại.​


Tại buổi giao lưu nhân dịp 65 năm ngày truyền thống của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (01/5/1959-01/5/2024), các phi công một thời oanh liệt đã chia sẻ những câu chuyện đầy tự hào.
Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"
Ông Phạm Huy Vận - nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, hoàn thành khóa học bay năm 1968 - nói về ký ức trong quá trình học, chiến đấu để giành độc lập, tự do cho đất nước mà ông vẫn giữ cho riêng mình lâu nay.
Phi Công Trần Hữu Thọ, Phạm Huy Vận xuất hiện tại buổi giao lưu.

Phi Công Trần Hữu Thọ, Phạm Huy Vận xuất hiện tại buổi giao lưu.
"Khi tôi tham gia công tác huấn luyện, đất nước trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lớp học phi công khóa đó chỉ có thể học tại nhà dân, đình chùa. Nhiều lần đang học thì phía Mỹ rải bom trúng nhà dân, cả lớp vội vã chạy xuống hào ẩn náu. Lúc bấy giờ, tất cả học viên đều được huấn luyện bởi những người đi trước thông qua trí tưởng tượng, vì không có mô hình học bay", ông Vận bồi hồi kể lại.
Với ý chí phấn đấu, phi công Phạm Huy Vận cùng học viên khác đã hoàn thành khóa học vào năm 1968. Do có chuyên môn về vị trí hoa tiêu dẫn đường nên khi tốt nghiệp ông được bay tất cả máy bay mà Trung đoàn 919 sở hữu. Một vài năm sau, khóa học của ông được cử đi đào tạo, huyến luyện bay thêm ở Séc.
Ông Phạm Huy Vận kể về giây phút động cơ máy bay dừng hoạt động khi đang ở trên không.

Ông Phạm Huy Vận kể về giây phút động cơ máy bay dừng hoạt động khi đang ở trên không.
Theo lời kể của ông Vận, khi mới bắt đầu cất cánh lên bầu trời, các phi công của Trung đoàn Không quân vận tải gặp vô vàn thử thách. Dòng máy bay cường kích Ilyushin Il-2 do Liên Xô sản xuất thời đó không được trang bị điều hòa, nhà vệ sinh. Bay càng cao thì càng bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài, càng rét và lạnh. Có thời điểm tay chạm vào thành máy bay mà như bị điện giật.
"Máy bay lúc đó cũng không có radar dẫn đường, có đám mây thì cứ chui vào, khi nào thấy ánh sáng lại bay ra. Có lần đang bay nhìn ra ngoài thấy cánh quạt đứng yên vì lạnh quá nên động cơ bị chết. Lúc đó, phi công xử lý bằng cách cầm vào tay ga lắc đi lắc lại một chút, động cơ sẽ chạy lại", ông Vận bồi hồi chia sẻ khoảnh khắc "ngàn cân treo sợi tóc".
Nhận thư Bác Hồ, ăn mừng chiến thắng
Là thế hệ phi công thứ 2 của Đoàn bay 919 từ năm 1964, ông Trần Hữu Thọ nhiều lần nghẹn ngào khi kể lại quá trình công tác. Vào giai đoạn năm 1965-1967, những phi công quân sự như ông Thọ bay suốt ngày đêm để chi viện biên giới cho Lào, có chuyến vào miền Nam.
"Vào năm 1968, khi xuất kích bay khi qua Khe Sanh (Quảng Trị) - vĩ tuyến 17, tôi cảm thấy xót xa khi thấy khung cảnh đất nước bị tàn phá. Tiếng động cơ nổ vang rền, cánh quạt kêu, khi qua khu vực quê nhà, trong lòng tôi thầm nói mẹ ơi, trên đầu mẹ là máy bay của chúng con, không phải máy bay địch. Giờ con đã trưởng thành, về trả thù cho bố mẹ", phi công Trần Hữu Thọ chia sẻ.
 Máy bay T-28, Trung đoàn 919. Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.

Máy bay T-28, Trung đoàn 919. Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.
Đặc biệt, thời khắc ông Trần Hữu Thọ nhớ nhất trong cuộc đời phi công quân sự đó chính là khi bay về đơn vị vào đúng dịp giao thừa thì nhận được bức thư và lẵng hoa của Bác Hồ gửi tặng động viên.
Trải qua nhiều thế hệ, đoàn bay 919 của Không quân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng Không quân vận tải - hàng không dân dụng đã thực hiện hàng trăm chuyến bay, cơ động cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển vũ khí, phương tiện kỹ thuật, thuốc men… đáp ứng nhu cầu cấp bách cho chiến dịch. Sau ngày toàn thắng, các chuyến bay của không quân vận tải đã đưa lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn, nay là TPHCM, dự lễ mừng chiến thắng.
Năm 1989, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có sự chuyển đổi cơ chế quan trọng, tách khỏi Quân đội, chuyển sang trực thuộc Chính phủ. Ngày 29-8-1989, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo cơ chế mới, Đoàn Bay 919 trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Ngày 27/5/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trên cơ sở sắp xếp lại các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành hàng không, lấy Hãng Hàng không quốc gia làm nòng cốt. Và 919 là đoàn bay đầu tiên của doanh nghiệp.
 
Top