Osho: Vợ bạn xấu ư? Cứ ly dị và cô ta lại trở nên đẹp!

Điều khó khăn nhất, điều gần như là không thể được nhất đối với tâm trí chính là vẫn còn ở giữa, chính là vẫn duy trì được cân bằng, còn chuyển từ điều này sang phía đối diện của nó là dễ nhất. Chuyển từ cực này sang cực đối diện là bản chất của tâm trí. Điều này phải được hiểu rất sâu sắc vì chừng nào bạn chưa hiểu được điều này, chẳng cái gì có thể dẫn bạn tới thiền được.
Bản chất của tâm trí là di chuyển từ cực điểm nọ sang cực điểm kia. Nó phụ thuộc vào sự mất cân bằng, nếu bạn đang cân bằng, tâm trí biến mất. Tâm trí hệt như bệnh tật, khi bạn quân bình, bệnh không có đấy.
Đó là lí do tại sao người ăn quá nhiều lại dễ nhịn ăn. Điều ấy có vẻ phi logic bởi vì chúng ta nghĩ rằng một người bị ám ảnh bởi thức ăn thì không thể nào cứ nhịn ăn được. Nhưng bạn nhầm, chỉ người nào bị ám ảnh với thức ăn mới có thể nhịn ăn được, bởi vì nhịn ăn cũng lại là một loại ám ảnh nhưng theo hướng ngược lại thôi. Điều ấy không thực sự làm thay đổi bản thân bạn, bạn vẫn bị ám ảnh bởi thức ăn. Trước đây ăn quá nhiều, bây giờ lại chịu đói nhưng tâm trí cứ tập trung vào thức ăn từ cực đối lập kia.
Người quá ham mê về dục có thể trở thành người độc thân rất dễ dàng, chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng thật khó cho tâm trí để đi đến đúng chế độ, thật khó cho tâm trí để duy trì ở chính giữa.
Tại sao khó duy trì ở chính giữa ? Điều đó cũng như là con lắc đồng hồ vậy. Con lắc của đồng hồ đi sang phải, rồi nó lại chuyển sang trái, rồi nó lần nữa lại chuyển sang phải, rồi nó lại chuyển sang trái; toàn bộ đồng hồ phải phụ thuộc vào chuyển động này. Nếu con lắc dừng ở chính giữa thì đồng hồ sẽ dừng lại. Và khi con lắc đi sang phải, bạn nghĩ rằng nó chỉ đi sang bên phải, nhưng đồng thời nó thu được đà để đi sang trái. Nó càng chuyển sang phải, nó lại càng thu nhiều năng lượng để chuyển sang trái, sang phía đối lập. Khi nó chuyển sang trái, nó lại thu được đà để chuyển sang phải.
Bất kì khi nào bạn ăn quá nhiều, bạn cũng đã thu được đà để nhịn ăn. Bất kì khi nào bạn quá say mê về dục, chẳng chóng thì chầy, brahmacharya, độc thân sẽ hấp dẫn bạn.
Và cùng điều như thế đang xảy ra ở cực đối lập. Bạn cứ đi hỏi cái gọi là các thánh nhân, các khất sĩ, các sannyasin của bạn mà xem. Họ đã làm cho vấn đề đi đến điểm là độc thân, bây giờ thì tâm trí của họ lại đang thu thập đà để chuyển vào trong dục. Họ đã đi đến một điểm là trở nên đói và chết đói, và rồi tâm trí của họ thường xuyên nghĩ đến thức ăn. Khi bạn đang nghĩ về thức ăn quá nhiều, điều đó chỉ ra rằng bạn đang thu thập đà cho nó. Việc nghĩ có nghĩa là cái đà. Tâm trí bắt đầu sắp xếp cho cái đối lập.
Một điều: bất kì khi nào bạn di chuyển bạn cũng di chuyển sang phía đối lập. Phía đối lập bị dấu kín, nó còn chưa hiện rõ ra.
Khi bạn yêu một người, ấy là bạn đang thu thập đà để ghét người đó. Đấy là lí do tại sao chỉ bạn bè mới có thể trở thành kẻ thù được. Bạn không thể bỗng nhiên trở thành thù được chừng nào trước hết bạn còn chưa trở thành bạn. Những người yêu cãi nhau, lục đục. Chỉ những người yêu mới có thể cãi nhau và lục đục, bởi vì chừng nào bạn chưa yêu, làm sao bạn có thể ghét được? Chừng nào bạn còn chưa chuyển xa sang cực trái, làm sao bạn có thể chuyển sang phải được? Nghiên cứu hiện đại nói rằng: cái gọi là tình yêu thực chất chỉ là quan hệ giữa những kẻ thù thân thiết thôi. Vợ bạn chính là kẻ thù thân thiết của bạn, chồng bạn là kẻ thù thân thiết của bạn - cả hai vừa thân thiết vừa đối địch. Họ dường như là đối lập, phi logic, bởi vì chúng ta vẫn tự hỏi vì sao một người đang thân thiết thế lại có thể trở thành kẻ thù được; một người đang là bạn bè, làm sao người đó lại trở thành kẻ thù?
Logic là nông cạn, cuộc sống đi sâu hơn, và trong cuộc sống tất cả các phía đối lập đều hợp lại với nhau, chúng cùng tồn tại với nhau. Nhớ lấy, điều này, bởi vì thế thì thiền mới trở thành cân bằng.
Phật đã dạy tám kỉ luật, và với mỗi kỉ luật ông ấy đã dùng một từ chính. Ông ấy nói: chính tinh tấn, bởi vì rất dễ chuyển từ hành động sang không hành động, từ thức sang ngủ, nhưng duy trì ở giữa là khó. Khi Phật dùng từ chính, tức là ông ấy đang nói: đừng chuyển sang phía đối lập, cứ ở chính giữa. Ăn đúng - ông ấy chưa bao giờ nói đến nhịn ăn cả. Đừng quá mê say trong ăn quá nhiều, cũng đừng quá mê say trong nhịn ăn. Ông ấy nói: ăn đúng. Ăn đúng nghĩa là đứng ở điểm giữa.
Khi bạn đang đứng ở điểm giữa, bạn không thu thập bất kì đà nào, và đây chính là cái đẹp của nó - một người không thu thập bất kì đà nào để đi đâu cả, có thể thoải mái với chính mình, có thể ở nhà.
Bạn có thể chẳng bao giờ ở nhà cả, bởi vì bất kì cái gì bạn làm, bạn ngay lập tức sẽ phải làm cái đối lập cho cân bằng. Và cái đối lập chẳng bao giờ cân bằng hết cả, nó đơn giản cho bạn ấn tượng rằng bạn đang trở nên cân bằng, nhưng bạn sẽ lại phải chuyển sang cái đối lập lần nữa.
Một Phật thì chẳng là bạn của bất kì ai, nhưng cũng chẳng là kẻ thù. Người đó đơn giản đứng lại ở giữa - chiếc đồng hồ không vận hành.
Người ta thường kể về một nhà huyền học của phái Hassid, tên là Muzheed, rằng là khi ông này đạt tới chứng ngộ, bỗng nhiên chiếc đồng hồ trên tường nhà ông ấy dừng lại. Điều ấy thì có thể xảy ra, cũng có thể không xảy ra, bởi vì đấy là một khả năng, nhưng tính biểu tượng là rõ ràng: khi tâm trí bạn dừng lại, thời gian dừng lại; khi con lắc dừng lại, đồng hồ dừng lại. Từ đó trở đi thì chiếc đồng hồ đó không bao giờ chạy nữa, từ đó trở đi nó bao giờ cũng chỉ cùng một giờ.
Thời gian được tạo ra do chuyển động của tâm trí, cũng giống hệt như chuyển động của con lắc vậy. Tâm trí chuyển động, bạn cảm thấy thời gian. Khi tâm trí không chuyển động, làm sao bạn cảm thấy thời gian được? Khi không có chuyển động, không thể cảm thấy thời gian được. Các nhà khoa học và các nhà huyền học đều đồng ý về điểm này: rằng là chuyển động tạo ra hiện tượng thời gian. Nếu bạn không chuyển động, nếu bạn tĩnh lặng, thời gian biến mất, cái vĩnh hằng đi vào trong sự tồn tại.
Chiếc đồng hồ của bạn chạy nhanh, và cơ chế của nó đang chuyển động từ cực đoan này sang cực đoan khác.
Điều thứ hai cần phải hiểu về tâm trí là ở chỗ tâm trí bao giờ cũng ao ước xa cách, chẳng bao giờ mong ước gần gũi cả. Cái gần gũi đem lại cho bạn chán chường, bạn phát ngán với nó; cái xa cách cho bạn mơ ước, hi vọng, khả năng để hài lòng. Cho nên tâm trí bao giờ cũng nghĩ đến xa cách. Vợ của một ai đó khác bao giờ cũng hấp dẫn, đẹp đẽ; nhà của ai đó khác bao giờ cũng ám ảnh bạn; xe ô tô của ai đó khác làm bạn mê mẩn. Điều đó bao giờ cũng là xa cách. Bạn mù với cái gần gũi. Tâm trí không thể thấy được cái ở rất gần. Nó chỉ có thể thấy được cái ở rất xa.
Thế những cái xa nhất, cái xa xôi nhất thì sao? Cái đối lập là xa cách nhất. Bạn yêu một người - bây giờ thì ghét là hiện tượng xa cách nhất; bạn ăn quá nhiều - bây giờ nhịn ăn là hiện tượng xa cách nhất; bạn độc thân - bây giờ dục là hiện tượng xa cách nhất; bạn đang là vua - bây giờ việc là sư là xa cách nhất.
Cái xa cách nhất chính là điều mơ mộng nhất. Nó hấp dẫn, nó ám ảnh, nó cứ vẫy gọi, mời mọc bạn, và thế rồi khi bạn đã đạt tới cực kia, chỗ mà từ đó bạn đã đi, lần nữa lại trở thành đẹp. Li dị vợ bạn, và sau vài năm, vợ bạn lại trở nên đẹp.
 
Top